Trang Nghiên cứu
 Search
Chuyên san Kinh tế (tr.NCKH)

Hội thảo “Quan hệ Kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ” do Khoa Kinh tế Quốc tế tổ chức

Ngày 4/12/2009 vừa qua, Ngài Micheal Honnold - Tham tán Kinh tế cùng các đồng nghiệp tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có chuyến thăm và giao lưu với giảng viên, sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tiếp sau phiên làm việc ngắn, ông Micheal Honnold đã chủ trì Hội thảo với chủ đề “Quan hệ Kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ".

Về phía Trường Đại học Kinh tế, TS. Khu Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế, TS. Vũ Anh Dũng - Phó Chủ nhiệm khoa, ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh - Phó trưởng Phòng NCKH&HTPT cùng các giảng viên và sinh viên của khoa đã tham gia buổi hội thảo.
Trong phần đầu của bài diễn thuyết, Tham tán Micheal Honnold đã đề cập đến những thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó đáng chú ý là sau hơn 15 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và 5 năm sau lễ ký kết hiệp định song phương, thương mại Việt - Mỹ đã có những tăng trưởng đáng kể. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam, thị trường này chiếm hơn 21% tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ với các mặt hàng chính như cá, cà phê, hàng dệt may, nội thất, thiết bị điện... Điều này đã góp phần tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân Việt Nam. Tham tán Micheal Honnold đánh giá rằng chính phủ của hai quốc gia đã rất tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với sự tham gia của nhiều bộ ngành như Bộ Lao động, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục & Đào tạo... với phương châm đạt được lợi ích cao nhất cho cả 2 bên thông qua nhiều hiệp định và quy chế đã ký và đang thương thuyết như Hiệp định khung về Ngoại thương và Đầu tư (TIFA), Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT), Quy chế Ưu đãi quan Thuế Phổ cập (GSP) hay Thỏa ước Hợp tác Kinh tế Chiến lược với một số quốc gia Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership).
Tiếp đó, diễn giả tập trung phân tích sâu về quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và cho rằng sự hợp tác giữa 2 quốc gia là hết sức cần thiết hướng tới sự phát triển chung và cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hoa Kỳ rất ủng hộ việc Việt Nam là thành viên của WTO và cho rằng Việt Nam nên có các biện pháp sớm cắt giảm thuế quan, thực hiện đầy đủ các cam kết của WTO và tham gia sâu hơn nữa vào sân chơi toàn cầu. Trong bài trình bày này, ngài Tham tán đã đề cập và phân tích từ góc nhìn của Hoa Kỳ về một số vấn đề trong mối quan hệ thương mại Việt Mỹ như: nhập khẩu cá basa từ Việt Nam (yêu cầu chất lượng này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà cả các quốc gia khác), hay các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ....
Tham tán Micheal Honnold cũng đã đánh giá cao về triển vọng hợp tác giữa 2 quốc gia trong thời gian tới, ông tin rằng ngày càng có nhiều công ty Hoa Kỳ xem Việt Nam như một điểm đến của đầu tư. Hoa Kỳ hy vọng sẽ trở thành quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất vào Việt Nam, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm. Đánh giá về khả năng thu hút các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh như nguồn tài nguyên phong phú, lực lượng dân số trẻ, cần cù và ham học hỏi... Tuy nhiên đa số là lao động thiếu kỹ năng, do vậy Việt Nam cần phải có chính sách để nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam đã ký kết các văn bản hợp tác trong đó Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình hợp tác đào tạo giữa cả hai bên. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức nhiều hơn các diễn đàn trao đổi giữa hai quốc gia.
Nối tiếp bài trình bày của Tham tán Micheal Honold là phần trao đổi đầy sôi nổi với nhiều câu hỏi được đặt ra cho Ngài Tham tán cũng như các khách mời. Nội dung chủ yếu xoay quanh một số vấn đề như Việt Nam và việc tham gia vào sân chơi WTO, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc, kinh tế Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường hay không, làm thế nào để cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam hay một số vấn đề từ khía cạnh kinh doanh như chuỗi giá trị… Tất cả các câu hỏi đã được Ngài Tham tán và các vị khách mời trả lời nhiệt tình và cởi mở.
Hội thảo là một trong những cơ hội quý báu để giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT - ĐHQGHN có cơ hội hiểu sâu hơn về quan hệ kinh tế Việt nam - Hoa Kỳ. Buổi hội thảo đã diễn ra hết sức thành công tốt đẹp và là một sự khởi đầu ấn tượng cho hợp tác giữa Khoa Kinh tế Quốc tế - ĐHQGHN và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Tham tán Micheal Honold (bên trái) thuyết trình tại Hội thảo.
Tham tán Micheal Honold (bên trái) thuyết trình tại Hội thảo.

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Khoa KTQT và
Phòng NCKH&HTPT, Trường ĐHKT - ĐHQGHN.
Các khách mời chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Khoa KTQT và Phòng NCKH&HTPT,
Trường ĐHKT - ĐHQGHN.


Mai Anh - 51CLC KTQT

FullName Email
Address Security code VCZCEN
Content