Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Nên kích cầu vào thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp?

“Nếu một phần gói kích cầu của Chính phủ tập trung vào thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp thì nó là một trong những yếu tố tạo đà cho thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi và phát triển” - ông Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Thường trực – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.

* Thị trường BĐS đang từ “nóng” đã chuyển sang “lạnh” và “đóng băng” ngay trong quý II/2008. Theo ông, những yếu tố dẫn đến điều này là gì?
Ông Tống Văn Nga: Một là, nguồn tiền để đầu tư vào BĐS bị chững lại, gần như bị cắt một cách đột ngột, gây ra sự xáo trộn. Hai là, không tạo được lòng tin của người tiêu dùng, nên rất nhiều người có tiền nhưng không đầu tư. Đến thời điểm bây giờ nhiều người vẫn chờ đợi và hy vọng lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giảm nên họ chưa dám vay tiền vào đầu tư.
Năm 2008, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS của Việt Nam ước đạt khoảng 28 tỷ USD, tức là tăng hơn 3 lần so với năm 2007. Tuy vậy, chúng ta cơ bản phải dựa vào sức dân vì tiền trong dân chúng ta có, còn nếu chúng ta ỷ lại vào bên ngoài thì sẽ bị động. Nếu chúng ta huy động và tạo được lòng tin từ người tiêu dùng trong nước thì thị trường BĐS sẽ dần tháo gỡ được khó khăn.
* Trước tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế, liệu thị trường bất động sản có thể xuất hiện tình trạng dư cung do người ta phải bán đi để trả nợ ngân hàng?
Ông Tống Văn Nga: Các khoảnh đất quy mô thì có thể dư cung, còn căn hộ và nhà ở thật thì không có chuyện dư.
* Có ý kiến cho rằng việc một phần gói kích cầu sắp tới nếu vào thị trường bất động sản có thể làm cho bong bóng BĐS trở lại. Ông nghĩ sao về việc này?
Ông Tống Văn Nga: Nếu rót đúng vào nhà ở xã hội thì không có vấn đề gì.
* Trong năm vừa rồi, ảnh hưởng của việc đóng băng của thị trường BĐS với các ngành kinh tế khác như thế nào, thưa ông?
Ông Tống Văn Nga: BĐS là tổng hợp nền kinh tế, nếu thị trường BĐS phát triển đều thì kéo theo nhiều thứ phát triển, như vật liệu xây dựng, nội thất, trang thiết bị, kể cả nhân công, dịch vụ… Năm vừa rồi các mặt hàng như xi măng vẫn tăng trên 10%, còn một số vật liệu khác như kính, gạch ốp lát… thì bị ảnh hưởng nhiều.
* Ông nhận định thế nào về thị trường bất động sản năm 2009 sắp tới?
Ông Tống Văn Nga: Năm 2009 sắp tới chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có những bước chuyển biến, bởi lẽ thực ra hàng hóa BĐS của chúng ta vẫn thiếu, đặc biệt thiếu những hàng hóa thiết thực với những người làm công ăn lương, người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Các công ty đầu tư BĐS tập trung chuyển hướng sang hàng hóa đó thì chắc chắn thị trường dần dần hồi phục. Nếu một phần gói kích cầu của Chính phủ tập trung vào thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp thì nó là một trong những yếu tố tạo đà cho thị trường BĐS phục hồi và phát triển.
Bây giờ nếu chúng ta nhìn kỹ thì thấy rằng lâu nay người ta tập trung vào căn hộ cao cấp và biệt thự. Nó sôi động và chững cũng ở đó. Còn những người thực sự có nhu cầu để ở, thì đăng ký xong cũng phải 2 năm sau mới có được. Những căn hộ khoảng 60-70 mét vuông phù hợp với sức mua của đại đa số người tiêu dùng thì phải tập trung vào phát triển. Còn đất, biệt thự, căn hộ cao cấp chủ yếu cho các đối tượng đầu cơ và đến lúc nào đó nó sẽ chững lại.
* Theo ông, bất cập của các sàn giao dịch BĐS hiện nay là gì?
Ông Tống Văn Nga
: Đó là có nhiều sàn ra đời nhưng ít hàng hóa, nên phải rà soát lại những sàn nào là thật cần thiết và phải đưa được hàng hóa lên sàn. Khi người ta vừa thiết kế, làm móng xong thì đã bán hết rồi còn đâu mà lên sàn.
* Giá BĐS không phù hợp với đại đa số người dân nên liệu có phải chỉ người giàu mới mua được nhà?
Ông Tống Văn Nga: Cứ đấu giá thì không thể có giá hợp lý cho người có nhu cầu tiếp cận được. Một cái nguy hiểm nữa là cứ đấu giá với mảnh đất vài hecta thì đô thị sẽ nát, đặc biệt là hạ tầng. Nếu chúng ta không sửa cái đó thì nó còn có nguy hại cho những thời kỳ sắp tới.
* Ông có khuyến nghị nào để góp phần minh bạch thị trường BĐS?

Ông Tống Văn Nga: Các quy định với thị trường BĐS còn rất mới, nên chúng ta vẫn còn mò mẫm và chưa minh bạch được. Dù ngân hàng đang có xu hướng tiếp tục giảm lãi suất, nhưng chúng tôi vẫn có khuyến nghị là nên có quỹ riêng cho các nhà đầu tư BĐS. Nếu lãi suất lúc thấp, lúc vọt lên cao thì nhà đầu tư rất bị động trong kế hoạch đầu tư dài hạn.


Nguyệt Ánh (thực hiện). Nguồn: Internet

FullName Email
Address Security code JFYYLG
Content