Thông tin cho sinh viên
 Search

Vượt qua 5 đối thủ, ViDo giành giải Nhất Business Challenges 2018

Đội ViDo giành giải Nhất với trị giá 50 triệu đồng
Xuất sắc vượt qua 5 đối thủ rất mạnh, đội ViDo đã lên ngôi vương tại Gala Business Challenges 2018 diễn ra ngày 8/12 tại The Hanoi Club. Chương trình do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Việt Nam đồng tổ chức, tài trợ kim cương bởi Quỹ Thriive và Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Cuộc thi Business Challenges 2018 được tổ chức với mục đích: Tạo môi trường các bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận phát triển ý tưởng khởi nghiệp và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; tạo sự kết nối giữa cộng đồng doanh nhân, các nhà đầu tư với các ý tưởng khởi nghiệp và giải pháp kinh doanh; góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai cho các bạn trẻ, giúp các bạn trẻ tự tin khởi nghiệp từ những bước đầu tiên.

Gala chung kết Business Challenges có sự tham dự của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN; ông Moritz Kleine-Brockhoff - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Viện Friedrich Naumman; ông Mark Stanizki - Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam. Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường. Cùng với đó là sự tham dự của đại diện một số tổ chức Đức tại Việt Nam (DAAD, AHK, GIZ); cố vấn các đội thi (Mentors), các nhà đầu tư, khách mời đến từ doanh nghiệp; cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam; đại diện các Nhà tài trợ, nhà đầu tư, đơn vị bảo trợ truyền thông…; gia đình, người thân của các đội thi...

Phát biểu tại Gala Chung kết Business Challenges, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, tại VIệt Nam có nhiều cuộc thi khởi nghiệp, nhưng tên cuộc thi Business Challenges là khởi nghiệp, sáng tạo nhất, là cái tên hay nhất cho phong trào khởi nghiệp, bởi "business" luôn "challenges". Ông Lộc cho rằng, "mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" phải là tinh thần của tất cả mọi người và doanh nghiệp, bởi nếu dừng khởi nghiệp, doanh nghiệp không tồn tại trong cuộc cạnh tranh này. Để hướng tới sự phát triển bao trùm, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, nhân tố chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và khởi nghiệp chính là nơi tạo ra các doanh nghiệp đó. Đặc biệt, với việc chia các đội thi thành 2 nhánh là khởi nghiệp và giải quyết vấn đề doanh nghiệp, cuộc thi đã cho thấy khởi nghiệp không chỉ cho doanh nghiệp, dự án mới mà khởi nghiệp còn là năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp đang tồn tại. TS. Vũ Tiến Lộc tin tưởng, Business Challenges sẽ không chỉ tạo ra những doanh nghiệp mới mà còn "tạo ra không khí khởi nghiệp mới ở các doanh nghiệp".

Ông Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định: ĐHQGHN đóng vai trò dẫn dắt, tiếp tục truyền lửa cho phong trào khởi nghiệp quốc gia. VCCI sẽ luôn sát cánh cùng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN để thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp tại Việt Nam.

 
 
TS. Vũ Tiến Lộc phát  biểu tại Gala 
 
Business Challenges 2018 là cuộc thi được kế thừa và nâng tầm từ cuộc thi UEB Genesis Start-up (UGS). Mục đích chính của cuộc thi UGS nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên thuộc mạng lưới Entrepreneurship Development Network Asia - ADNA do Đại học Sydney khởi xướng. Điểm mới của cuộc thi năm nay là không chỉ tập trung vào Nhánh (1) Khởi nghiệp (Startup) mà còn có Nhánh (2) Giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp (Problem-solving) với các lĩnh vực như: Nhân sự, Marketing, Tài chính

PGS.TS  Nguyễn Hồng Sơn - Phó giám đốc  ĐHQGHN phát biểu tại Gala
Ông Moritz Kleine-Brockhoff, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Viện Friedrich Naumman 
Ông Mark Stanizki, Giám đốc Viện FNF Việt Nam
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu tại Gala 
 
 
 
Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các nhà tài trợ và các cố vấn cuộc thi

Trải qua hơn 8 tháng (từ tháng 4/2018 đến nay) với 5 vòng thi và 6 Workshops, từ 52 đội thi ban đầu, đến nay cuộc thi đã chọn ra 6 đội thi xuất sắc, chia thành 2 nhánh tham gia Vòng Chung kết: Nhánh 1: Yolife, Vi Do, Bù nhìn rơm; Nhánh 2: S4U, Felix, Lumos

Tại vòng Gala chung kết này, 6 đội thi lần lượt thuyết trình và bảo vệ dự án kinh doanh của mình. Mỗi đội có thời gian là 20 phút cho phần thi của mình. Ban giám khảo chấm điểm và tìm ra đội chiến thắng, với cơ cấu giải thưởng gồm 1 Giải nhất: 50.000.000 đồng; 1 Giải nhì: 20.000.000 đồng; 1 Giải ba: 10.000.000 đồng; 1 Giải Tiềm năng: 5.000.000 đồng.

