New Don Vi & Giang Vien
 Search

Ngành Kinh tế Quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Sức hấp dẫn nghề nghiệp và những chuyên ngành dẫn đầu xu thế

Ngành Kinh tế quốc tế tại Việt Nam đang có triển vọng phát triển tích cực nhờ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, thúc đẩy thương mại quốc tế, từ đó tăng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Với triển vọng nghề nghiệp tươi sáng, theo học ngành kinh tế quốc tế đang là một lựa chọn đầy hấp dẫn dành cho Gen Z, mở ra cơ hội nghề nghiệp đa dạng, hấp dẫn và cánh cửa hội nhập toàn cầu cho sinh viên theo học.


Hãy cùng gặp gỡ TS. Nguyễn Tiến Minh – Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế để tìm hiểu chi tiết về ngành Kinh tế quốc tế tại UEB - ngành học có điểm tuyển sinh đại học luôn nằm trong top cao nhất cả nước khối ngành kinh tế!

Phóng viên: Xin chào TS. Nguyễn Tiến Minh! Hiện nay tại Việt Nam có rất nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đại học ngành Kinh tế quốc tế, vậy Thầy có thể cho biết chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có những ưu điểm nổi bật nào để sinh viên theo học có lợi thế cạnh tranh hơn, tự tin hơn khi gia nhập thị trường lao động trong nước và quốc tế?

TS. Nguyễn Tiến Minh:

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước đào tạo ngành Kinh tế quốc tế, tuy nhiên, khi lựa chọn theo học ngành Kinh tế quốc tế của Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, sinh viên sẽ được thụ hưởng môi trường đào tạo và chất lượng đào tạo với nhiều ưu điểm nổi trội như:

Chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế quốc tế được xây dựng dựa trên Chương trình đào tạo ngành Kinh tế toàn cầu của Trường Đại học California Santa Cruz (UCSC) - Hoa Kỳ, xếp hạng thứ 123 thế giới, thứ 64 tại Mỹ và 71 tại khu vực bắc Mỹ theo xếp hạng của tổ chức CSIC (Centro de Ciencias Humanas y Sociales - Consejo Superior de Investigaciones Científicas, Tây Ban Nha). Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, đạo đức và thái độ đúng đắn, có năng lực quản lý, phân tích, đánh giá, xây dựng và triển khai các dự án trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế một cách khoa học, logic và sáng tạo, đặc biệt, có thể làm việc độc lập và hiệu quả trong môi trường đa văn hóa.

Với mục tiêu đào tạo sinh viên trở thành các chuyên gia, lãnh đạo có kiến thức và kỹ năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn được cập nhật liên tục những kiến thức mới cùng những phương pháp giảng dạy, học tập gắn lý thuyết với ứng dụng thực tiễn. Sinh viên có cơ hội chọn lựa giữa các chuyên ngành:

- Thương mại quốc tế

- Kinh doanh quốc tế

- Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu

Mỗi chuyên ngành đều cung cấp kiến thức sâu rộng và kỹ năng thực tế, giúp sinh viên tự tin hội nhập vào môi trường toàn cầu với các nền văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, với kim chỉ nam đào tạo những công dân toàn cầu, hội nhập quốc tế với kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu, gần 30% số tín chỉ trong chương trình sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh, giúp sinh viên theo học ngành Kinh tế quốc tế tại UEB nâng cao khả năng tiếng Anh chuyên ngành và khả năng giao tiếp quốc tế.
Đặc biệt, chương trình đào tạo chú trọng đến việc tổ chức cho sinh viên tham gia các chuyến đi thực tế, mang lại những cơ hội thực tập tại các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước, giúp sinh viên làm quen với thực tiễn, chuẩn bị tốt nhất cho sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Phóng viên: Thầy có thể chia sẻ cụ thể hơn về các chuyên ngành Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế,  Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang được đào tạo tại Khoa?

TS. Nguyễn Tiến Minh:

Sinh viên sẽ bắt đầu lựa chọn chuyên ngành chuyên sâu từ năm thứ ba đại học, mỗi chuyên ngành sẽ cung cấp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn phục vụ cho các công việc tương ứng với từng chuyên ngành. Cụ thể:

- Chuyên ngành Thương mại quốc tế:  

Chương trình đào tạo sâu về marketing quốc tế, thương mại điện tử, và giao dịch thương mại quốc tế, chương trình chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng cần thiết để tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế và triển khai hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số.

Điểm nổi trội của chuyên ngành này đó là cung cấp năng lực tổng hợp và phân tích cao, đáp ứng nhu cầu thích nghi với môi trường kinh doanh đa văn hóa và sự sáng tạo trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi và chuyển mình sau đại dịch, chuyên ngành này đặc biệt phù hợp với nhu cầu về mở rộng thị trường và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trên phạm vi quốc tế.

