Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi trong bối cảnh bấp bênh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
Cho đến thời điểm hiện nay, có thể thấy rõ điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010 là tăng trưởng của nền kinh tế đang được phục hồi trong bối cảnh bấp bênh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu khủng hoảng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã trả lời phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2010 và những nhận định về nền kinh tế nước ta trong năm 2011.

Phó Giáo sư có thể chỉ ra và đánh giá khách quan về những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2010? Đề nghị Phó Giáo sư phân tích và chỉ rõ nguyên nhân của những thành tựu đó?

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: Cho đến thời điểm hiện nay (tháng 11/2010), có thể thấy rõ điểm sáng nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010 là tăng trưởng của nền kinh tế đang được phục hồi trong bối cảnh bấp bênh của tăng trưởng kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu khủng hoảng. 

Xu thế phục hồi đà tăng trưởng ngày một mạnh mẽ được thể hiện qua việc tốc độ tăng trưởng GDP quý sau đã đạt cao hơn quý trước (trong 3 quý liên tiếp), với quý I tăng 5,83%; quý II tăng 6,4% và quý III tăng 7,16% và tăng trưởng GDP của 9 tháng đạt 6,52% so với cùng kỳ năm 2009 [1].

Với xu thế này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2010 đã được Quốc hội thông qua là hoàn toàn đạt được và thậm chí, nếu thuận lợi, có thể vượt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt trong hai khu vực công nghiệp-xây dựng (tăng 7,29% trong Quý III) và dịch vụ (tăng 7,24% trong Quý III) đã giải tỏa sức ép cho thị trường lao động.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2010, tổng số lượt lao động được giải quyết việc làm đạt khoảng 1.186,1 nghìn lượt người [2], ngược hẳn so với những dự báo không mấy lạc quan về thị trường lao động vào đầu năm [3]. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp (ở thành thị) của Việt Nam năm 2010 đạt 4,0% so với mức 4,6% của năm 2009 [4]. Đây chính là tác động tích cực đáng kể của quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Có được những thành tựu kể trên phải kể đến những yếu tố sau:

Một là nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của những đối tác thương mại và đầu tư chủ yếu của Việt Nam đã bước ra khỏi thời kỳ suy thoái mặc dù quá trình phục hồi còn chưa vững vàng. Điều này đã giúp cho hoạt động xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam phục hồi.

Hai là do tác động tích cực của các biện pháp kích thích kinh tế đã được Chính phủ triển khai từ trong năm 2009 nhằm đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi suy giảm và lấy lại đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ trong năm 2010 đã đưa nền kinh tế đất nước vượt qua nhiều bất ổn và khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và bão lũ. 

Ba là do tính linh hoạt, sức chịu đựng dẻo dai và nỗ lực vượt qua khó khăn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới, tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi. Chính sự khởi sắc của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã giúp thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ trong năm 2010.

Bốn là do Chính phủ đã bước đầu vận dụng được sức mạnh địa-chính trị của đất nước, nhất là vai trò của Việt Nam trong mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về an ninh và sự phát triển ổn định của khu vực, lấy đó làm thế mạnh trong quan hệ kinh tế và ngoại giao. Nhờ đó, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ quan trọng, bù đắp những tổn thất do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Là một chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư nhận xét thế nào về những giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2010? Phó Giáo sư có bình luận gì về nhận định của Ngân hàng Thế giới đối với nền kinh tế nước ta: “Năm 2010, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, được các tổ chức quốc tế đánh giá có môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài”?

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: Trước hết phải đánh giá cao những nỗ lực và giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm 2010 đã đưa nền kinh tế vượt qua nhiều bất ổn và khó khăn trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra và nền kinh tế thế giới đang trải qua những bấp bênh của thời kỳ hậu khủng hoảng.   

Ngay từ những tháng đầu năm, nhận thức được những khó khăn trước mắt, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách và các giải pháp cụ thể, như Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 15/1/2010 và Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

Chính phủ cũng đã thi hành các biện pháp tăng chi tiêu công và các biện pháp khuyến khích xuất khẩu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong những tháng đầu năm, chính sách tiền tệ thắt chặt đã khống chế được đà tăng giá, đồng thời ổn định tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do trong biên độ chính thức. Nhập siêu cũng có xu hướng giảm so với các năm trước.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã nhận thức được rõ những khiếm khuyết và yếu kém còn tồn tại của nền kinh tế, trong đó có việc cần phải chỉnh đốn lại các tập đoàn Nhà nước và khu vực công nói chung, bao gồm cả vấn đề nợ công, từ đó thể hiện rõ quyết tâm cải cách, tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế để tạo lập nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối của năm 2010, nền kinh tế đã xuất hiện một số diễn biến bất lợi. Lạm phát đã gia tăng trở lại kể từ cuối quý III (đến tháng 10/2010, chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước lên tới 9,5%). Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh, có lúc lên đến 21.500 VND/1 USD, tức là cao hơn 10% so với mức trần của biên độ chính thức (19.500 VND/1 USD). Giá vàng cũng đã có lúc tăng đến chóng mặt trong những ngày đầu tháng 11. Nhập siêu trong năm 2010 tuy giảm song vẫn ở mức cao.  

