Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Kích cầu nông nghiệp hiệu quả nhất

Từ cuối năm 2008 tới tháng 3-2009, có bốn nghiên cứu về chính sách kích cầu của các cơ quan nghiên cứu

Đó là bài thảo luận chính sách số 4 của chương trình Việt Nam, Đại học Harvard - gọi tắt là báo cáo Harvard; thảo luận chính sách số 1 về chính sách kích cầu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - gọi tắt là báo cáo CEPR; báo cáo của nhóm tác giả tại Trung tâm Phân tích và dự báo (CAF) và Trung tâm Nghiên cứu chính sách phát triển (DEPOCEN) theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - gọi tắt là báo cáo CAF-DEPOCEN; và nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp (IPSARD) - gọi tắt là báo cáo IPSARD.
Trả lời câu hỏi nên kích cầu vào đâu và như thế nào, tuy không thật sự ủng hộ chính sách kích cầu, báo cáo Harvard cho rằng Chính phủ cần cải tổ việc đầu tư công bằng cách đơn giản hóa thủ tục đầu tư công, chuyển hướng đầu tư từ các dự án đòi hỏi nhiều vốn sang các dự án sử dụng nhiều lao động.
Báo cáo CAF-DEPOCEN dựa vào kết quả một nghiên cứu về hiệu quả kích cầu ở Mỹ để đề xuất Chính phủ nên kích cầu hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, vì những người thu nhập thấp sẽ có khuynh hướng tiêu dùng cao hơn những người thu nhập cao. Do đó, kích cầu vào đối tượng này sẽ có hiệu quả hơn trong việc tạo ra số nhân cao trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra một loạt đề xuất chính sách như miễn thuế thu nhập cá nhân cho những người có thu nhập thấp; giảm thuế VAT cho các mặt hàng thiết yếu có tỉ lệ nội địa hóa cao; giảm đóng góp của doanh nghiệp vào các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ cấp thất nghiệp; đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn và giáo dục.
1.000 đồng kích cầu nông nghiệp sẽ kích thích sản xuất 1.622 đồng
Hai báo cáo của CEPR và IPSARD có những nghiên cứu kỹ thuật khá sâu về ảnh hưởng của kích cầu đối với nền kinh tế trên cơ sở áp dụng mô hình kinh tế. Nghiên cứu của CEPR sử dụng mô hình bảng cân đối liên ngành liên vùng 2005 để xem xét ảnh hưởng của kích cầu đối với từng thành phần tổng cầu và từng ngành kinh tế. Nghiên cứu này chỉ ra kích cầu vào tiêu dùng sẽ mang lại sức lan tỏa cao hơn vào đầu tư hay xuất khẩu. Đặc biệt, chính sách kích cầu vào khu vực nông thôn có sức lan tỏa mạnh nhất khi tăng 1.000 đồng tiêu dùng của khu vực nông thôn sẽ kích thích sản xuất ra 1.622 đồng.
Trong khi đó, nếu kích cầu 1.000 đồng vào tiêu dùng khu vực thành thị sẽ chỉ tạo ra 1.400 đồng, kích cầu 1.000 đồng vào đầu tư tạo ra 1.435 đồng và vào xuất khẩu tạo ra 1.505 đồng. Trong các ngành kinh tế thì nông nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm có mức độ lan tỏa cao. Vì thế đầu tư vào các ngành này sẽ tạo ra hiệu quả kích cầu mạnh hơn so với đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, khai khoáng hay dịch vụ.
Nghiên cứu của IPSARD cũng có một số kết quả tương tự như báo cáo của CEPR. Các tác giả nghiên cứu IPSARD tính ra nếu kích cầu với số tiền tương đương 1% GDP (tương đương 750 triệu đôla theo giá hiện hành) cho nông nghiệp sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Trong khi nếu đầu tư cùng số tiền đó cho công nghiệp thì GDP cả nước chỉ tăng lên 0,64% và nếu cho dịch vụ sẽ chỉ tăng 0,94%. Rõ ràng kích cầu cho nông nghiệp là hiệu quả hơn cả về mặt kinh tế.
Sở dĩ như vậy vì sức lan tỏa của ngành nông nghiệp cao hơn các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tăng cầu cho nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập của rất nhiều người dân có thu nhập thấp và có khuynh hướng tiêu dùng (tính bằng tỉ lệ tiêu dùng trên thu nhập) cao. Đến lượt mình, việc này sẽ làm tăng cầu của các ngành khác.
1% GDP = 1 triệu việc làm mới

Không những thế, hiệu quả đối với lao động việc làm của kích cầu nông nghiệp lại càng quan trọng. Theo nghiên cứu của IPSARD, kích cầu 1% GDP vào nông nghiệp sẽ tạo thêm 1 triệu việc làm mới, lớn hơn nhiều so với kích cầu với cùng số tiền vào công nghiệp hay dịch vụ (chỉ tạo ra 200.000-370.000 việc làm).
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn là những việc làm hết sức cần thiết và đúng đắn vì vừa có tính hiệu quả cao được thể hiện qua sức lan tỏa lớn, lại vừa giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động phải trở về nông thôn do hậu quả khủng hoảng. Nông nghiệp - nông thôn Việt Nam đã từng “cứu” Việt Nam qua hai cuộc biến động kinh tế lớn cuối thế kỷ 20 nhờ khả năng hấp thụ lao động của nó. Lần thứ nhất là giai đoạn 1989-1991, khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường và hàng loạt doanh nghiệp nhà nước bị đóng cửa, giải thể hay thải hồi lao động. Lần thứ hai là trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Và lần này chính sách kích cầu vào nông dân - nông thôn sẽ là một giải pháp đúng đắn để đưa đất nước bước ra khỏi khủng hoảng.


Theo TS. Vũ Hoàng Linh (Tuổi trẻ online - CEPR)

FullName Email
Address Security code DWELFG
Content