Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Tăng giá điện: Đông Nam Bộ ảnh hưởng nặng nhất

Ảnh hưởng trực tiếp từ tăng giá điện đến hộ gia đình là ngân sách giảm đi và sức mua bị suy yếu. Phân theo vùng địa lý và cơ cấu tiêu thụ điện, thì các hộ dân ở Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng nặng nhất.

Dựa trên kết quả phân rã cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình từ kết quả điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006 để đánh giá mức độ suy giảm sức mua do tác động trực tiếp của việc tăng giá điện, nhóm nghiên cứu chia đều làm 5 nhóm hộ sắp xếp theo thu nhập lần lượt là các nhóm hộ nghèo, cận nghèo, trung bình, khá và giàu, đồng thời có sự xem xét so sánh giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng địa lý trong cả nước.
Hai ảnh hưởng chính
Theo nhóm nghiên cứu, ảnh hưởng của việc tăng giá điện có tác động tương tự như với giá xăng dầu, mà khung khổ đã được phản ánh trong một nghiên cứu gần đây (đã công bố trên SGTT ngày 23.7.2008). Có thể nói tóm tắt về hai ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến mức giá chung trong ngắn hạn. Ảnh hưởng thứ nhất mang tính trực tiếp, bắt nguồn từ chính sự tăng giá của mặt hàng điện, khiến ngân sách hộ gia đình bị giảm đi tương đối một cách trực tiếp. Ảnh hưởng thứ hai mang tính gián tiếp, do sự tăng lên sau đó của tất cả các ngành sản xuất có điện là đầu vào, kết quả là tạo nên một vòng xoáy tăng giá ở tất cả các mặt hàng, khiến sức mua của hộ gia đình bị suy yếu.
Tuy nhiên, đối với khu vực nông thôn, điều đặc biệt diễn ra là tỷ trọng điện lại cao ở hộ nghèo. Điều đó cho thấy ở khu vực nông thôn, điện lại có tính chất của hàng hoá thiết yếu: người ta buộc phải sử dụng một lượng nhất định, mà không nhất thiết phụ thuộc vào thu nhập của họ. Do đó, việc tăng giá điện sẽ gây ảnh hưởng mạnh nhất đến hộ nghèo ở nông thôn theo hai cơ chế sau: trực tiếp làm suy giảm ngân sách do giá điện tăng, và gián tiếp làm suy giảm mức sống chung do lạm phát. Ngoài ra, việc tăng giá điện ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, nếu không có bù đắp hay hỗ trợ thích đáng, sẽ làm giảm tiến trình điện khí hoá nông thôn, có thể gây ra những hệ luỵ khác trong quá trình phát triển tổng thể.
Tác động trực tiếp của việc tăng giá điện ít nhiều làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối giữa nông thôn và thành thị do tỷ trọng tiêu dùng điện trong tổng thu nhập của dân thành thị cao hơn. Tuy nhiên, việc tăng giá điện không có tác dụng làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối trong nội tại của từng khu vực. Thậm chí, khoảng cách giàu nghèo tương đối ở khu vực nông thôn lại có xu hướng gia tăng.
Vùng Đông Nam Bộ: ảnh hưởng nặng nhất
Từ cấu trúc tỷ lệ chi tiêu điện bình quân hộ giữa các vùng và kết quả tính toán mức suy thoái sức mua của ngân sách hộ gia đình có thể thấy hai khu vực giàu có nhất là Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ là hai khu vực sẽ chịu tác động trực tiếp mạnh nhất từ việc tăng giá điện với mức suy thoái sức mua của ngân sách hộ từ 0,6% đến 0,7%, hay có thể nói một cách gần đúng là tác động trực tiếp của việc tăng giá điện làm cho CPI của hai khu vực này tương ứng là 0,6% và 0,7%.
Khu vực Tây Bắc chịu tác động trực tiếp ít nhất do là khu vực mà các hộ có tỷ lệ chi tiêu cho điện trong tổng ngân sách chi tiêu của hộ là thấp nhất và cũng vùng là có tỷ lệ số hộ có dùng điện thấp nhất. Tác động trực tiếp chung cho cả vùng là sức mua của hộ gia đình giảm trung bình khoảng 0,32%, nhưng tính riêng sự suy giảm sức mua của các hộ có dùng điện của vùng này thì con số đó lên đến 0,41%. Các khu vực còn lại có mức suy giảm sức mua của hộ gia đình là tương đối xấp xỉ nhau ở mức từ 0,44 đến 0,53% (nằm dưới mức suy giảm trung bình của cả nước).