- Chuyên ngành Kinh doanh quốc tế:

Chương trình cung cấp kiến thức chuyên sâu về chiến lược kinh doanh quốc tế, đàm phán, thanh toán quốc tế và quản trị dự án, hỗ trợ sinh viên phát triển kỹ năng lãnh đạo và quản lý dự án trong môi trường quốc tế.

Điểm nổi trội của chuyên ngành này đó là trang bị cho người học khả năng xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh quốc tế, đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa và sự cần thiết của việc tham gia và quản lý hiệu quả mạng sản xuất toàn cầu. Với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, nhu cầu về những nhà quản lý có khả năng nhìn nhận và tận dụng cơ hội từ sự thay đổi của thị trường quốc tế, cũng như giải quyết các thách thức từ biến động chính trị và kinh tế, là cực kỳ cao.

- Chuyên ngành Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu:

Sự phát triển nhanh chóng của ngành logistics và chuỗi cung ứng trên thế giới và tại Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực này phát triển sự nghiệp và mở rộng cơ hội việc làm. Vì thế, lựa chọn chuyên ngành Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu, sinh viên sẽ được trau dồi kiến thức chuyên sâu về vận tải, logistics hàng hóa, và quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng quản lý hiệu quả các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng.

Điểm nổi trội của chuyên ngành này đó là, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có các kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại khi các chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức lớn do tác động của đại dịch COVID-19 và sự bất ổn từ môi trường chính trị quốc tế.

Phóng viên: Vậy cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tương ứng với từng chuyên ngành chuyên sâu như: Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Logistic và Chuỗi cung ứng toàn cầu cụ thể như nào thưa thầy?

TS. Nguyễn Tiến Minh:

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí công việc tương ứng với từng chuyên ngành chuyên sâu đã lựa chọn trong quá trình theo học, cụ thể như:

Với chuyên ngành Thương mại quốc tế, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự tin làm một số công việc dưới đây: 

- Nhân viên làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kế toán, kiểm toán, nhân viên kinh doanh trong các công ty, doanh nghiệp, ngân hàng... hoạch định, triển khai kế hoạch hay thực hiện dự án thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước

- Nhân viên tại một số bộ phận như: Phát triển thị trường, quản trị chiến lược, chính sách và phát triển kế hoạch kinh doanh thương mại quốc tế

- Chuyên viên kinh tế tại các tổ chức, cơ quan Nhà nước như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các cơ sở địa phương...

- Chuyên gia phân tích kinh tế trong và ngoài nước

- Giảng viên giảng dạy chuyên ngành Thương mại quốc tế tại các trường cao đẳng, đại học

Với chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí: 

- Chuyên viên xuất nhập khẩu, nhân viên kinh doanh, hoạch định tài chính quốc tế, nghiên cứu thị trường,…

- Chuyên viên phân tích dữ liệu, số liệu xuất nhập khẩu, chuyên viên thực hiện các gói dự án điều tra, giám sát, tổng hợp dữ liệu làm cơ sở lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, các loại hình kinh doanh quốc tế…

- Chuyên viên phụ trách dự án, phụ trách nhãn hàng của dự án quốc tế, các dự án trong chuỗi cung ứng toàn cầu

- Giảng viên, trợ giảng tại các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực kinh doanh quốc tế tại các trường cao đẳng, đại học.

Với chuyên ngành Logistics & Chuỗi cung ứng toàn cầu, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc đa dạng trong các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải,... Một số vị trí công việc phổ biến của ngành này bao gồm: 

- Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Manager)

- Nhân viên vận tải: Chịu trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức, điều hành và kiểm soát các hoạt động vận tải trong chuỗi cung ứng

- Chuyên viên kho vận: Quản lý các hoạt động lưu kho, bốc xếp và xuất nhập hàng hóa trong kho

- Nhân viên thu mua: Đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị...

- Nhân viên thanh toán quốc tế: Thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế

- Ngoài ra, sinh viên cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực khác như tư vấn, giảng dạy, nghiên cứu,... tại các cơ sở đào tạo liên quan.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung và Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế nói riêng luôn tích cực hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức để giới thiệu những cơ hội tuyển dụng việc làm đến cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cơ sở dữ liệu về thực tập và việc làm được cập nhập, kiểm soát và bổ sung thường xuyên lấy từ các kênh uy tín thông qua các hợp tác chiến lược với các tổ chức doanh nghiệp, từ mối quan hệ của các giảng viên, cũng như được sự hỗ trợ của UEB Family và Hội Cựu sinh viên, cựu học viên. 

