New Don Vi & Giang Vien
 Search

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ký kết thỏa thuận tham gia Hiệp hội khối Đại học Kinh tế Liên bang Nga – Việt Nam và tham dự phiên họp đầu tiên tại Moscow

Vừa qua, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham gia Lễ ký kết văn bản gia nhập Hiệp hội của các trường kinh tế hàng đầu của Liên bang Nga và Việt Nam và phiên họp thứ nhất Hiệp hội khối đại học kinh tế, đồng thời tham gia Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 9 tổ chức tại Đại học Tài chính Liên bang Nga ở thủ đô Moscow.


Ngày 26/11/2024, tại Trường Đại học Tài chính - Liên bang Nga ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga, Hiệp hội khối trường đại học Kinh tế Nga -Việt họp phiên đầu tiên với sự tham dự của ông Nhikolai Yurievich - Quyền Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga; Giáo sư Stanhislav Evghenhievich - Hiệu trưởng Đại học Tài chính Liên bang Nga, cùng đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đại diện các trường kinh tế của 2 nước. Ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam tham dự trực tuyến.

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) tham gia với đoàn công tác gồm TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng và TS. Nguyễn Tiến Minh - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế. 

Các đại biểu tham dự Phiên họp đầu tiên của Hiệp hội khối trường đại học Kinh tế Nga - Việt (Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)

Quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga hiện đang phát triển tốt đẹp và toàn diện. Việc thành lập Hiệp hội khối trường đại học Kinh tế Nga - Việt là một bước tiến quan trọng trong sự hợp tác giáo dục giữa 2 nước. Hiệp hội khối trường đại học Kinh tế Nga - Việt đề ra quy chế hoạt động, trong đó xác định định hướng chiến lược phát triển hợp tác giữa các trường đại học 2 quốc gia; điều phối nghiên cứu các dự án và chương trình hợp tác có tiềm năng giữa 2 bên. 

Phát biểu trực tuyến tại phiên họp, ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục HTQT, Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng nêu rõ: "Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học để xây dựng các chương trình hợp tác, tổ chức các hoạt động trao đổi học thuật, cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở đào tạo hai nước. Với sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, Hiệp hội khối trường đại học Kinh tế Nga - Việt sẽ không chỉ khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga mà còn tạo ra những giá trị thiết thực cho sinh viên, giảng viên và cộng đồng khoa học của cả hai nước". 

Trong khuôn khổ phiên họp đầu tiên của Hiệp hội, TS. Phạm Minh Tuấn- Phó Hiệu trưởng UEB, đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ký kết các hồ sơ hợp tác, tạo điều kiện cho nhiều cơ hội hợp tác giữa các trường đại học Nga và Việt Nam, tham gia tích cực trong các cuộc thảo luận để đề ra các định hướng chiến lược hợp tác, chúc mừng sự ra đời của Hiệp hội như là bước chuyển mình lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo thuộc lĩnh vực kinh tế. Đồng thời TS. Phạm Minh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với các thành viên trong và ngoài Hiệp hội để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hợp tác đào tạo, phát triển các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên.

TS. Phạm Minh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ký thỏa thuận gia nhập Hiệp hội khối Đại học Kinh tế Nga-Việt (Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)

Cũng trong ngày 26/11 và ngày 27/11/2024, tại Đại học Tài chính Liên bang Nga đã diễn ra Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 9 “Chính sách kinh tế mới 2.0: Từ thích ứng đến đột phá". Đây là một trong những sự kiện quan trọng nhằm thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội Liên bang Nga. 

Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 9 với chủ đề "Chính sách kinh tế mới 2.0: Từ thích ứng đến đột phá"

Hội thảo đã thu hút hơn 4.500 đại biểu từ 20 quốc gia, quy tụ đại diện cộng đồng học thuật, quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp. Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia thảo luận định hướng chiến lược nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững và năng động trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov của Liên bang Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một chính sách ngân sách cân đối và phát triển thị trường tài chính để đối phó với các thách thức kinh tế. Bộ trưởng Nông nghiệp Oksana Lut khẳng định ngành nông nghiệp Nga đang dẫn đầu thế giới về công nghệ và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Minh đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có bài tham luận về “Cơ hội hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ song phương bền vững giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời đưa ra các đề xuất mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả hai nền kinh tế. 

TS. Nguyễn Tiến Minh - Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (ngoài cùng bên phải) tham gia Hội thảo 

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Đại học Tài chính Liên bang Nga, ông Stanislav Prokofyev, đã chia sẻ các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công và đề xuất mở rộng thị trường chứng khoán Nga nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), ông Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc gia, đưa ra sáng kiến phát triển thẻ thanh toán đa năng tích hợp công nghệ mã hóa, hứa hẹn tạo nên bước đột phá lớn trong thanh toán điện tử.

Thống đốc vùng Moscow, ông Andrey Vorobyov cũng nhấn mạnh rằng hầu hết các nhà máy nước ngoài tại khu vực vẫn hoạt động hiệu quả, bất chấp những thách thức từ các lệnh trừng phạt. Những nội dung thảo luận tại hội thảo đã mang đến các giải pháp sáng tạo và tầm nhìn chiến lược, góp phần định hình tương lai kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Việc gia nhập vào Hiệp hội các trường kinh tế hàng đầu của Liên bang Nga và Việt Nam của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chắc chắn sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển mới với các trường khối ngành kinh tế của Liên bang Nga sau sự khởi đầu hợp tác với 2 trường đại học là Financial University, Cộng hoà Liên bang Nga (FinU) và Trường Kinh tế cao cấp (HSE) - Saint Petersburg.

Xem thêm các bài viết hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các trường đại học của Liên bang Nga:

Lễ ký kết Ý định thư giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Kinh tế cao cấp (HSE) – Saint Peterburg, Cộng hoà Liên bang Nga

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Financial University, Cộng hòa Liên bang Nga ký kết Thỏa thuận ghi nhớ chung và Thỏa thuận trao đổi sinh viên, đưa sinh viên UEB đến gần hơn với Thủ đô hoa lệ của xứ sở bạch dương

 


Ngọc Anh - UEB Media

FullName Email
Address Security code TZSYGF
Content