Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Toạ đàm khoa học “Chuyển đổi phương thức đào tạo tín chỉ cho chương trình sau đại học chuyên ngành Kinh tế Thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế”

Ngày 28/3/2008 vừa qua, Khoa Kinh tế Quốc tế Trường ĐHKT đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Chuyển đổi phương thức đào tạo tín chỉ cho chương trình sau đại học chuyên ngành Kinh tế Thế giới và Quan hệ Kinh tế Quốc tế” dưới sự chủ trì của TS. Khu Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm khoa.

Tới tham dự buổi toạ đàm có đại diện Phòng Đào tạo và NCKH, các cộng tác viên tham gia giảng dạy chương trình đào tạo sau đại học, các chuyên viên cùng toàn bộ các cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT.
Mở đầu buổi toạ đàm, TS. Khu Thị Tuyết Mai nhấn mạnh với việc thành lập Trường Đại học Kinh tế vào năm 2007, Khoa Kinh tế Quốc tế (Bộ môn Kinh tế Thế giới & Quan hệ Kinh tế Quốc tế trước đây) đã tiếp nhận nhiệm vụ triển khai các chương trình đào tạo SĐH, đồng thời phối hợp với nhà trường để tổ chức quản lý các chương trình đào tạo SĐH trong nước cũng như các chương trình liên kết đào tạo SĐH với các trường nước ngoài trong lĩnh vực Kinh tế Đối ngoại. Do đó việc hoàn thiện khung chương trình đào tạo, biên soạn đề cương môn học và giảng dạy theo phương thức tín chỉ được coi là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại Khoa.
Trong phần nội dung chính của buổi toạ đàm, ThS. Nguyễn Thị Thư, Phó trưởng Phòng ĐT&NCKH đã có những hướng dẫn khá cụ thể về công tác biên soạn đề cương chi tiết môn học - một công việc quan trọng, có vai trò lớn trong việc tổ chức thành công đào tạo theo phương thức tín chỉ ở bậc SĐH.
Tại phần thảo luận, TS. Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng khi chuyển đổi sang phương thức đào tạo tín chỉ Nhà trường cần phải có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên, tạo điều kiện để các cán bộ giảng viên có cơ hội học tập, cập nhật thông tin chuyên ngành và tham gia tích cực hoạt động nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. TS. Nguyễn Xuân Thiên – Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế cũng nhấn mạnh thêm về việc hoàn thiện những điều kiện cơ sở vật chất như phòng làm việc riêng cho giáo viên, phương tiện Internet, trang bị học liệu tham khảo cho học viên, sinh viên,… để đáp ứng việc đào tạo theo phương thức tín chỉ của nhà trường nói chung và của Khoa nói riêng.
Tiếp đó PGS.TS Đỗ Đức Định cũng chia sẻ về những kinh nghiệm đào tạo theo phương thức tín chỉ của nền giáo dục tại các quốc gia tiên tiến, theo PGS.TS Đỗ Đức Định, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế là phương hướng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo SĐH. Đồng tình với quan điểm về phát triển hợp tác quốc tế, TS. Lê Ái Lâm nhấn mạnh Nhà trường và Khoa cần chủ động tiếp thu, học hỏi các chương trình đào tạo tiên tiến, tiếp nhận công nghệ đào tạo, công nghệ quản lý hiện đại, phát triển các dự án do nước ngoài cấp bằng nhưng học tập ở trong nước, phát triển các hình thức đào tạo liên thông giữa nhà trường với các trường đại học danh tiếng ở các nước trên thế giới và trong khu vực, thu hút các học viên quốc tế đến Việt Nam và gửi cán bộ giảng viên ra nước ngoài.
Trong lời phát biểu kết thúc, TS. Khu Thị Tuyết Mai đã đánh giá đây là một buổi toạ đàm khoa học có ý nghĩa thiết thực, giúp cho các cán bộ giảng dạy hoàn thiện việc biên soạn các đề cương môn học theo phương thức tín chỉ đồng thời đưa ra những giải pháp khuyến nghị để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho chương trình đào tạo SĐH của Khoa Kinh tế Quốc tế.

Tin: Bảo Ngọc - Ảnh: Phạm Diệp

FullName Email
Address Security code FSNTNL
Content