Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Nguồn nhân lực về năng suất chất lượng: Cần phát triển từ “gốc”

PGS.TS. Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
“Các cơ sở giáo dục đào tạo cần tập trung cung cấp kiến thức cơ bản về năng suất chất lượng (NSCL), xây dựng cho người học tư duy và thái độ đúng đắn với NSCL…” đó là chia sẻ của PGS.TS. Phan Chí Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

- Thưa ông, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng là mục tiêu chính của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn đến năm 2030. Ông nhận định thế nào về sứ mệnh của các trường đai học trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp?

Theo tôi, các cơ sở giáo dục đào tạo (trong đó có các trường đại học) là một trong 3 trụ cột của phong trào năng suất chất lượng quốc gia (bên cạnh Chính phủ và Doanh nghiệp). Sứ mạng của trường đại học là sáng tạo và chuyển giao kiến thức cho xã hội. Trong Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn đến năm 2030, các trường đại học tại Việt Nam có thể nghiên cứu và tư vấn chính sách phát triển năng suất chất lượng quốc gia (cho Chính phủ) dựa trên các phân tích lý thuyết, cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế, và thực tiễn của Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đào tạo kiến thức chuyên môn về năng suất chất lượng, ý thức và thái độ, một số kỹ năng cơ bản về cải thiện năng suất chất lượng. Cùng với đó, đổi mới tư duy và hoạt động để biến trường đại học trở thành các trung tâm trí thức và trung tâm đổi mới sáng tạo có năng suất cao về nghiên cứu khoa học theo.

Ngoài ra, để cung cấp nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp, các trường đại học cần dự báo chính xác xu hướng phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, đặc điểm và tính chất nghề nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế số và làn sóng công nghiệp 4.0. Kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra gắn với ứng dụng kiến thức tại doanh nghiệp.

- Với Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được định hướng và chú trọng như thế nào, thưa ông?

Kể từ khi thành lập trường (năm 2007), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đặt trọng tâm chiến lược vào hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Với quan niệm giảng dạy phải gắn chặt với nghiên cứu khoa học, được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà trường đã nỗ lực nâng cao số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên trong trường. Số lượng các ấn phẩm công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín thế giới của Nhà trường luôn xếp đầu khối các trường kinh tế trong trong nước. Hàng năm trung bình 3 giảng viên có 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI/Scopus. Trường hiện có 5 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội về các lĩnh vực tài chính ngân hàng, hội nhập kinh tế quốc tế, năng suất chất lượng doanh nghiệp…

Một trong những sản phẩm nghiên cứu khoa học đáng chú ý là Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam, được thực hiện liên tục 11 năm nay, đã cung cấp các thông tin phân tích đánh giá có giá trị phục vụ việc xây dựng chính sách kinh tế của Đảng và Nhà Nước. Bên cạnh nghiên cứu khoa học phục vụ tư vấn chính sách, nghiên cứu khoa học gắn với phục vụ phát triển doanh nghiệp cũng được quan tâm với một số chủ đề như tài chính và ngân hàng xanh, chất lượng chuỗi cung ứng doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ.

- Áp dụng năng suất chất lượng tại các trường đại học luôn cần được chú trọng, qua đó có thể cải thiện và nâng cao quá trình đạo tào. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Với sự mạng là trung tâm sáng tạo kiến thức, trường đại học phải là một tổ chức tiêu biểu về không ngừng nâng cao năng suất hoạt động. Bên cạnh việc cần có đầu tư đúng mức cho cơ sở vật chất, trường đại học cần phát triển môi trường sáng tạo. Để làm được việc đó, trước mắt, các trường đại học Việt Nam cần đạt được mục tiêu về tự chủ. Bao gồm tự chủ về học thuật, về tài chính, về tổ chức.

- Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết bài toán nhân lực về năng suất cần đi lên từ “gốc” nhà trường thay vì đào tạo “ngọn” trong doanh nghiệp như hiện nay. Ông đánh giá sao về điều này?

Mục tiêu của việc đưa năng suất chất lượng vào chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và đào tạo nghề nhằm đáp ứng mục tiêu chung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo các sinh viên, học viên tốt nghiệp, khi tham gia thị trường lao động được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết. Để làm được việc này, chúng ta cần làm rõ khung năng lực cần thiết cho người lao động, tên và nội dung các kiến thức và kỹ năng cũng như các biểu hiện thái độ người lao động cần phải có.

Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đào tạo cần tập trung cung cấp các kiến thức cơ bản về năng suất chất lượng cho người học, xây dựng cho người học tư duy, thái độ đúng đắn với năng suất chất lượng, và một số kỹ năng cơ bản về thực hành năng suất chất lượng. Các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện công việc của cơ sở đào tạo, tập trung vào khía cạnh ứng dụng các kiến thức đã được học và kỹ năng cải tiến năng suất chất lượng.

Bên cạnh các mục tiêu chung, việc đưa năng suất chất lượng vào các chương trình đào tạo tại Đại học, cao đẳng nghề cũng cần chú trọng đến xây dựng một số cơ sở chuyên môn sâu (Khoa/ Bộ môn/ Trung tâm) về năng suất chất lượng cũng như xây dựng một số chuyên ngành sâu về năng suất chất lượng có gắn với xu thế phát triển chuyển đổi số và làn sóng công nghiệp 4.0 để đào tạo chuyên gia về năng suất chất lượng.

- Xin cảm ơn ông!

>> Xem bài gốc tại đây 

Theo Vietq.vn

FullName Email
Address Security code RKHBBK
Content