Những bất ổn này chứng tỏ nền kinh tế vẫn còn tồn tại những yếu kém cơ cấu bên trong mà năng lực điều hành vĩ mô và cách thức phản ứng chính sách của Chính phủ hiện thời vẫn chưa thể khắc phục được hoàn toàn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các chính sách hiện nay còn bị động, thông điệp của chính sách còn chưa thực sự rõ ràng, tính giải trình, sự quyết đoán và nhất quán chưa cao, điển hình là chính sách tỷ giá. Điều này khiến cho việc điều hành đôi khi bị “giật cục” trước những diễn biến trên thị trường.

Thí dụ, chế độ tỷ giá chưa thực sự linh hoạt khiến cho Ngân hàng Nhà nước phải thường xuyên can thiệp vào thị trường ngoại hối để duy trì tỷ giá. Tuy nhiên, một mình Ngân hàng Nhà nước không thể giải quyết bài toán tỷ giá mà điều này còn phụ thuộc vào môi trường kinh tế vĩ mô tổng thể. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tạo ra niềm tin vào giá trị của tiền đồng, giúp thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá phi chính thức với tỷ giá chính thức.

Theo Báo cáo điều chỉnh của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2010, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010 có khả năng đạt 6,5% như dự kiến. Đây vẫn được xem là tăng trưởng ở mức cao khi Ngân hàng thế giới dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2010 dự kiến đạt 3,5% và năm 2011 đạt 3,3%. Mức tăng trưởng này cũng bắt kịp với mức tăng trưởng 6,7% của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (không tính Trung Quốc).

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, năm 2010 đầu tư trực tiếp nước ngoài đã ấm lên, đạt 7,6 tỷ USD so với mức 6,9 tỷ USD của năm 2009. Đây là kết quả của việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế của Việt Nam. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2011 của Ngân hàng Thế giới thì môi trường kinh tế Việt Nam vào năm 2011 được đánh giá tăng 10 bậc so với năm 2010 trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Báo cáo này đánh giá cao việc Việt Nam trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin phép khắc con dấu. Ngoài ra, việc giảm tỷ lệ 50% phí trước bạ đối với nhà và cấp phép xây dựng cũng dễ dàng hơn. Hệ thống thông tin tín dụng cũng được cải thiện khi người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng và sửa các thông tin sai lệch.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới méo mó và việc các nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào thị trường mới nổi để kiếm lời đang tạo ra nguy cơ cao về bong bóng tài sản [5], khiến cho nhiều nước đang phát triển, trong đó có cả các nước láng giềng của Việt Nam đang tìm nhiều cách để đối phó thì Việt Nam đến nay vẫn tránh được nguy cơ dòng vốn nóng đổ vào. Đây là những yếu tố để các tổ chức quốc tế coi Việt Nam có một môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Tuy nhiên, phải thấy rằng Ngân hàng Thế giới đánh giá sự phục hồi kinh tế của Việt Nam là nhanh chóng nhưng không đồng đều.

Cụ thể, Ngân hàng Thế giới cho rằng thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam vẫn ở mức cao, dự kiến 9% GDP và 8% GDP lần lượt cho hai năm 2010 và 2011. Việc người dân và doanh nghiệp dự trữ vàng và ngoại tệ tiếp tục gây áp lực liên tục cho đồng nội tệ. Sự mở rộng quá nhanh của tín dụng trong nước nhằm kích thích nền kinh tế đã tạo ra sự yếu kém trong cân đối tài sản của một số ngân hàng. Biên độ của trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ của Việt Nam vẫn cao hơn hầu hết những nước trong khu vực. Các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng song vẫn có thể trở thành điểm yếu của nền kinh tế trong dài hạn nếu hoạt động không hiệu quả.

Vì vậy, mặc dù nền kinh tế thực tế đã lấy lại được động lực tăng trưởng, các nhà đầu tư vẫn còn quan ngại về khả năng "hạ cánh an toàn". Điều này hàm ý rằng không nên quá lạc quan trước những đánh giá như vậy. Các nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn đang thường trực và nếu không được giải quyết kịp thời sẽ có những tác động tiêu cực tới những nhân tố dài hạn, tiềm năng, quyết định môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các chính sách kinh tế cần hướng nền kinh tế vào quỹ đạo phát triển bền vững, hay tạo ra bước đột phá mới về môi trường thu hút đầu tư thuận lợi, dần thay thế cho những lợi thế về lao động rẻ, tài nguyên và vị trí địa lý. Các chính sách kinh tế không đơn thuần chỉ nhằm vào việc đạt được mục tiêu tăng trường. Điều quan trọng hơn là những chính sách này cần đảm bảo cho việc đạt được các mục tiêu về hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia. Thêm vào đó, cũng cần phải rất thận trọng với các dòng vốn đầu tư nóng: đến dễ và rút đi cũng rất nhanh, gây ra khủng hoảng nợ. Vay nóng quá lớn cộng với hiệu quả sử dụng vốn kém sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng nợ và tăng sự lệ thuộc vào các nền kinh tế khác.

