Thông tin cho sinh viên
 Search

Tết cổ truyền Việt Nam qua lăng kính của du học sinh

Du học sinh Nhật Bản tại Khoa QTKD, Trường ĐHKT (Kosei - ngoài cùng bên phải)
Kosei Kunishige đến Việt Nam từ cuối tháng 8/2014 theo Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Oita, Nhật Bản. Và dịp tết này sẽ là cái tết đầu tiên của Kosei Kunishige ở Việt Nam.

Nghĩ về những du học sinh mới đặt chân đến Việt Nam, người ta thường mường tượng đến ngay những khó khăn, trở ngại khi bắt đầu cuộc sống mới ở miền đất khác và Kosei cũng không phải là ngoại lệ. Rào cản lớn nhất của cậu chính là sự khác biệt về ngôn ngữ và phong cách sống - chẳng hạn, với Kosei đó là việc chọn đồ ăn khi đi ăn ở nhà hàng. Kosei không biết nên ăn gì bởi cậu không hiểu tên gọi món ăn trên thực đơn dù là thực đơn bằng tiếng Anh hay tiếng Nhật. Những lúc ấy, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn Việt Nam tại Trường ĐHKT, cậu đã có thể tìm cho mình những món ăn phù hợp bằng cách ghi nhớ từng món ăn mà đã được bạn bè giới thiệu trước đó. Những người bạn mới ở Trường ĐHKT còn chủ động tổ chức những chuyến dã ngoại - vừa để chào đón những người bạn ngoại quốc, vừa giúp họ sớm thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam. Nhờ sự hiếu khách và thân thiện của những người bạn mới, Kosei đã dần thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam và ngày càng gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây.

Trải qua 5 tháng sinh sống và học tập ở Hà Nội, ngoài việc khám phá những vùng miền khác nhau và thưởng thức những đặc sản, món ăn truyền thống của người Việt Nam, Kosei đã có cơ hội tận hưởng bầu không khí lễ hội ở Việt Nam - từ Giáng sinh đến Tết Dương lịch và sắp tới đây sẽ là dịp Tết Nguyên đán truyền thống. Đón Tết Dương lịch xa nhà, cậu đã dành cả ngày cuối cùng của năm 2014 để cùng ăn tối bên những người bạn Nhật Bản của mình, nhìn lại một năm đã qua với đủ vui buồn, thành công và thất bại xen lẫn hào hứng, tự hào khi nói về những điều nhất định sẽ theo đuổi trong năm 2015. Sau bữa tối, Kosei cùng nhóm bạn thân đi bộ đến Hồ Hoàn Kiếm, nơi đang chuẩn bị diễn ra lễ Countdown - mừng năm mới 2015, ở đó, những du học sinh Nhật Bản đã cùng nhau chia sẻ nhiều kỷ niệm khó quên trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.


Kosei (ngoài cùng bên phải) trong màu áo Việt Nam tại lễ kỷ niệm 40 năm truyền thống Trường ĐHKT, ĐHQGHN

Khi được hỏi về những điều người Nhật thường làm để chuẩn bị cho dịp Tết, Kosei cho biết: “Điểm khác biệt lớn nhất trong dịp Tết của người Việt Nam và người Nhật Bản đó là Nhật Bản ăn tết theo lịch dương thay vì lịch âm. Tuy vậy, cũng giống như Việt Nam, năm mới luôn là dịp lễ trọng đại nhất trong năm của đất nước mặt trời mọc, những ngày nghỉ Tết của người Nhật Bản thường kéo dài 10 ngày từ 25/12 đến 5/1...”

Để chuẩn bị cho năm mới, người Nhật cũng dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong nhà. Đặc biệt, nhà và cổng nhà của họ thường được trang trí những đồ vật được làm từ gỗ thông, tre và cây mận, quần áo cũng được giặt sạch sẽ vì họ muốn mình trông thật tươm tất nhất khi năm hết Tết đến. Nếu như ở Việt Nam, bánh chưng, thịt gà, canh măng, giò,... là những món ăn luôn được ưa chuộng trong những ngày Tết, thì ở Nhật lại có: mì kiều mạch tượng trưng cho sự trường thọ, ozoni (một loại súp) cùng bánh mochi, otoso (rượu) và món osechi ryori.

Tại Việt Nam, đêm 30 Tết, các gia đình thường quây quần theo dõi chương trình “Gặp nhau cuối năm” và trình diễn pháo hoa thì ở Nhật Bản, mọi người háo hức đón xem chương trình ca nhạc của rất nhiều ca sĩ Nhật Bản với những màn trình diễn độc đáo, thú vị.
Thêm một điểm tương đồng giữa phong tục đón năm mới của Nhật Bản và Việt Nam, đó là người dân vẫn duy trì phong tục đi lễ chùa đầu năm để cầu những điều may mắn, hạnh phúc và thành công trong suốt 12 tháng tới.

Lần đầu đón Tết ở Việt Nam, ngoài việc thưởng thức bầu không khí thiêng liêng đêm giao thừa hay thưởng ngoạn màn bắn pháo hoa rực rỡ khắp bầu trời Hà Nội, Kosei còn dự định đến thăm những người bạn của mình ở Quảng Ninh - mảnh đất có di sản Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới. Kosei cũng chia sẻ, cậu muốn đặt chân đến tất cả những vùng miền trên khắp dải đất hình chữ S này. Cậu dành tình yêu cho tất cả những gì thuộc về Việt Nam, từ phong cảnh, con người đến nền ẩm thực đa dạng, phong phú. Đó cũng là lý do Kosei cũng như nhiều người Nhật Bản khác rất háo hức được thưởng thức hương vị của mâm cơm cổ truyền trong những ngày Tết Việt.
Cuối câu chuyện, Kosei không ngần ngại chia sẻ mong muốn của mình trong năm 2015, đặc biệt là dự định đề ra một kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Để hiện thực hóa giấc mơ này, trong thời gian qua, Kosei đã bắt đầu lên kế hoạch cho những chuyến tham quan doanh nghiệp - đi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn và sẵn sàng cho mọi khó khăn, thử thách đang đợi chờ phía trước. Và thật bất ngờ, điều thú vị nhất ở cậu bạn này nằm ở chính những khao khát sẽ quay trở lại Việt Nam để xây dựng công ty riêng sau khi tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản. Đó cũng là tình yêu và sự gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, vừa sâu sắc, lớn lao song cũng rất mộc mạc của một du học sinh đến từ xứ sở hoa anh đào.


Thanh Tú (MASS Communication)

FullName Email
Address Security code CBUFYY
Content