Trang Đào tạo đại học
 Search

Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 8/2021)

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xin trân trọng thông báo những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 8/2021)

1. Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

c) Nội dung cơ bản:

   Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong đó có quy định xem xét không thu học phí tại nơi có thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.

   Mức thu học phí được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định và đảm bảo chất lượng giáo dục. Mức trần học phí năm học 2021-2022 đối với các ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học công lập được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định áp dụng cho năm 2020-2021.

   Bên cạnh đó, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm...

>> Xem toàn bộ văn bản tại đây 
 

2. Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

a) Hiệu lực thi hành: Chỉ thị này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Toàn bộ ngành Giáo dục

d) Nội dung cơ bản:

   Ngày 24/8/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 800/CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

   Theo đó, để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

   Tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tình thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên, giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

   Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục;

   Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

   Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa...

>> Xem chi tiết văn bản tại đây 
 

3. Quyết định 2622/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 08 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025" trong giai đoạn 2021 - 2025

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Các đơn vị chủ trì thực hiện thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Các cơ sở giáo dục đại học.

c) Nội dung cơ bản:

   Ngày 16/08/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2622/QĐ-BGDĐT về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025" trong giai đoạn 2021 - 2025.

   Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện một số công việc như: xây dựng quy định về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học; xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực cụ thể; xây dựng Báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu các trình độ của các nước ASEAN (AQRF)…

   Thêm đó, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện các nội dung: lựa chọn, cử giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ trong nước bằng kinh phí của trường hoặc tham gia tuyển chọn đi học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác; thu hút giảng viên là người nước ngoài, Việt kiều hoặc người Việt Nam đang làm việc, giảng dạy ở nước ngoài tham gia các chương trình đào tạo…

>> Xem chi tiết văn bản tại đây.  
 

4. Công văn số 3567/BGDĐT-GDĐH ngày 20 tháng 8 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2021.

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Các đại học, học viện, trường đại học; Các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non; Các sở giáo dục và đào tạo.

c) Nội dung cơ bản:

   Ngày 20/8/2021, Bộ GD&ĐT có Công văn 3567/BGDĐT-GDĐH về tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2021. Do diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều thí sinh chưa thể nộp được bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho các trường để nhập học.

   Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học cần xem xét các phương án sau đây:

(i) Các trường gia hạn thời gian nhận hồ sơ xác nhận nhập học cho thí sinh;

(ii) Các trường xác nhận nhập học trực tuyến:

- Nếu thí sinh đã nhận được bản chính kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường hướng dẫn thí sinh gửi ảnh mã vạch qua các hình thức trực tuyến để xác nhận và nhập mã vạch lên hệ thống (các trường cần quy định và thông báo rõ cho thí sinh biết về: quy trình triển khai, yêu cầu chỉ xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo, các hình thức cam đoan của thí sinh);

- Nếu thí sinh chưa nhận được bản chính kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến vào danh sách của trường, và khi nhận được kết quả thi thì thực hiện như bước a) nêu trên.

   Từ ngày 24/8/2021 đến ngày 25/8/2021 Cổng thông tin tuyển sinh (Hệ thống) sẽ mở để thí sinh, điểm tiếp nhận hồ sơ thực tập việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trực tuyến. Tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT được đăng tải tại đây.

>> Xem chi tiết văn bản tại đây 
 

5. Quyết định số 3022/TĐ-TLĐ ngày 09 tháng 8 năm 2021 sửa đổi Quyết định 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/8/2021.

b) Đối tượng áp dụng: Đơn vị tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

c) Nội dung cơ bản:

   Ngày 09/8/2021 Tổng Liên đoàn Lao động ban hành Quyết định 3022/TĐ-TLĐ sửa đổi Quyết định 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

   Theo đó, bổ sung trường hợp đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 được công đoàn hỗ trợ, gồm:

- Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn tử vong do bị nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ ngày 27/4/2021:

Được hỗ trợ là 5 triệu đồng/người (không bao gồm các khoản đã hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động tại các khoản 2, 3, 4, 5, 5b, 6 Điều 1 Quyết định 2606).

- Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn đã di chuyển từ các tỉnh phía Nam về quê kể từ ngày 01/8/2021, phải thực hiện đúng yêu cầu cách ly y tế theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, có hoàn cảnh khó khăn thì:

   Được liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận người trở về xem xét hỗ trợ tối đa là 500.000 đồng/người...

>> Xem chi tiết văn bản tại đây.  
(Cập nhật đến ngày 30 tháng 8 năm 2021) 
 

Phòng Thanh tra Pháp chế

FullName Email
Address Security code OITBHL
Content