New Don Vi & Giang Vien
 Search

[VnEconomy] Mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ

Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có những biến động khó lường, vì vậy với một nền kinh tế có độ mở cao như hiện nay, Việt Nam cần chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới. Với tốc độ tăng trưởng GDP cao trong những năm qua, tiềm năng thị trường lớn, lực lượng lao động dồi dào và ngày càng được đào tạo bài bản, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ. Dẫu vậy, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số, bán dẫn,… để tiếp tục mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ.


Cẩn trọng với những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu

Việt Nam là một điển hình về phát triển kinh tế thành công. Việc Việt Nam phát triển nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu và hội nhập với thị trường thế giới là một hình mẫu để các quốc gia khác học tập. Tuy nhiên, mô hình phát triển này cũng khiến cho nền kinh tế phụ thuộc vào trao đổi thương mại ở mức chưa từng thấy.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia có kim ngạch thương mại chiếm tới 200% GDP. Ngay cả mức 100% GDP đã được coi là quá cao và chỉ được ghi nhận tại các hòn đảo phụ thuộc vào thương mại như Hong Kong và Singapore. Chính vì lý do này, nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi những biến động từ thị trường thế giới.

Chính quyền sắp tới của Tổng thống Donald Trump có thể là một “cú sốc” từ bên ngoài gây tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh độ mở lớn của nền kinh tế, Việt Nam còn có thặng dư thương mại quá lớn đối với Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã vượt qua mốc 100 tỷ USD, tương đương với 20-25% GDP. Thông thường mức thặng dư thương mại lớn sẽ tương đương từ 3- 5% GDP.

Một điểm cần lưu ý là chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã duy trì phần lớn các chính sách về thuế quan được người tiền nhiệm của ông ban hành. Trong ít nhất là 8 năm qua, tuy phần lớn các học giả và chính trị gia của Mỹ đều có quan điểm ưu tiên tự do thương mại, chính sách của cả hai đảng trong vấn đề này lại đi theo hướng ngược lại.

Sự dịch chuyển chính sách này khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ. Theo lý thuyết thương mại từ năm 1817, trao đổi thương mại là một mối quan hệ mà cả hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, chính quyền mới của Mỹ coi thương mại là một trò chơi có tổng bằng 0.

Quan điểm này được hiểu là khi một quốc gia như Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ, điều đó có nghĩa rằng Việt Nam đang lấy đi việc làm và hoạt động sản xuất của nước này. Trong các cuộc phỏng vấn trước và sau cuộc bầu cử, nhiều thành viên trong chính quyền mới của ông Trump đã nhắc lại quan điểm này.

Mặc dù chưa có thông tin về mức thuế sẽ được chính quyền mới áp dụng, nhưng con số khả thi sẽ là 20% cho các đối tác thương mại truyền thống của Mỹ. Tuy nhiên, với một số quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam, mức thuế có thể sẽ cao hơn. 

Trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu nói chung, nền kinh tế Mỹ nói riêng cũng như những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ. 

Trong trung và dài hạn, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào khối doanh nghiệp FDI để phát triển nền kinh tế. Hiện tại, quy mô và mức đóng góp của khối doanh nghiệp FDI đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là quá lớn, Việt Nam cần phải có sự chuyển dịch kinh tế chiến lược từ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường quốc tế sang phát triển thị trường nội địa.

Khi một quốc gia phát triển kinh tế, quy mô nền kinh tế và độ mở của nó thường đi ngược nhau. Trong khi độ mở giảm xuống thì các yếu tố như tiêu dùng nội địa và đầu tư trong nước sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. 

Một ví dụ của xu hướng này là Trung Quốc. 15 năm trước, quốc gia này có độ mở ở mức 35%, con số này ở thời điểm hiện tại là 17% và đang tiếp tục giảm xuống. Việc độ mở của nền kinh tế và quy mô nền kinh tế của Việt Nam đều cùng tăng nhanh và liên tục là một điều đáng lo ngại và cần có sự thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực để nắm bắt công nghệ

Để tham gia vào lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam cần một hệ sinh thái, song điều quan trọng nhất cần xác định Việt Nam có thể tham gia vào tất cả câu chuyện đó hay không. Bởi chế tạo được một con chip cần một quá trình từ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, đóng gói và phân phối. Riêng khâu chế tạo rất đắt tiền, nên Việt Nam xác định tập trung vào lĩnh vực thiết kế, đóng gói và thử nghiệm. Đây là những định hướng mà chúng tôi, những nhà giáo dục, nhà khoa học Việt Nam xác định là thế mạnh của mình để tập trung.