Năm 2011 sẽ là một năm hứa hẹn nhiều thành công nhưng cũng có không ít thách thức mà nền kinh tế nước ta sẽ đối diện và phải vượt qua. Dưới góc nhìn của mình, Phó  Giáo sư có thể chỉ ra những rào cản - là trở lực đối với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế ở nước ta trong năm 2011?

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn: Những rào cản hay những trở lực đối với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2011 được thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, nền kinh tế thế giới năm 2011 vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro của thời kỳ hậu khủng hoảng toàn cầu. Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2010 của Quỹ tiền tệ Quốc tế nhận định kinh tế thế giới đang hồi phục ở nhiều mức độ khác nhau và các nền kinh tế lớn vẫn đang chậm chạp bò ra khỏi suy thoái. Báo cáo này cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới và tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn trong năm 2011 đều thấp hơn năm 2010. Điều này sẽ có tác động không thuận lợi đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với với 3 chướng ngại lớn là vấn đề tỷ giá, nhập siêu và lạm phát để nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam cũng cần khắc phục những “nghịch lý” vĩ mô như lạm phát cao trong một thế giới lạm phát thấp hoặc giảm phát; lãi suất tiết kiệm và cho vay cao hàng đầu thế giới, trong khi ở các trung tâm kinh tế thế giới lãi suất dường như bằng không...đang tạo cho nền kinh tế vĩ mô nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà nếu không kịp thời điều chỉnh và xử lý thì sẽ gây ra hậu quả tiêu cực đến sự phát triển lâu dài và bền vững.

Dưới góc độ này, nhiều học giả cho rằng trong bối cảnh hiện nay Việt Nam không nên đặt mục tiêu đạt được các con số tăng trưởng bằng mọi giá, mà cần chú trọng đến việc tạo ra những cân bằng và ổn định vĩ mô. Mặc dù, việc thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô cũng không phải dễ dàng trong bối cảnh không gian chính sách đang ngày càng bị thu hẹp do thâm hụt kép (tài khoản vãng lai và ngân sách) và lạm phát tăng cao nhưng tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ được tạo ra trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô thông qua những chính sách phù hợp.

Thứ ba, những yếu kém vốn có của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, thể chế kinh tế và nguồn nhân lực sẽ vẫn tiếp tục là những trở lực đối với tăng trưởng của nền kinh tế không chỉ trong năm 2011. Đây là những yếu kém đã được nhận thức rõ nhưng khó có thể khắc phục được trong một sớm, một chiều và để khắc phục được cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy với lòng quyết tâm cao và với những giải pháp thực sự quyết liệt.

Thứ tư, Chính phủ phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cần tái cơ cấu chi tiêu ngân sách, cắt giảm đầu tư công, triển khai những quyết sách mới và mạnh mẽ hơn nhằm cải cách lại khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đầu tư công đã bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân để ổn định tình hình. Tuy nhiên, trong những năm tới, Chính phủ cần giảm đầu tư công, thay vào đó cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí và tạo điều kiện để đầu tư tư nhân phát triển mạnh trở lại.  

Năm 2011 là năm có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn phát triển sắp tới của nền kinh tế Việt Nam. Bởi vì đây là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm mới (2011-2015) và để thực hiện được thành công kế hoạch này cần có một tư duy tăng trưởng mới: Tăng trưởng dựa trên cơ sở một môi trường kinh tế thuận lợi (cả vi mô và vĩ mô), trong đó các nguồn lực được phân bổ một cách hợp lý, được sử dụng một cách hiệu quả và trọng tâm của tăng trưởng là chất lượng.

Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn về cuộc trao đổi này!
Từ Lương thực hiện

[1] So với mức tăng 4,62% của cùng kỳ năm 2009

[2] http://www.giaoduc.edu.vn/news/doanh-nghiep-712/ty-le-that-nghiep-tai-thanh-thi-gap-doi-nong-thon-150354.aspx

[3] Theo báo cáo thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đến cuối năm 2009, cả nước đã có 133.262 lao động bị mất việc làm. Ngoài ra trên cả nước còn có 40.348 lao động ở các làng nghề bị mất việc và khoảng 100.000 người khác phải giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên

[5] Thống kê từ Viện tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy năm 2010, khoảng 825 tỷ USD tiền đầu tư sẽ vào nhóm thị trường mới nổi. Con số này vào năm 2009 chỉ là 581 tỷ USD.


(Chinhphu.vn)

FullName Email
Address Security code WXBIEH
Content