Thông tin cho sinh viên
 Search

Tinh thần OneVNU: Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với vai trò dẫn dắt và chuyển giao tri thức, công nghệ, hệ thống nâng cao năng suất lao động

Với vị trí và uy tín của đơn vị 2 năm dẫn đầu VNU, UEB sẵn sàng lan tỏa và chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ nhằm phát huy tinh thần OneVNU cho các đơn vị thành viên.

Nâng cao năng suất lao động và ứng dụng công nghệ vào quản lý là chủ trương lớn của Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN (UEB-VNU). Năm 2021 là năm bản lề thực hiện nhiều bước ngoặt trong chiến lược này và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Với vị trí và uy tín của đơn vị 2 năm dẫn đầu VNU, UEB sẵn sàng lan tỏa và chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ nhằm phát huy tinh thần OneVNU cho các đơn vị thành viên.

Đây là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trong buổi làm việc hướng tới chuyển giao hệ thống nâng cao năng suất lao động cho Khoa Quốc tế, ĐHQGHN chiều ngày 05/10/2021.

Trường Đại học Kinh tế và Khoa Quốc tế là những đơn vị được nhận xét là thuộc nhóm các đơn vị dẫn đầu trong các hoạt động của ĐHQGHN. Giữa hai đơn vị có những điểm tiệm cận chung trong quan điểm và phương pháp quản trị nhà trường, do đó việc tiếp cận, học hỏi các công nghệ quản trị của Trường Đại học Kinh tế đã mang lại nhiều giá trị cho Khoa Quốc tế.

 

Giữa Trường Đại học Kinh tế và Khoa Quốc tế có những điểm tiệm cận chung trong quan điểm và phương pháp quản trị nhà trường.

 

Tại buổi làm việc, Trường Đại học Kinh tế đã trao đổi với Khoa Quốc tế về hệ thống, phương pháp tiếp cận, cách thức và các điều kiện để có thể triển khai thành công hệ thống nâng cao năng suất lao động. Các nhân sự chủ chốt của Trường Đại học Kinh tế cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tái cấu trúc.

Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, điều tuyệt vời nhất là Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể viên chức, người lao động của nhà trường đã có sự đồng thuận cao trong việc xây dựng chiến lược gắn với KPIs mũi nhọn, thực hiện quản trị đại học hiện đại ứng dụng các giải pháp công nghệ, tái cơ cấu về chiến lược tài chính, cơ sở vật chất, hệ thống đánh giá lương thưởng 3P, bộ máy tuyển sinh cùng hệ thống nhận diện thương hiệu, đặc biệt là tái cơ cấu nhân sự để phát huy sức mạnh của cả bộ máy, cùng đưa “đoàn tàu” của UEB tăng tốc trên con đường phát triển.

 PGS.TS.Nguyễn Trúc Lê khẳng định Trường Đại học Kinh tế sẵn sàng lan tỏa và chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ nhằm phát huy tinh thần OneVNU cho các đơn vị thành viên.

Trên cơ sở quản trị năng suất gắn với hệ thống Phần mềm Quản lý công việc, Trường Đại học Kinh tế đã khai thác và phát triển mới nhiều tính năng phù hợp với thực tế hệ thống quản lý của nhà trường. Việc ứng dụng phần mềm này đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo các đơn vị, toàn thể viên chức, người lao động. Qua 4 tháng triển khai, phần mềm quản lý công việc đã hỗ trợ rất lớn trong hoạt động quản trị ở các quy mô lớn nhỏ khác nhau, từ việc chỉ đạo của Ban Giám hiệu đến việc quản lý của các đơn vị đào tạo, đơn vị chức năng đều được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đóng góp vào việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại tổ chức bộ máy của Nhà trường theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, việc ứng dụng phần mềm đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, trình độ chuyên môn của viên chức, người lao động trong Nhà trường, thể hiện sự đổi mới nhận thức về trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị trong quá trình chuyển đổi phong cách làm việc từ quản lý hành chính sang cung cấp dịch vụ chất lượng cao; quyết liệt thực hiện chủ trương mỗi vị trí việc làm là một vị trí cung cấp dịch vụ chất lượng cao trong tất cả các hoạt động hướng tới người học, người lao động và đối tác của nhà trường. Từ đó, thu nhập của viên chức và người lao động đã tăng tương xứng với năng suất, tạo sự phấn khởi, đồng thuận chung trong toàn Trường. Việc ứng dụng phần mềm quản lý công việc đã đảm bảo tính công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường trong đánh giá chất lượng nhân sự; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn trong mục tiêu quyết tâm phát triển theo hướng chất lượng đẳng cấp quốc tế, nâng tầm vị thế và uy tín của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trong thời kỳ mới.

