New Don Vi & Giang Vien
 Search

Những biến động kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kinh doanh quốc tế và hàm ý đối với Việt Nam

Với tác động của khoa học công nghệ, thế giới đương đại đã trở thành thế giới phẳng, thế giới của toàn cầu. Theo đó, có những sự kiện diễn ra tại một khu vực, một quốc gia nhất định cũng sẽ tạo ra những chuyển biến lớn lao với các khu vực, các quốc gia khác, đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn nhận hết sức khoa học để từ đó đưa ra những chủ trương, chính sách, cách thức để tận dụng cơ hội cũng như vượt qua những thách thức không hề nhỏ. 


Để làm rõ các vấn đề trên, chiều ngày 25/05/2022, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đồng phối hợp với Phòng Tạp chí Xuất bản, Trường ĐHKT - ĐHQGHN tổ chức Webinar quốc tế với chủ đề “How Recent Upheavals in the Global Economy are Affecting International Business and Implications to Vietnam”.

>> Tọa đàm được live stream trên kênh Fanpage UEB - Research & Sharing, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: https://www.facebook.com/UEBresearch/videos/1140566046517449

Với chủ đề mang tính thời sự, Webinar đã thu hút gần 150 người tham dự, mang đến cơ hội trao đổi về các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh quốc tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến nhiều biến động lớn, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực giúp các quốc gia nắm bắt cơ hội cũng như hạn chế rủi ro khi tham gia vào thị trường quốc tế trong giai đoạn đầy khó khăn này.

Diễn giả chính của Webinar là TS. John Walsh - Phó Trưởng khoa và Giám đốc Chương trình Anh ngữ tại Trường Quốc tế - Đại học Krirk, Thái Lan; thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Trước đó, ông là Chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT Việt Nam. Ông đã sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia như Vương quốc Anh, Sudan, Hy Lạp, Hàn Quốc, Australia, UAE, Việt Nam, Thái Lan và có nhiều công trình nghiên cứu tập trung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia/lãnh thổ nằm trong Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự và phát biểu tại tọa đàm
Đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham gia tọa đàm

Tại buổi Webinar, TS. John Walsh đã đi sâu phân tích những sự kiện, biến động lớn gần đây như khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng do chính sách thắt lưng buộc bụng của các chính phủ, đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraina, biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc dân túy và những thách thức từ bối cảnh Trung Quốc… Đồng thời, ông cũng đưa ra các hàm ý cho Việt Nam trong bối cảnh phải đối mặt với áp lực về chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị, quan hệ quốc tế (di cư, quản lý nước, phi toàn cầu hóa), cần những kỹ năng mới và khả năng phục hồi, cơ sở hạ tầng, cuộc cách mạng xanh...

Tham luận của  TS. John Walsh tại tọa đàm

Trên cơ sở những phân tích và đề xuất của TS. John Walsh, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổng hợp và rút ra một số hàm ý chính:

Hàm ý chính sách cho chuỗi cung ứng toàn cầu:

Trong thời gian tới, tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu vẫn còn nghiêm trọng và khó có thể chấm dứt ngay. Từ phân tích của TS. John Walsh dựa trên nghiên cứu của OECD, có thể đưa ra một số hàm ý chính sách/biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 như tăng cường niềm tin vào thương mại và thị trường toàn cầu bằng cách cải thiện tính minh bạch, đẩy nhanh các thủ tục chứng nhận cho vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và hàng hải toàn cầu. Các quốc gia cũng nên tránh các hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn như thiết bị y tế và đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm; đồng thời cần kiểm soát giá cả tránh việc giá cả leo thang hơn nữa nếu dịch bệnh tái bùng nổ trên diện rộng. Cần cải thiện khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng để có được cái nhìn sâu sắc về những hạn chế về năng lực. Chính phủ các nước cần thiết lập mô hình rủi ro và chi phí mới để chủ động áp dụng các biện pháp ngay khi cần. Về vấn đề thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên vật liệu, các quốc gia cần tập trung vào khả năng phục hồi bằng cách đa dạng hóa thị trường nguồn cho đầu vào.

