Trang Đảm bảo chất lượng
 Search

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học một số vấn đề trao đổi

Chất lượng giáo dục là vấn đề gây nhiều bàn cãi, trong đó chất lượng giáo dục đại học là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Thực sự thì chất lượng giáo dục là một khái niệm động và rất khó để tìm cho nó một định nghĩa chính xác. Tuy nhiên, việc xác định cách tiếp cận đúng đắn đối với chất lượng giáo dục là điều hết sức cần thiết.

Theo Tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học quốc tế (INQUAHE - International Network of Quality Assurance in Higher Education) thì chất lượng giáo dục đại học là “(i) Tuân theo các tiêu chuẩn quy định; (ii) Đạt được các mục tiêu đề ra”. Như vậy, có nghĩa rằng, chất lượng giáo dục đại học hoặc là phải có một bộ tiêu chuẩn về tất cả các lĩnh vực phục vụ công tác kiểm định chất lượng; hoặc là dựa trên mục tiêu của từng lĩnh vực để đánh giá. Kết hợp chúng lại, có thể nói rằng chất lượng giáo dục đại học được đánh giá, kiểm định căn cứ vào các tiêu chuẩn được lựa chọn phù hợp với mục tiêu kiểm định.

Từ những phác thảo sơ lược như vậy về chất lượng giáo dục đại học, có thể thấy rằng vấn đề này không đơn giản. Nó vừa chứa đựng các yếu tố mang tính ổn định, nhưng cũng bộc lộ những mặt, những khía cạnh rất năng động, đòi hỏi phải có bộ tiêu chuẩn, các mục tiêu đặt ra và cách đánh giá, kiểm định cũng phải đảm bảo song song tính ổn định và tính năng động tương ứng. Đối chiếu với thực tế, hiện nay ở Việt Nam vẫn tồn tại cách hiểu và cách tiếp cận chưa thực sự đúng đắn khi nhìn nhận và đánh giá về chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục đại học nói riêng. Cụ thể ở một số điểm:

 Một là, chúng ta vẫn chưa làm rõ chất lượng giáo dục đại học có bao trùm cả nội dung hiệu quả của nền giáo dục hay chưa. Công việc này là cần thiết bởi lẽ hiện tại quan niệm về chất lượng giáo dục của chúng ta cũng đồng thời là quan điểm về mục tiêu giáo dục, là nội hàm về những kiến thức, năng lực, phẩm chất mà một nền giáo dục nói chung, hay một cấp học, một bậc học cụ thể phải cung cấp, bồi dưỡng cho người học. Đánh giá chất lượng của một nền giáo dục là đánh giá xem nền giáo dục đó thực hiện đến đâu mục tiêu giáo dục của nó. Trong khi đó, nói đến hiệu quả của một nền giáo dục là nói đến tác dụng của nền giáo dục đó tới xã hội, tới đất nước mà nền giáo dục đó phục vụ. Hiệu quả của giáo dục phụ thuộc vào chất lượng giáo dục. Thế nhưng, việc đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện nay của chúng ta vẫn chưa quan tâm đúng đắn đến mối quan hệ này, nói cách khác là thiếu sự xác định ngay từ đầu khi xây dựng các mục tiêu giáo dục. Vậy nên, kết quả của những đợt kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa tạo nên sự thay đổi nào mang tính đột phá, nhất là ở khâu đối chiếu, so sánh, rút ra kết luận và có sự điều chỉnh sau kiểm định, nhằm đảm bảo một chương trình đào tạo, hay một trường, khoa nào đó đã đạt hay vượt những chuẩn mực nhất định về chất lượng, từ đó hỗ trợ trường liên tục cải tiến chất lượng. Và như thế, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học của chúng ta mới đạt đến việc đánh giá sản phẩm của chất lượng giáo dục đại học tạo ra đã đảm bảo được về khối lượng kiến thức, năng lực, phẩm chất mà mục tiêu giáo dục đặt ra, nhưng chưa kết luận được sản phẩm đó đã thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội hay chưa, và giá trị gia tăng của sản phẩm đó đối với xã hội đã được khai thác hợp lý hay chưa.

 Hai là, như trên đã nói chất lượng giáo dục đại học là vấn đề vừa mang tính ổn định vừa mang tính động. Vậy nên để đánh giá, kiểm định nó cũng đòi hỏi có bộ tiêu chuẩn và mục tiêu giáo dục hội tụ hai đặc tính trên một cách tương ứng. Thế nhưng, hiện tại Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo của Việt Nam dường như vẫn chưa xác định nội dung nào mang tính ổn định, nội dung nào mang tính đặc thù của từng lĩnh vực và nội dung nào mang tính động cần phải thay đổi khi tình hình thay đổi. Chính vì thế đã nảy sinh vấn đề các trường khác nhau rất xa về số liệu trong tiêu chuẩn đánh giá nhưng cuối cùng lại có kết luận mức độ chất lượng giống nhau. Chẳng hạn, tham gia đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong đợt đầu tiên (từ năm 2000 đến 2005), trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tự đánh giá và báo cáo đã cử được 394 lượt cán bộ viên chức tham gia hợp tác nghiên cứu với các tổ chức nước ngoài và 127 cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài; trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội có 1.284 cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng trong nước và 867 cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài; trường Đại học Cần Thơ thống kê số lượng cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong nước là 3.581 người, và đi nước ngoài 1.738 người. Dù có sự khác biệt như thế song các trường vẫn tự đánh giá như nhau là ở mức 2. Như vậy, có thể thấy rằng hoặc là Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa chuẩn, hoặc là kỹ năng đánh giá của các chuyên gia, đánh giá viên chưa đạt, từ đó ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng.