Với những kết quả đạt được đó, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhận định việc đầu tư ngân sách cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mô hình quản trị của Trường Đại học Kinh tế là hoàn toàn xứng đáng, là mô hình nên được lan tỏa, chuyển giao để nhiều đơn vị rút ngắn được thời gian, và đạt hiệu quả cao trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng suất lao động.

 

 PGS.TS.Lê Trung Thành - Trưởng Khoa Quốc tế đánh giá cao những đổi mới tiên phong của Trường Đại học Kinh tế trong việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý nhà trường.

 
 Ban lãnh đạo Khoa Quốc tế tham dự buổi làm việc tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê khẳng định: “Trường Đại học Kinh tế sẵn sàng chuyển giao hệ thống công nghệ nâng cao năng suất lao động và hỗ trợ Khoa Quốc tế trong quá trình vận hành hệ thống. Đây là một bước đi quan trọng của Trường Đại học Kinh tế trong việc thực hiện chủ trương “One VNU”, hợp tác toàn diện giữa các đơn vị trong ĐHQGHN để tạo các giá trị gia tăng và các sản phẩm vượt trội; đảm bảo cơ hội phát triển cho tất cả các thành viên, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và sáng tạo của từng đơn vị. Đặc biệt, hoạt động này là một chủ trương lớn của Trường Đại học Kinh tế nhằm phát huy tinh thần cộng đồng, tiên phong và uy tín của UEB - đơn vị hai năm đứng đầu VNU (năm 2020, 2021).”

 

Khoa Quốc tế là đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, với định hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao nhất, trong những năm gần đây, Khoa Quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, có vị trí quan trọng trong mô hình ĐHQGHN. Tại buổi làm việc, PGS.TS Lê Trung Thành - Trưởng khoa Quốc tế cho biết: “Hệ thống nâng cao năng suất lao động của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã đáp ứng 90% nhu cầu thiết thực của Khoa Quốc tế trong công tác quản trị và nâng cao năng suất lao động. Hơn nữa, việc triển khai hệ thống này sẽ góp phần nâng cao năng lực của cá nhân người lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cộng hưởng để phát triển cả bộ máy của Nhà trường.”

Lãnh đạo khoa Quốc tế cũng trân quý những chia sẻ chân thành, tận tâm, tinh thần dẫn dắt và đồng hành của Trường Đại học Kinh tế trong việc chuyển giao công nghệ quản trị tiên tiến tới các đơn vị thành viên của ĐHQGHN trong tâm thế của một đơn vị tiên phong thử nghiệm và đã thực hiện thành công. Trường Đại học Kinh tế chính là một điển hình trong việc đổi mới công nghệ, lan tỏa tri thức, đã được ĐHQGHN ghi nhận và đánh giá cao.

Ngoài việc chuyển giao hệ thống quản trị nâng cao năng suất lao động cho Khoa Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế đã có một số hoạt động trao đổi với các đơn vị thành viên của ĐHQGHN nhằm chuyển giao các sản phẩm trí tuệ của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của nhà Trường. Tháng 12/2017, nhận lời mời của lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN, PGS.TS.Nguyễn Trúc Lê đã có buổi tọa đàm về xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc KPIs của tới các nhân sự chủ chốt của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đây là một trong những hoạt động nhằm phát huy sức mạnh cộng hưởng của các đơn vị thành viên VNU, cùng nhau đẩy nhanh, mạnh quá trình quốc tế hóa của Đại học Quốc gia Hà Nội.

 
 Buổi làm việc đánh dấu sự hợp tác mới, hiệu quả giữa hai đơn vị trong ĐHQGHN

 Tin bài liên quan:

Hai năm liên tiếp Trường Đại học Kinh tế giữ vị trí đứng đầu trong Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Triết lý giáo dục gắn với Sứ mệnh - Đào tạo công dân toàn cầu, kiến tạo, tư duy tự lập, giữ vững bản sắc, hội tụ “Tâm Đức - Trí - Tài” phụng sự Tổ quốc

Hiệu trưởng ĐH Kinh tế truyền lửa về xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc KPIs

 

Bài và ảnh: Thùy Dung, Quang Trung - UEB Media

FullName Email
Address Security code AKXPWZ
Content