Trong bối cảnh khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, một số hàm ý được đưa ra xét trên khía cạnh chuỗi cung ứng toàn cầu: Thứ nhất, quản lý chuỗi cung ứng có thể có hai cách thức: độ phức tạp cao hơn với việc sử dụng nhiều máy móc và số hóa nhiều hơn; hoặc đơn giản hóa, phân tách và điều chỉnh lại. Các chuỗi cung ứng khác nhau có thể có cách quản lý khác nhau. Thứ hai, hướng tới “logistics xanh” trong vận chuyển hàng hoá nói chung và vận chuyển hàng hóa đường biển nói riêng. Đồng thời, tập trung hơn vào các khu vực cảng và vùng nội địa bao gồm các đảo liên kết xuyên biên giới, cùng với các đặc khu kinh tế và các địa điểm sản xuất và tiêu dùng khác.

TS. Vũ Thanh Hương - Phó trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN điều hành phần thảo luận

Hàm ý chính sách cho Việt Nam:

Sự biến động của nền kinh tế toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh quốc tế. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng cửa biên giới để tập trung phòng chống dịch bệnh, hay những ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu toàn cầu, chính trị bất ổn hay xung đột Nga - Ukraine đều là những thách thức đặt ra cho Chính phủ và các doanh nghiệp. Một số khuyến nghị đã được rút ra cho Nhà nước và doanh nghiệp Việt nam nói riêng để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội phát triển. 

Ở mặt tích cực, tình hình căng thẳng ở Trung Quốc dẫn đến nhiều chuỗi sản xuất và hoạt động đầu tư đang rời khỏi đất nước với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và đây chính là cơ hội cho Việt Nam. Với môi trường chính trị an toàn và những thành tích đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam được đánh giá là điểm thu hút đầu tư đáng tin cậy. Chính vì thế, Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội để đón đầu tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất phù hợp, cũng như Chính phủ cần có các chính sách thu hút đầu tư hợp lý song song với chống dịch. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu siêu kết nối ngày nay, được đặc trưng bởi các liên kết thương mại sâu rộng, đã khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc và cuộc tấn công từ thiên nhiên. Không một quốc gia nào được an toàn khi cộng đồng và các nước khác chưa an toàn, do đó, nếu không có sự phối hợp về mặt chính sách ở mức độ toàn cầu thì việc áp dụng các chính sách riêng cho từng quốc gia có thể sẽ kém tối ưu. Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phối hợp chính sách để có thể hạn chế các tác động tiêu cực mà đại dịch mang đến. Đây có thể là đòn bẩy tích cực cho tăng trưởng thương mại và đầu tư, từ đó góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.

Trong bối cảnh khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào khoa học và công nghệ để hiện đại hóa và đồng bộ hóa công nghệ kỹ thuật số. Nguồn nhân lực để phục vụ trong lĩnh vực này cần được đầu tư và đào tạo bài bản, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, đồng thời có thể ứng biến với mọi tình huống xảy ra trong không gian mạng. Bên cạnh đó, đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách và tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; tập trung phát triển kỹ năng công nghệ về quản lý từ xa, giáo dục và vận hành doanh nghiệp thông qua nền tảng số cũng là điều Việt Nam cần tập trung hơn trong thời gian tới. Về phía các doanh nghiệp, cần chú trọng ứng dụng các mô hình kinh doanh mới như mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh liên kết… cùng sự trợ giúp của công nghệ giúp doanh nghiệp tinh chỉnh kế hoạch kinh doanh và nắm bắt được khi nhu cầu thị trường biến động. 

Nói tóm lại, những biến động lớn trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay đã và sẽ tiếp tục gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cả trong ngắn và dài hạn, đe dọa thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu và cả Việt Nam. Như một hệ quả tất yếu, nạn đói trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn do các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. Dự đoán trong tương lai có thể châu Á sẽ hứng chịu một làn sóng suy thoái kinh tế do những sự biến động từ nền kinh tế toàn cầu, giá trị đồng tiền các nước châu Á giảm, lạm phát tăng cao, Mỹ tăng lãi suất khiến cho thu nhập thực giảm, vì vậy sức mua cũng bị giảm. Tuy nhiên, luôn có những cơ hội đằng sau thách thức. Chính phủ các nước châu Á và cụ thể là Việt Nam cần nỗ lực để phát huy lợi thế so sánh của mình để từ đó giảm thiểu những rủi ro và thách thức mà những biến động này mang lại, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội từ các rủi ro.


>> Thông tin về TS. John Walsh:



FullName Email
Address Security code KSCLGO
Content