Trình bày đầu tiên là Team Lumos (Nhánh 2) với dự án gọi vốn đầu tư cho iSpeak

Là một trong ba đội thi xuất sắc thuộc nhánh Thực tập tiến vào vòng Chung kết Business Challenges 2018, với sự bản lĩnh, bền bỉ và tinh thần ham học hỏi, không chỉ Lumos mà cả iSpeak đã được nhóm bạn trẻ đến từ trường đại học Ngoại thương đưa đến gần hơn tới mọi người.

Nhận nhiệm vụ gọi vốn đầu tư cho trung tâm tiếng Anh trực tuyến iSpeak cùng với sự hỗ trợ của hệ sinh thái khởi nghiệp BestB, đội Lumos trở thành cầu nối giữa dự án start-up iSpeak tới các nhà đầu tư.

Đội Lumos

Sau 6 tháng nghiên cứu tài chính doanh nghiệp và khảo sát thị trường tiếng Anh trực tuyến, nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức, Lumos đã vạch ra những chiến lược rõ ràng để iSpeak có thể phát triển và chiếm lĩnh thị trường, đưa ra con số gọi vốn phù hợp để thuyết phục những nhà đầu tư tiềm năng và khó tính nhất.

Qua 3 phương pháp định giá, Lumos định giá giá trị doanh nghiệp của iSpeak là 14 tỷ đồng. Số vốn cổ phần kêu gọi đầu tư là từ 35% đến 80%. Sau khi hoàn thiện hồ sơ gọi vốn, bao gồm phân tích thị trường, tiếp cận nhà đầu tư, Lumos đã triển khai kế hoạch gọi vốn. Nhóm cho biết, trong giai đoạn 1/11 đến 31/12, nhóm đã và đang liên hệ với 64 nhà đầu tư và sẽ tổng kết và sắp xếp các cuộc gặp với nhà đầu tư trong tháng 1.

Đội thi thứ hai thuộc Nhánh 2 tham gia thuyết trình và bảo vệ dự án là S4U - Team Tài chính với dự án gọi vốn cho Mỹ phẩm Chaveny

Chaveny là thương hiệu mỹ phẩm chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên, với mong muốn mang lại nguồn năng lượng xanh cho người sử dụng. Founder & CEO của Chaveny là chị Nguyễn Thị Giang.

Tầm nhìn của Chaveny là trở thành thương hiệu sản xuất mỹ phẩm Việt số 1, với doanh thu đạt 100 tỷ đồng vào năm 2022, mục tiêu chiếm 30% thị phần tại Việt Nam.

Đội S4U 

Chaveny đang muốn kêu gọi 1 tỷ đồng, trong đó 70% chi phí cho marketing, 30% chi cho nhập sản phẩm mới.

Trình bày về giải pháp gọi vốn cho Chaveny, Leader của S4U Nguyễn Tuấn Tú cho biết, sau khi định giá doanh nghiệp bằng 3 phương pháp, giá trị hợp lý mà S4U đưa ra cho Chaveny là 17 tỷ đồng, tương đương khoản gọi vốn 1 tỷ đồng bằng 5,5% giá trị doanh nghiệp.

Leader của S4U cho biết, nhóm đã tiến hành gửi thư gọi vốn cho các nhà đầu tư và nhận được nhiều phản hồi tích cực. S4U cũng tự tin về khả năng gọi vốn thành công cho Chaveny.

Đội cuối cùng thuộc Nhánh 2 tham gia thuyết trình là Felix với dự án xây dựng kế hoạch marketing cho Gỗ Minh Long.

Công ty TNHH Gỗ Minh Long thành lập năm 2005, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm gỗ công nghiệp, vật liệu trang trí nội thất…

Theo khảo sát từ nhóm Felix, Gỗ Minh Long có vị trí cao trong ngành, chỉ đứng sau An Cường. Tuy nhiên, đứng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, hơn nữa Minh Long có sự trùng hợp thương hợp với Gốm Minh Long - một thương hiệu rât nổi tiếng, dẫn tới dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng.

 
Đội Felix 

Nhóm đánh giá, đây là thời điểm phù hợp để Gỗ Minh Long đẩy mạnh marketing đếm nhóm khách hàng B2C, đồng thời tăng độ nhận diện của công chúng để gây sức ép lên nhóm khách hàng B2B.

Kế hoạch mà Felix đưa ra là xây dựng một chiến lược truyền thông, marketing nhằm “giáo dục” khách hàng về việc chọn gỗ ép công nghiệp thay gỗ tự nhiên để bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người thân.

Tổng số kinh phí mà Felix đưa ra cho chiến dịch này là 1,03 tỷ đồng, bao gồm tổ chức các sự kiện online, offline và truyền thông hậu sự kiện.