Trên cơ sở đó, đầu tiên là phải xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với chương trình của thế giới. Hiện nay, ở Việt Nam đã có hơn 30 trường có chương trình đào tạo đại học và sau đại học có liên quan đến vi mạch bán dẫn. Thứ hai là đào tạo đội ngũ giảng viên trong các trường đại học. Thực tế Việt Nam đã có các chuyên gia về thiết kế chip và vi mạch nhưng vẫn chưa đủ. Thứ ba là thiết kế và đóng gói, thử nghiệm chip vi mạch ở Việt Nam đòi hỏi rất tốn kém nên cần có đầu tư trang thiết bị. Hiện nay, các trường đại học Việt Nam dù đã có nhưng tôi cho rằng vẫn rất thiếu. Vì vậy, để làm được điều này cần có vai trò chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt từ các doanh nghiệp. Cuối cùng, cần có hỗ trợ học bổng cho sinh viên trong lĩnh vực này để đào tạo được tài năng, bởi trong lĩnh vực thiết kế, đòi hỏi cần những chuyên gia giỏi, nắm chắc kỹ thuật. Để tạo ra một hệ sinh thái, cần sự đồng hành của Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn.

Liên quan đến vấn đề hợp tác giáo dục giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, tôi cho rằng thời điểm này là cơ hội rất tốt. Chúng ta có thể thấy, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, hai đất nước này đi lên, trở thành những “con rồng” của châu Á và của thế giới chính là dựa vào khoa học và công nghệ. Vì thế, để Việt Nam cất cánh, trở thành quốc gia hùng cường thì phải dựa vào công nghệ.

Để nắm bắt được công nghệ, cần phải đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các trường đại học ở Hoa Kỳ. Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có sự hợp tác với đội ngũ giảng viên, nhưng chúng tôi mong muốn đào tạo sâu hơn nữa, không chỉ đào tạo online mà cần những chuyến thực hành cho giảng viên trong những phòng thí nghiệm, các lab hàng đầu thế giới để tiếp thu những công nghệ mới nhất, sau đó giảng dạy lại cho sinh viên. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ các trường đại học của Việt Nam trong vấn đề quản trị đại học.

Thách thức lớn nhất của Việt Nam đang gặp phải khi thu hút FDI từ Hoa Kỳ trong những năm gần đây đó là vấn đề tham nhũng. Thực tế chỉ ra nhiều nhà đầu tư của Hoa Kỳ đang rất băn khoăn và quan ngại về vấn đề này khi muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, trong nhiều năm gần đây, chúng ta có thể thấy được sự quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam để giải quyết triệt để vấn đề này. Chúng ta có thể đặt niềm tin vào những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết triệt để vấn đề này, đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư FDI có chất lượng tốt vào Việt Nam. 

Vấn đề thứ hai, theo quan điểm của tôi, khiến nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ e ngại đó là vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Việt Nam được nhiều đơn vị đánh giá không tốt trong việc kiểm soát vấn đề về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Song song đó, yếu tố về trình độ của lực lượng lao động cũng là một thách thức với thị trường Việt Nam. Nếu kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam không đủ tốt thì rất khó có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. 

Vấn đề thứ ba là thủ tục hành chính của Việt Nam. Đôi khi, nhiều doanh nghiệp phản hồi tiêu cực về quá trình phê duyệt các quyết định đầu tư các dự án, đặc biệt là tại các chính quyền địa phương. Rõ ràng, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy nản lòng khi việc phê duyệt quyết định của các dự án hiện nay là quá chậm, mất quá nhiều thời gian.

Theo quan sát cá nhân, khi mọi người nhắc đến câu chuyện đầu tư thường chỉ tập trung vào những dự án tại Việt Nam. Theo tôi, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn là đầu tư cho Việt Nam thay vì tại Việt Nam sẽ bị giới hạn bởi yếu tố về biên giới lãnh thổ. Việc đầu tư tại Việt Nam thường cũng chỉ đo lường bằng số lượng các nhà máy, số công nhân, những yếu tố hữu hình khác. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn không chỉ đánh giá hiệu quả thông qua số lượng những yếu tố hữu hình như vậy nữa.