 Ba là, đặc trưng của kiểm định chất lượng là có thể tiến hành ở phạm vi trường hay chương trình đào tạo nhằm tập trung, đánh giá không chỉ các yếu tố đầu vào mà còn tập trung vào cả quá trình đào tạo và chất lượng học viên khi ra trường. Xét trong mối quan hệ biện chứng thì kiểm định cấp trường hay kiểm định chương trình đều có sự tương quan chặt chẽ với nhau. Cấp trường là địa điểm vận dụng và phục vụ kiểm định chương trình, ngược lại kiểm định chương trình hỗ trợ cho kiểm định cấp trường để thông qua đó đánh giá việc xác định và thực hiện sứ mạng, mục đích và mục tiêu của giáo dục có đúng đắn, phù hợp hay không. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy rằng sau nhiều lần cải cách, chương trình đào tạo của chúng ta vẫn chưa tìm được hướng đi thích hợp, thậm chí còn gây ra không ít lãng phí, tốn kém sau nhiều lần thay đổi. Một khi chưa đảm bảo có sự nghiên cứu chắc chắn và chính xác thì thiết nghĩ cần có sự áp dụng thử nghiệm trên một quy mô nhỏ nào đó, sau đó mới áp dụng rộng rãi. Nếu ngay chính chương trình đào tạo có vấn đề thì không đơn giản tác động đến một yếu tố mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình đào tạo lẫn chất lượng học sinh, sinh viên; ảnh hưởng đến sản phẩm của chính nền giáo dục.

 Qua đó, cho thấy việc tập trung nghiên cứu để xác định và xây dựng chiến lược cùng lộ trình thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện nay là điều hết sức cần thiết. Ở góc độ cá nhân, tác giả xin trao đổi một số ý kiến như sau:

 Thứ nhất, cần làm rõ hơn khái niệm chất lượng giáo dục đại học, trong đó xác định đúng đắn mối quan hệ giữa chất lượng giáo dục đại học với hiệu quả của nền giáo dục. Từ đó, liên kết với việc bổ sung, điều chỉnh Bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xây dựng các tiêu chí đánh giá thực sự hướng về chất lượng giáo dục, chứ không chỉ thiên về đánh giá hiệu quả công tác quản lý giáo dục của các trường như Bộ tiêu chuẩn đang thể hiện.

 Thứ hai, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học hoàn thiện hơn, trong đó phải xác định mục tiêu giáo dục trên cơ sở nghiên cứu tính ổn định kết hợp với tính động của chất lượng giáo dục đại học.

 Thứ ba, cần chú trọng công tác tự đánh giá của các trường, nhất là việc thu thập, xử lý thông tin, minh chứng; xác định mức độ phù hợp của minh chứng với nội hàm của mỗi tiêu chí. Muốn vậy, công tác lưu trữ dữ liệu phải được thực hiện tốt. Việc điều tra, khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của người học, người dạy, cán bộ quản lý, nhà tuyển dụng phải được chú ý và đầu tư thỏa đáng. Bởi lẽ, thông qua tự đánh giá nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng nên quá trình này không chỉ có đánh giá thực trạng mà phải bao gồm cả quá trình cải tiến chất lượng. Một khi thực trạng và chất lượng trường Đại học được đánh giá đúng đắn, thì biện pháp khắc phục được đưa ra mới đảm bảo khách quan, phù hợp, thực tế và có tính khả thi.

 Thứ tư, việc thực hiện các nội dung trên của kiểm định chất lượng giáo dục đại học cần gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng chiến lược, lộ trình chấn hưng nền giáo dục trong tình hình mới. Hiện nay Bộ Giáo dục & Đào tạo đã dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2008 - 2020 và hướng tới triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc chưa được giải quyết một cách thỏa đáng, tạo nên tâm lý nghi ngờ về những chỉ tiêu và lộ trình thực hiện của chiến lược. Thiết nghĩ, trong bối cảnh các trường Đại học đang chưa được đánh giá và có kết luận chính xác về chất lượng; một số trường đại học, cao đẳng đang thi nhau thành lập một cách tự do và thiếu cơ sở như hiện nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải cẩn trọng hơn trong việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, lộ trình thực hiện cũng như làm tốt công tác đánh giá chất lượng giáo dục nói chung và kiểm định chất lượng giáo dục đại học nói riêng nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trong chấn hưng nền giáo dục nước nhà./.


Nguyễn Thị Hiền Lương (Cán bộ phòng XDLL - Trường Đại học CSND)

FullName Email
Address Security code UMDBHB
Content