Phóng viên: Thầy có thể cho biết để tăng cường cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng trong môi trường làm việc thực tế, chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế có những định hướng và hỗ trợ cụ thể nào để giúp sinh viên tìm kiếm và lựa chọn các doanh nghiệp hoặc tổ chức thực tập phù hợp với chuyên ngành học của mình?

TS. Nguyễn Tiến Minh:

Tại Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, hoạt động thực tập, thực tế luôn những hoạt động được đặc biệt chú trọng để triển khai cho các sinh viên theo học ngành Kinh tế Quốc tế nói chung, các chuyên ngành chuyên sâu nói riêng. Khoa không ngừng nỗ lực kết nối, tìm kiếm các cơ hội thực tập, thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu, giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, chuẩn bị tốt nhất cho sự nghiệp sau khi ra trường. Để làm được điều đó, Khoa và Nhà trường đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp phù hợp để giới thiệu sinh viên tới kiến tập, thực tập hoặc sinh viên có thể chủ động tìm kiếm doanh nghiệp/tổ chức thực tập mà mình yêu thích những vẫn đảm bảo phù hợp với chuyên ngành học.

Sinh viên thuộc chuyên ngành Thương mại quốc tế được định hướng và tạo điều kiện thực tập, thực tế tại các công ty tư vấn kinh doanh hoặc các phòng nghiên cứu thị trường; Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc tại các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, nơi có thể học hỏi về quy trình giao dịch, marketing online và quản lý rủi ro thương mại. Sau khi kết thúc đợt thực tập, thực tế, sinh viên được nâng cao năng lực phân tích thị trường, kỹ năng giao tiếp quốc tế và năm vững hơn các quy định thương mại quốc tế.

Sinh viên ngành Kinh tế quốc tế được tham gia nhiều chuyến đi thực tập, thực tế để tích lũy, trau dồi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích từ các cơ quan, doanh nghiệp

Sinh viên chuyên ngành kinh doanh quốc tế có cơ hội thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp đa quốc gia hoặc các công ty có hoạt động kinh doanh rộng rãi trên thế giới. Sinh viên có thể tham gia thực tập tại các cơ quản tổ chức nhà nước có hoạt động liên quan đến chuyên ngành như: Các dự án quản lý chiến lược, đàm phán hợp đồng quốc tế hoặc quản lý dự án đầu tư quốc tế. Sau khi kết thúc đợt thực tập, thực tế, sinh viên được phát triển năng lực quản lý, triển khai dự án trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế. Nâng cao năng lực đàm phán trong môi trường kinh doanh toàn cầu, cũng như hiểu sâu hơn về kinh doanh trong các nền văn hóa khác nhau.

Còn đối với sinh viên theo học chuyên ngành Logistic và Chuỗi cung ứng toàn cầu, các em sẽ được định hướng và tạo điều kiện thực tập, thực tế tại các công ty logistics hoặc các doanh nghiệp sản xuất và thương mại có hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu. Nội dung thực tập bao gồm quản lý kho hàng, vận tải quốc tế, quản lý hàng tồn kho, và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Sau khi kết thúc đợt thực tập, thực tế, sinh viên được cải thiện kỹ năng quản lý hoạt động kinh doanh logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như nâng cao năng lực lập kế hoạch và phân tích, cũng như nắm vững các quy trình vận hành.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế còn có cơ hội tham gia các chương trình thực tế đến nhiều tỉnh/thành như Summer school – nơi các em được thảo luận, tìm hiểu thêm về tình hình tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Hay các chương trình thực tập ngắn hạn thông qua các study-tour tại Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, CHLB Đức, Ba Lan... trong các chương trình liên kết với Khoa và Nhà trường, để học hỏi, tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực ngoại ngữ, khả năng hội nhập và phát triển bản thân trong môi trường quốc tế.

Bên cạnh các hoạt động thực tập, thực tế tại các cơ quan doanh nghiệp trong nước, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế còn có cơ hội tham gia các chuyến studytour tại nước ngoài để tích lũy thêm kiến thức, giao lưu học hỏi từ bạn bè quốc tế

Phóng viên: Bên cạnh môi trường học tập bồi dưỡng chuyên môn sâu, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế còn được rèn luyện, phát triển các kỹ năng mềm như thế nào ạ?

TS. Nguyễn Tiến Minh:

Bên cạnh môi trường học tập chuẩn quốc tế, trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn sâu, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế còn được rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm quan trọng, phục vụ tốt cho bất kỳ một vị trí công việc nào trong tương lai, thông qua nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn:

- Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Sinh viên sẽ học cách trình bày ý tưởng, thuyết phục và làm việc hiệu quả trong các tình huống cụ thể đối với từng môn học, tăng cường giao tiếp, chia sẻ kiến thức, khả năng phản biện cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

- Kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề: Thông qua các bài tập thực tiễn, tình huống kinh doanh, các seminar và hội thảo chuyên đề với các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, sinh viên sẽ được kích thích tư duy, khả năng suy nghĩ sáng tạo, phân tích và tìm ra các giải pháp hiệu quả cho những vấn đề phức tạp.