Nông thôn: gia tăng khoảng cách giàu nghèo
Kết quả dựa trên giả định tăng giá điện lên thêm 20%, thì tác động trực tiếp của sự tăng giá này là sức mua chung của ngân sách các hộ gia đình trong cả nước giảm đi khoảng 0,53%, hay ảnh hưởng tức thời tương đương với việc CPI tăng thêm 0,53%. Ảnh hưởng nặng nề từ việc tăng giá là các hộ thuộc nhóm giàu. Các hộ nghèo và cận nghèo có dùng điện bị ảnh hưởng mạnh hơn chút ít so với các hộ thuộc nhóm trung bình và khá.
Ở cả hai khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn thì nhóm hộ nghèo bị tổn thương nhiều nhất từ tác động trực tiếp (Xem biểu đồ 6). Ở khu vực nông thôn thấy rõ các hộ càng nghèo thì lại càng bị tổn thương nhiều từ tác động trực tiếp của việc tăng giá điện, trong khi ở khu vực thành thị thì các nhóm hộ nghèo, khá và giàu cùng chịu mức tổn thương xấp xỉ nhau và tổn thương hơn hai nhóm hộ còn lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hai nhóm hộ giàu ở nông thôn và thành thị chịu các tác động tương đối so với các nhóm hộ khác là trái ngược nhau. Trong khi nhóm hộ giàu ở khu vực thành thị chịu tổn thất ở mức gần cao nhất thì nhóm hộ giàu ở khu vực nông thôn lại chịu tổn thất ít nhất. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với hai nhóm hộ khá ở hai khu vực.
Ảnh hưởng trực tiếp lên các nhóm hộ gia đình trong cả nước
Biểu đồ 2 và Biểu đồ 3 cho biết mức độ chi tiêu điện bình quân, tỷ lệ chi tiêu về điện trong ngân sách của các nhóm hộ gia đình, và tỷ lệ số hộ gia đình có sử dụng điện.
Biểu đồ 2: Chi tiêu điện bình quân và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện phân theo nhóm hộ
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006
Có thể thấy, tỷ lệ số hộ có sử dụng điện trong cả nước là khoảng 95%, trong đó nhóm hộ trung bình, khá và nhóm hộ giàu gần như 100% tiêu dùng điện. Nhóm hộ nghèo chỉ có khoảng 83,56% số hộ tiêu dùng điện. Do tỷ lệ số hộ dùng điện trong cả nước là khá cao (đạt khoảng 95%), nên nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào các hộ có tiêu dùng điện và coi đó là đại diện cho tất cả các hộ để có sự đánh giá mức tăng CPI (hay sự suy giảm sức mua của ngân sách hộ gia đình).
Biểu đồ 3: Tỷ lệ chi tiêu cho điện và tỷ lệ số hộ sử dụng điện theo nhóm hộ gia đình
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006
Với giả định chính phủ tăng giá điện lên 20%, thì tác động trực tiếp của sự tăng giá này là sức mua chung của ngân sách các hộ gia đình trong cả nước giảm đi khoảng 0,53%, hay ảnh hưởng tức thời tương đương với việc CPI tăng thêm 0,53%. Tuy nhiên, con số này chỉ là đại diện chung cho toàn bộ nền kinh tế. Thực tế biểu đồ 3 cho thấy các hộ gia đình ở các mức thu nhập khác nhau thì chi tiêu cho điện cũng khác nhau. Do đó, sự tăng giá điện có ảnh hưởng nặng nề hơn đối với các hộ thuộc nhóm giàu. Các hộ nghèo và cận nghèo có dùng điện bị ảnh hưởng mạnh hơn chút ít so với các hộ thuộc nhóm trung bình và khá. Biểu đồ 3 cho chúng ta thấy rõ hơn về các tác động này.
Biểu đồ 4: Sự suy giảm sức mua của các nhóm hộ gia đình do tác động của tăng giá điện
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006
Ảnh hưởng trực tiếp lên khu vực nông thôn và thành thị
Chúng ta tiếp tục so sánh các tác động của tăng giá điện đến các nhóm hộ chia theo khu vực nông thôn và thành thị. Biểu đồ 5 cho chúng ta bức tranh về mức độ chi tiêu về điện và tỷ lệ chi tiêu điện trong tổng chi tiêu của các nhóm hộ gia đình có tiêu dùng điện. Có thể thấy mức độ chi tiêu cho điện là rất khác nhau giữa nông thôn và thành thị và cũng đặc biệt khác nhau giữa các nhóm hộ. Tỷ lệ chi tiêu điện giữa nông thôn và thành thị cũng rất khác nhau về mức độ và thứ tự của các nhóm hộ. Do đó tác động của tăng giá điện sẽ khác nhau giữa nông thôn và thành thị theo dạng đúng với sự khác nhau trong cấu trúc chi tiêu cho điện.