Doanh nghiệp Mỹ quan tâm tới bán dẫn và kinh tế số của Việt Nam

Những thành viên của chúng tôi tin tưởng vào tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành một trung tâm về đổi mới sáng tạo tại châu Á vào năm 2030. Do đó, trong những năm gần đây, chúng tôi tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu có thể kể tới như Meta, Google, Amazon… đang là đối tác của Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân để cải thiện hoạt động đổi mới. Riêng Meta đã tổ chức nhiều cuộc thi để tìm kiếm và phát triển những nhà đổi mới sáng tạo trên khắp Việt Nam.

Chỉ số về đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục được cải thiện. Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn đối với nhiều công ty của Hoa Kỳ. Năm 2024, nhiều lãnh đạo cao cấp của nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như Apple, Meta… đã sang Việt Nam, thể hiện sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Họ cũng đang cân nhắc thành lập các nhà máy lắp ráp linh kiện bán dẫn tại Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực bán dẫn trong việc đóng gói, thiết kế, kiểm tra... Ngoài ra, lĩnh vực kinh tế số cũng là điểm sáng lớn của Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều nhà sáng tạo nội dung (content creator), lập trình viên người Việt rất thành công. Rất nhiều doanh nghiệp của Hoa Kỳ muốn đầu tư vào Việt Nam vì nhận thấy tiềm năng rất lớn của lĩnh vực này.

Điều phối nguồn lực để sử dụng có hiệu quả

Hai mươi năm trước, chúng tôi đã được mời đến để tham gia vào những nỗ lực chung trong việc tổ chức các chương trình đào tạo quốc tế ở Việt Nam. Vấn đề ở đây tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta cần dạy sinh viên tư duy phản biện để họ có thể giải quyết được các vấn đề trong công việc, cuộc sống. Mỗi một trường đều có một nguồn lực nhất định, nhưng đó không phải là tất cả nguồn lực mà chúng ta cần.

Trong thực tế, sự hợp tác giữa các trường của Mỹ và Việt Nam đã đem lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều, đặc biệt về đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Đây là một định hướng lớn mà nếu chỉ một trường sẽ không thể làm được.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các trường đại học của Mỹ cùng thảo luận mà không cạnh tranh, thay vào đó họ là đối tác với nhau? Tôi đề cập vấn đề này để muốn nói rằng chúng ta hãy cùng tìm ra một con đường, cơ sở, phương pháp mới. Từ đó cùng sử dụng những nguồn lực này có sự điều phối và hiệu quả hơn. Việt Nam và Mỹ cũng nên tận dụng cơ hội này, phối hợp với nhau để có thể chia sẻ các nguồn lực, phục vụ cho cả hai quốc gia trong việc duy trì các mục tiêu. Tôi rất ấn tượng với nội dung câu nói của một nhà du hành vũ trụ “nhìn từ xa và ngoài không gian vũ trụ, thứ tôi thấy không phải là một quốc gia, mà là Trái đất - một thể thống nhất”. Vì thế, chúng ta ở đây là để đoàn kết vùng với nhau và cần có sự điều phối hoạt động.

Thiết kế chương trình đào tạo thích ứng với sự thay đổi của công nghệ

Công nghệ đang có tác động đến nghề nghiệp của hầu hết sinh viên quản trị kinh doanh, chứ không chỉ trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Không chỉ cần định hướng, làm quen với công nghệ, mà họ cần nắm bắt, tương tác với công nghệ đó. 

Vì thế, ở trường chúng tôi đã lồng ghép các kiến thức này vào trong chương trình đào tạo. Khi một chương trình đào tạo về kinh doanh nhưng có tích hợp STEM thì đối tượng đầu vào sẽ có sự khác biệt. Ngay cả chương trình đào tạo về marketing, phân tích dữ liệu kinh doanh, hay các chương trình đào tạo khác, hiện chúng tôi cũng đã lồng ghép các kiến thức về STEM vào đó.

Khi đổi mới như vậy cũng thu hút sinh viên được nhiều hơn. Thực tế ở Mỹ hiện nay, các chương trình đào tạo cũng phải đổi mới để thu hút sinh viên. Việt Nam có lẽ cũng nên như vậy. Với việc trang bị kiến thức về kinh tế lẫn STEM, các sinh viên sẽ được trang bị nền tảng tốt hơn để quay trở về phục vụ cho đất nước. Những sinh viên tham gia vào các chương trình đào tạo STEM thì năng lực, khả năng phân tích và làm việc với các dữ liệu của họ cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có trợ lý AI để hỗ trợ cho sinh viên. Những trợ lý ảo này đã hỗ trợ thiết thực cho việc đào tạo. Chương trình cũng được thiết kế để thích ứng với sự thay đổi này, trong đó có tính đến sự tác động của AI.

