Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy M&A

TS. Nguyễn Việt Khôi
Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực Sáp nhập và mua lại (Mergers & Acquisitions - M&A) và giảng dạy tại một số trường đại học ở Hoa Kỳ, TS. Nguyễn Việt Khôi (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy hoạt động M&A phát triển trong thời gian tới.

- Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông có thể cho biết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động M&A ở Việt Nam thời gian qua?

TS. Nguyễn Việt Khôi: Có nhiều cách nhìn nhận khó khăn trong hoạt động M&A ở Việt Nam, tôi muốn đánh giá những khó khăn này trên góc độ thị trường.
Cụ thể, bên bán chưa chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội sát nhập, có tâm lý e ngại, dè dặt trong việc cung cấp thông tin ra thị trường gây ra hiện tượng thiếu vắng  hàng hóa tốt trên thị trường. Đối với bên mua, suy thoái buộc họ tiết kiệm chi phí, thu hẹp đầu tư và chỉ muốn thâu tóm nếu có được những hàng hóa thực sự tốt. Như vậy, cung và cầu không gặp nhau, dẫn tới mặc dù số liệu cho thấy các thương vụ M&A tăng cả về số lượng và giá trị nhưng vẫn chưa thể so sánh với khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế, sự thiếu kiên trì trong thương lượng, thiếu vắng các tổ chức trung gian chuyên nghiệp, văn hoá công ty tại các doanh nghiệp Việt... đã tạo ra những cản trở không nhỏ cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Ngoài ra, một số vấn đề luật pháp, quản trị hậu M&A cũng khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tiến hành các thương vụ M&A.

- Ngoài những khó khăn đó, theo ông, còn những yếu tố nào tác động trực tiếp đến hoạt động M&A tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Việt Khôi: Có thể bổ sung một vài yếu tố khác, như việc các tập đoàn lớn của Việt Nam chủ trương thành lập những doanh nghiệp hoạt động ngoài ngành, hậu quả là, do đầu tư tràn lan cùng với việc quản trị yếu kém, các tập đoàn này phải gánh những số nợ khổng lồ.
Ví dụ, Tập đoàn Vinashin hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã từng thành lập nhiều công ty con hoạt động ngoài ngành, kém hiệu quả và hiện nay, các tập đoàn này đều muốn thoái vốn. Ngoài ra, lãi suất tiền đồng Việt Nam còn cao, dẫn tới hiện tượng thoái lui đầu tư (disinvestment) của các tổ chức và cá nhân; nhiều vụ M&A không tạo được giá trị cộng hưởng (synergy) cũng đang là trăn trở của các bên tham gia vào thị trường M&A.

- Theo ông, về mặt luật pháp, khi tham gia vào hoạt động M&A, các doanh nghiệp cần lưu ý tới những vấn đề gì?

TS. Nguyễn Việt Khôi: Vấn đề luật pháp liên quan tới hoạt động M&A luôn được đặt lên hàng đầu trước khi thực hiện thương vụ. Chính vì vậy, trong quá trình đàm phán để mua lại doanh nghiệp, đi cùng bên mua không thể thiếu các tổ chức tư vấn luật. Có một lưu ý ở đây là, Việt Nam chưa có một bộ luật riêng quy định chi tiết về hoạt động M&A mà nó được nằm rải rác ở nhiều bộ luật khác nhau, như Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp...

- Để thúc đẩy hoạt động M&A trong thời gian tới, theo ông, cần có những giải pháp gì?

TS. Nguyễn Việt Khôi: Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là niềm tin của các nhà đầu tư khi tham gia vào hoạt động M&A. Muốn xây dựng được niềm tin đó, các bên nên ý thức việc minh bạch thông tin khi chào bán, chào mua. Việc này cũng sẽ giúp cho bên mua rút ngắn được thời gian thẩm định, rà soát (due diligent). Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần xem xét lộ trình hạ lãi suất để thu hút  đầu tư tư nhân.
Tôi xin khẳng định lại, niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy hoạt động M&A phát triển trong thời gian tới.
Một số ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp có thương hiệu và những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ bị thâu tóm khi tham gia thị trường M&A. Theo ông, các doanh nghiệp này cần phải chú ý đến điều gì để có thể tránh nguy cơ bị thâu tóm mà vẫn có thể tận dụng được những lợi ích mà M&A mang lại?
Muốn giảm thiểu được nguy cơ bị thâu tóm, các doanh nghiệp cần có được sức khỏe tốt cả về tài chính và quản trị nội bộ, xây dựng được quan hệ chặt chẽ với cổ đông, tạo niềm tin với cổ đông. Tuy nhiên, theo tôi, các doanh nghiệp sẽ không thể chống thâu tóm được nếu bên mua trả giá thật cao.

(baodautu.vn)

FullName Email
Address Security code PGMIPE
Content