Biểu đồ 5: Chi tiêu điện và tỷ lệ chi tiêu điện trong tổng chi tiêu các hộ gia đình phân theo nông thôn và thành thị
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006
Biểu đồ 6 thể hiện sự suy giảm sức mua của các nhóm hộ gia đình có tiêu dùng điện ở nông thôn và thành thị. Như vậy, việc tăng giá điện làm các nhóm hộ gia đình ở khu vực thành thị thiệt hại nhiều hơn do tỷ trọng chi tiêu về điện ở thành thị cao hơn nông thôn. Ở cả hai khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn thì nhóm hộ nghèo bị tổn thương nhiều nhất từ tác động trực tiếp. Ở khu vực nông thôn thấy rõ các hộ càng nghèo thì lại càng bị tổn thương nhiều từ tác động trực tiếp của việc tăng giá điện, trong khi ở khu vực thành thị thì các nhóm hộ nghèo, khá và giàu cùng chịu mức tổn thương xấp xỉ nhau và tổn thương hơn hai nhóm hộ còn lại. Một điều khá thú vị là có thể thấy hai nhóm hộ giàu ở nông thôn và thành thị chịu các tác động tương đối so với các nhóm hộ khác là trái ngược nhau. Trong khi nhóm hộ giàu ở khu vực thành thị chịu tổn thất ở mức gần cao nhất thì nhóm hộ giàu ở khu vực nông thôn lại chịu tổn thất ít nhất. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với hai nhóm hộ khá ở hai khu vực.
Biểu đồ 6: Sự suy giảm sức mua của các nhóm hộ gia đình có dùng điện do tác động của tăng giá điện
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006
Xét về khía cạnh xã hội, có thể rút ra là tác động trực tiếp của việc tăng giá điện ít nhiều làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối giữa nông thôn và thành thị, nhưng không có tác dụng làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối trong nội tại của từng khu vực. Mà thậm chí, khoảng cách giàu nghèo tương đối ở khu vực nông thôn lại có xu hướng gia tăng cho từng cặp hai nhóm hộ. Đây là vấn đề cần lưu ý trong khi thực hiện chiến lược chống bất bình đẳng trong phân phối thu nhập.
Ảnh hưởng trực tiếp theo các vùng địa lý
Chúng ta tiếp tục xem xét và so sánh tác động trực tiếp của tăng giá điện đến các hộ gia đình chia theo các vùng địa lý và kinh tế chiến lược của cả nước. Từ biểu đồ 7 có thể thấy khu vực Đông Nam Bộ thể hiện là khu vực có nhu cầu sử dụng điện nổi trội hơn hẳn so với các khu vực khác, khi chi tiêu điện bình quân của hộ cao gấp từ 2 đến 5 lần so với mức chi tiêu điện bình quân hộ của các khu vực khác, đồng thời tỷ lệ số hộ sử dụng điện đạt mức 97,14%. Trong khi đó khu vực Tây Bắc thể hiện là khu vực nghèo nàn khi mức chi tiêu điện bình quân hộ trong năm là khá thấp, chỉ đạt trên dưới 300 nghìn đồng/năm và tỷ lệ số hộ có sử dụng điện chỉ đạt mức 70,86%.
Biểu đồ 7: Chi tiêu điện bình quân và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện theo các vùng địa lý
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006
Tỷ lệ chi tiêu điện bình quân hộ theo các vùng địa lý trong biểu đồ 8 cho thấy có sự đồng đều hơn so với mức độ chi tiêu, nhưng nhìn chung thứ tự mức độ chi tiêu giữa hai tiêu chí trong hai biểu đồ 8 và 9 là khá nhất quán, ngoại trừ trường hợp của hai vùng Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ. Mức độ chi tiêu và tỷ lệ chi tiêu điện bình quân hộ giữa các vùng không đồng đều cũng đến tác động của việc tăng giá điện lên các vùng cũng sẽ không đồng đều.