 

Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Việt Nam là một thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực với GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 7% hàng năm, dân số khoảng 100 triệu người, đặc biệt là 50% dân số có độ tuổi dưới 30. Như vậy, đây là một thị trường lớn và tiềm năng cho mọi doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ có thể tham gia vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao.

Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia trên thế giới. Song song đó, Việt Nam luôn hướng tới phát triển trình độ chuyên môn của đội ngũ lao động nhằm nâng vị thế trở thành một “hub” về sản xuất, chế tạo ở khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới. Riêng với lĩnh vực hàng không, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có sự xúc tiến đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn Boeing của chúng tôi tự hào khi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đặt nền móng tại thị trường Việt Nam. Qua nhiều năm hợp tác, chúng tôi đã có được những thành công nhất định tại thị trường này, đồng thời, rút ra được một số thách thức lớn của Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường.

Theo khảo sát nhanh của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (Amcham), những vấn đề về quy định, pháp lý, đặc biệt là vấn đề về năng lượng sạch là những yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có chất lượng cao đến Việt Nam. Thực tế, Việt Nam có hệ thống pháp lý tương đối phức tạp, đi kèm với đó là tốc độ phê duyệt quyết định đầu tư dự án của các doanh nghiệp nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam tương đối lâu. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã và đang có những biện pháp, chính sách để cải thiện. Mọi chính sách đều cần có thời gian mới phát huy hết được hiệu quả. Tôi tin tưởng rằng, những nỗ lực của Chính phủ là tiền đề thúc đẩy cho trong tương lai Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra.

Cơ hội tham gia vào thị trường Mỹ rộng mở với các doanh nghiệp

Cộng đồng Việt Nam là một trong bốn nhóm người gốc Á lớn nhất tại Mỹ. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA), 48% người Mỹ gốc Việt bầu cho ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong đợt bầu cử vừa qua trong khi 36% bầu cho ứng viên của Đảng Dân chủ. Cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng có vai trò ngày càng quan trọng trong thị trường việc làm tại Mỹ, đặc biệt khi các chuỗi cung ứng sản xuất đang chuyển dịch dần ra khỏi Trung Quốc.

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đón đầu xu hướng này tại các lĩnh vực quan trọng như sản xuất, nông nghiệp và trong ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn. Cộng đồng Việt Nam có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Theo đó, chỉ riêng bang California - đầu tàu kinh tế lớn nhất của Mỹ - là nơi sinh sống của 52% trong tổng số 2,5 triệu người gốc Việt Nam tại Mỹ.

Đây là nhóm người tiêu dùng tiềm năng cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, là cơ hội kinh doanh lớn cho các công ty Việt Nam muốn bước chân vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, cộng đồng Việt kiều cũng là một nguồn cung cấp vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 1993 đến năm 2024, lượng kiều hối từ Mỹ về Việt Nam luôn dao động từ 14 tỷ USD đến 19 tỷ USD mỗi năm. Từ năm 1993 đến năm 2022, lượng kiều hối từ Mỹ đã đạt đến con số 190 tỷ USD, tương đương với số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong cùng khoảng thời gian.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nước cũng có thể tham gia vào thị trường Mỹ trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như phát triển phần mềm, dịch vụ IT. Do có dân số trẻ và am hiểu công nghệ, ngành kinh tế số tại Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển cao trong những năm qua, trở thành một trung tâm thiết kế và gia công phần mềm của thế giới. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng phát triển vượt bậc.

Để khai thác hiệu quả những tiềm năng này, các SME tại Việt Nam cần tập trung nguồn lực đầu tư vào phát triển công nghệ, xây dựng thương hiệu và gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng Mỹ thông qua các nền tảng số.

Trước khi hiện diện trực tiếp tại thị trường Mỹ, các SME có thể xây dựng các kênh quảng bá trên các nền tảng online. Kể từ năm 2018, các doanh nghiệp thương mại lớn như Amazon hay Walmart đã thiết lập các siêu thị online. Đây là những kênh mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng để kết nối trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ.

>> Nguồn: Mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ


VnEconomy; Tổng hợp: Tiến Thành - UEB Media

FullName Email
Address Security code ENCBFN
Content