Sinh viên ngành Kinh tế quốc tế của UEB rèn luyện kỹ năng mềm và phát triển tư duy sáng tạo thông qua các seminar với các chuyên gia quốc tế, các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi sinh viên...

- Kỹ năng lãnh đạo, quản lý:  Thông qua các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ của Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế và  Nhà trường, sinh viên có cơ hội rèn luyện, phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý thời gian, kết nối và phát triển mạng lưới quan hệ.

- Kỹ năng nghiên cứu, lập kế hoạch: Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hay các cuộc thi về kinh doanh và khởi nghiệp như: Shining with FIBE, Business challenges, Tài năng trẻ Logistics – Viet Nam Young Logistics Talents... giúp sinh viên trau dồi kỹ năng làm nghiên cứu khoa học, lập kế hoạch, thử thách bản thân, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và mở rộng kiến thức, tầm nhìn.

Những kỹ năng mềm này không chỉ hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập mà còn chuẩn bị tốt cho sự nghiệp tương lai.

Phóng viên: Được biết, UEB có một “thiên đường học bổng dành cho sinh viên”. Vậy với sinh viên theo học ngành Kinh tế quốc tế tại UEB cơ hội tham gia vào các chương trình học bổng này như nào thưa thầy?

TS. Nguyễn Tiến Minh:

Sinh viên theo học ngành Kinh tế Quốc tế tại UEB có nhiều cơ hội tham gia các chương trình học bổng đa dạng, trong đó có nhiều loại học bổng khuyến khích học tập của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được trao hàng kỳ cho các sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc, có thành tích ngoại khóa nổi bật phù hợp với các tiêu chí; Các chương trình học bổng là đối tác của Nhà trường như Học bổng IMG – Thắp sáng Tài năng Việt với tổng trị giá 150 triệu đồng, cùng nhiều chương trình học bổng ngoài ngân sách khác đến từ đối tác của ĐHQGHN. Bên cạnh đó, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế tại UEB cũng có nhiều “thành tích” trong việc chinh phục thành công các chương trình học bổng đi trao đổi sinh viên quốc tế ngắn hạn tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Có thể nói, thầy cô và Nhà trường luôn nỗ lực mang lại môi trường và điều kiện học tập, nghiên cứu và rèn luyện tốt nhất cho mỗi sinh viên, để các em có cơ hội khám phá và phát triển toàn diện bản thân.

Phóng viên: Thầy đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân lực của ngành Kinh tế quốc tế trong thời gian tới, cũng như sức hấp dẫn nghề nghiệp mà ngành học này đem lại?

TS. Nguyễn Tiến Minh:

Nhu cầu về nhân lực trong ngành Kinh tế quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do nền kinh tế thế giới ngày càng tăng cường sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau. Các vấn đề kinh tế quốc tế như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thương mại điện tử, an ninh kinh tế và phát triển bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng, yêu cầu sự tham gia của những chuyên gia có khả năng phân tích, lập kế hoạch và triển khai các giải pháp toàn diện.

Theo học ngành Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp phong phú trong nước mà còn mở ra cánh cửa làm việc tại nhiều tổ chức và công ty quốc tế. Sinh viên có thể vận dụng kiến thức và kỹ năng để làm việc tại các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đồng thời, có thể phát triển sự nghiệp của bản thân trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế, cũng như các lĩnh vực liên quan.

Nhìn chung, ngành Kinh tế quốc tế cung cấp một cơ hội sự nghiệp hấp dẫn và đa dạng, từ làm việc trong các tổ chức quốc tế, chính phủ, tới các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Kinh tế quốc tế có thể trở thành chuyên viên hoạch định, phân tích, tư vấn chính sách và dự án tại các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, Địa phương và các Tổ chức quốc tế; Chuyên viên kế hoạch, kinh doanh và đối ngoại tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Giảng viên và nghiên cứu viên hoặc có thể tự lập nghiệp bằng việc khởi sự kinh doanh, tạo lập doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh quốc tế, giao nhận, vận tải và logistics...

Xin cảm ơn TS. Nguyễn Tiến Minh – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế đã cung cấp những thông tin hữu ích về các chuyên ngành chuyên sâu ngành Kinh tế quốc tế! Hy vọng, thông qua những chia sẻ của Thầy, các bạn trẻ sẽ có những lựa chọn chuyên ngành và ngành nghề phù hợp nhất với mong muốn và sở thích của bản thân!


Ngọc Thúy - UEB Meida

FullName Email
Address Security code EEQEGV
Content

Other News