Biểu đồ 8: Tỷ lệ chi tiêu điện bình quân hộ và tỷ lệ số hộ sử dụng điện theo vùng địa lý
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006.
Từ cấu trúc tỷ lệ chi tiêu điện bình quân hộ giữa các vùng và kết quả tính toán mức suy thoái sức mua của ngân sách hộ gia đình, có thể thấy hai khu vực giàu có nhất là Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ là hai khu vực sẽ chịu tác động trực tiếp mạnh nhất từ việc tăng giá điện với mức suy thoái sức mua của ngân sách hộ từ 0,6% đến 0,7%; hay có thể nói một cách gần đúng là tác động trực tiếp của việc tăng giá điện làm cho CPI của hai khu vực này tương ứng là 0,6% và 0,7%. Khu vực Tây Bắc chịu tác động trực tiếp ít nhất do là khu vực mà các hộ có tỷ lệ chi tiêu cho điện trong tổng ngân sách chi tiêu của hộ là thấp nhất và cũng vùng là có tỷ lệ số hộ có dùng điện thấp nhất. Tác động trực tiếp chung cho cả vùng là sức mua của hộ gia đình giảm trung bình khoảng 0,32%, nhưng tính riêng sự suy giảm sức mua của các hộ có dùng điện của vùng này thì con số đó lên đến 0,41%. Các khu vực còn lại có mức suy giảm sức mua của hộ gia đình là tương đối xấp xỉ nhau, ở mức từ 0,44 đến 0,53% (nằm dưới mức suy giảm trung bình của cả nước).
Biểu đồ 9: Sự suy giảm sức mua của các hộ gia đình do tác động của tăng giá điện phân theo vùng điạ lý. Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006.
Nhìn chung về mặt xã hội, tác động trực tiếp của việc tăng giá điện có xu hướng làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối giữa các vùng.
Tiếp theo, chúng ta xem xét tác động trực tiếp của tăng giá điện đến các hộ gia đình dưới góc độ nhìn vào khu vực nông thôn và thành thị ở các vùng địa lý. Biểu đồ 10 cho chúng ta thấy một bức tranh khá chênh lệch về mức độ chi tiêu điện và tỷ lệ chi tiêu cho điện trung bình theo hộ gia đình giữa khu vực nông thôn và thành thị ở tất cả các vùng. Nhìn chung mức chi tiêu về điện bình quân hộ gia đình ở khu vực thành thị cao gấp từ 1,5 đến 3 lần mức chi ở nông thôn. Tỷ trọng chi tiêu bình quân cho điện của các hộ ở khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn (ngoại trừ trường hợp của Tây Nguyên thì mức tỷ trọng của nông thôn cao hơn thành thị một chút). Hai khu vực đô thị ở Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ thể hiện rõ là hai khu vực có nhu cầu sử dụng điện rất cao, đặc biệt là đô thị vùng Đông Nam Bộ, nơi có thành phố Hồ Chi Minh và các tỉnh thành khác đang rất phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, v.v.
Biểu đồ 10: Mức chi và tỷ lệ chi tiêu điện bình quân của các hộ có dùng điện ở nông thôn và thành thị chia theo vùng địa lý
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS2006.
Do tỷ lệ chi tiêu về điện trong tổng chi tiêu của hộ gia đình ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng và khu vực Đông Nam Bộ là cao nhất nên hai khu vực này chịu tác động trực tiếp mạnh nhất từ việc tăng giá điện. Khu vực Tây Bắc là khu vực chịu tác động ít nhất, đặc biệt là khu vùng nông thôn. Nhìn chung vùng thành thị ở các khu vực chịu tác động mạnh hơn khu vực nông thôn, ngoại trừ vùng Tây Nguyên thì tác động giữa nông thôn và thành thị là xấp xỉ nhau (Biểu đồ 11).
Về mặt xã hội, có thể thấy tác động trực tiếp của việc tăng giá điện ít nhiều làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối giữa nông thôn và thành thị ở các vùng cũng như trong cả nước, và cũng làm giảm khoảng cách giàu nghèo tương đối giữa các vùng địa lý, mặc dù việc tăng giá làm xói mòn sức mua của tất cả các hộ gia đình.
Biểu đồ 11: Sự suy giảm sức mua của các hộ gia đình ở nông thôn và thành thị do tác động của tăng giá điện, phân theo vùng điạ lý
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu điều tra mức sống dân cư VHLSS 2006


Nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code SVTDDX
Content