Thuyết trình đầu tiên là YoLife - Dự án Trung tâm cho người cao tuổi

Yolife là ý tưởng được xây dựng bởi một nhóm những bạn trẻ đến từ câu lạc bộ Dynamic Hanu của trường Đại học Hà Nội. Nhen nhóm ý nghĩ muốn cùng sẻ chia những tâm tư, tình cảm với người cao tuổi, khát khao muốn trải lòng với những kinh nghiệm mà ông bà truyền lại cho mình, các bạn trẻ Yolife mong muốn phát triển một cộng đồng dành cho người cao tuổi và song song vào đó là nơi để thu hẹp những khoảng cách giữa các thế hệ.

 
Đội Yolife 

Yolife hướng đến mục đích xây dựng một cộng đồng cho người cao tuổi - cộng đồng Yolife thông qua các hoạt động như các buổi workshops về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, luyện tập cho người cao tuổi.

Dịch vụ chính của YoLife là mô hình chuỗi các hoạt động cho người cao tuổi tại các phòng cộng đồng chung cư. Hoạt động chính của các phòng này là tổ chức các buổi tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, lớp học thể chất như yoga, khiêu vũ và các hoạt động giải trí tinh thần.

Dự án YoLife nhận được sự cố vấn từ Bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương – Người sáng lập và điều hành Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân Trời Mới.

Về phương án tài chính, vốn đầu tư cho 1 cơ sở là 146,6 triệu đồng, chi phí vận hành bình quân mỗi tháng là 49,7 triệu đồng trong khi doanh thu 51,75 triệu đồng/tháng.

Thời gian hoàn vốn mà YoLife đưa ra là 3 năm.

Đội thi thứ hai trình bày dự án là Bù Nhìn Rơm, với dự án Thú nhồi hương hiệu

Sản phẩm mang hình dáng là những nhân vật, con vật gần gũi với người dân Việt, được may bằng vải gai, nhồi rơm và lá dược liệu, an toàn, thân thiện môi trường.

Dự án hướng tới sử dụng nguồn lao động là những người yếu thế trong xã hội, giúp họ có thu nhập ổn định, góp phần tạo ra giá trị xã hội.

Đội Bù Nhìn Rơm 

Giải pháp mà Bù Nhìn Rơm đặt ra cho dự án là “The Same House: Bring cultural to the world”, nhằm tạo việc làm cho những người phụ nữ ở nông thôn có thu nhập thấp; Góp phần đa dạng hóa, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam qua sản phẩm handmade mang đậm nét truyền thống dân tộc; Đa dạng hóa phương pháp giáo dục thông qua mô hình giáo dục trực quan cho các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội.

Đại diện của Bù Nhìn Rơm cho biết, vốn hiện có của dự án là 35 triệu đồng và đã nhận được lời gợi ý đầu tư 160 triệu đồng cho 10% từ khi mẫu sản phẩm hoàn thành và đưa vào bán thử giai đoạn đầu từ một nhà đầu tư.

Theo phương án tài chính của Bù Nhìn Rơm, dự án sẽ có lãi ngay từ năm đầu tiên, doanh thu tăng dần qua từng năm và dự kiến đạt 1,8 tỷ đồng vào năm thứ ba.

Dự án tham gia thuyết trình cuối cùng trong Nhánh 1 khởi nghiệp là Vido - Mạng lưới cho thuê đồ dùng “rảnh” gần nơi bạn ở.

Vido.vn là mạng lưới cho thuê đồ dùng rảnh gần nơi bạn ở, nhiệm vụ chính là kết nối người có đồ với người đang thiếu đồ. 3 giá trị cốt lõi của Vido, theo đại diện nhóm là Nhanh chóng – An toàn – Minh bạch.

Chiến lược phát triển của dự án được chia làm 2 giai đoạn. Tại giai đoạn 1, dự án hướng tới mục tiêu 3.000 người sử dụng, 4.000 sản phẩm vào tháng 2/2019. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ phát triển lên 12.000 người sử dụng và 20.000 sản phẩm vào tháng 9/2019. 

 
Đội ViDo 

Nhu cầu gọi vốn của Vido là 600 triệu đồng, sử dụng cho việc trang trải các chi phí kinh doanh, quản lý.

Đại diện dự án lạc quan vào các phương án đem lại doanh thu như doanh thu cố định từ các đơn vị sửa chữa đồ, thu phí quảng cáo, phí môi giới…

Dự án này hiện đã vận hành, với địa chỉ website là http://vido.vn

Kết quả cuối cùng, đội Vido giành giải Nhất, đội Felix giành giải Nhì, giải Ba đội Yolife, giải Tiềm năng thuộc về đội Bù Nhìn Rơm, đội Lumos đạt giải thưởng do ĐH Ngoại thương trao tặng.
 
Ban giám khảo đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương để đưa ra những góp ý thiết thực và lựa chọn ra đội xuất sắc nhất
TS. Hồ Chí Dũng trao giải cho đội thi
 Ban tổ chức trao giải cho các đội thi
 
Ban tổ chức và các đội thi vòng chung kết Business Challenges 2018

Văn Công - Kỳ Thành

FullName Email
Address Security code HXTVYK
Content