Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Việt Nam cần một chiến lược quốc gia mới

Giáo sư Michael Porter
Việt Nam đã đạt được mức độ tăng trưởng ấn tượng trong hai thập niên qua. Thế nhưng, cải cách về tổng thể, vẫn nhỏ lẻ và có tính phản ứng thụ động, chưa đủ để đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình. Chiến lược quốc gia cơ bản của Việt Nam hiện nay vẫn là khai thác thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực rẻ.

Đây là nhận định của ông Michael Porter, giáo sư có tiếng của trường Đại học Harvard (Mỹ), đã viết nhiều cuốn sách về xây dựng chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp và các quốc gia. Bảng xếp hạng “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” là do ông chủ trì, vì vậy, buổi nói chuyện của ông Porter do viện Đào tạo giám đốc PACE tổ chức tại TP.HCM ngày 1.12 đã thu hút gần 700 đại diện doanh nghiệp, trí thức và quan chức nhà nước tham dự.
Ông Porter không đưa ra chiến lược cho nền kinh tế Việt Nam, cũng không đưa ra được bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, những phân tích lý thuyết xác đáng, những số liệu mà ông thu thập được, cho thấy Việt Nam đang thiếu chiến lược quốc gia dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển lâu dài, xác định vị trí vững chắc của mình ở khu vực.
Về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất như Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Argentina, Latvia... nhưng về mức độ thịnh vượng, thì vẫn thuộc nhóm những nước nghèo nhất với tổng tăng trưởng quốc nội (GDP) trên đầu người xấp xỉ 3.000 USD/năm (tính theo sức mua tương đương). Tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động trên dân số của Việt Nam cao thuộc loại nhất nhì trên thế giới, nhưng năng suất lao động (tính theo tỷ lệ đóng góp vào GDP trên mỗi người lao động) so sánh với các quốc gia khác, lại thuộc vào những nước thấp nhất. Ông Porter phân tích rằng Việt Nam đang bán rất rẻ lao động của mình.
Việt Nam là một trong những nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trong năm năm qua, trung bình bằng 60% của GDP. Nhưng theo ông Porter, chúng ta chưa hẳn đang thu hút đúng nguồn đầu tư. “FDI đổ vào tiêu dùng, nhà đất có xu hướng tạo ra bong bóng cho nền kinh tế, và dẫn đến vỡ bong bóng thị trường”, ông cho biết. Tương tự, FDI đổ vào các nhà máy sử dụng nhiều lao động giải quyết được vấn đề lao động trước mắt, nhưng không giải quyết được bài toán chiến lược lâu dài của nền kinh tế.
Kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào xuất khẩu: theo số liệu 2007, xuất khẩu chiếm 80% của GDP (nhập khấu cũng cao tương tự), và tỷ lệ tăng với tốc độ trên 25% trong vòng năm năm qua. Việt Nam đang chủ yếu xuất khẩu nguồn tài nguyên. Các ngành xuất khẩu lớn nhất là: dầu thô, thuỷ hải sản và da giày, may mặc, tức là tài nguyên và nguồn nhân lực rẻ. Trong khi đó, so sánh về tương quan mức lương tối thiểu, thì Việt Nam là một trong những nước có mức lương thấp nhất, thậm chí còn thấp hơn cả Campuchia và Indonesia.
Ông Porter cho rằng, tính cạnh tranh quốc gia phụ thuộc vào năng suất của quốc gia trong việc sử dụng nguồn lực con người, tài nguyên và vốn. Theo xếp hạng năm 2008 của 130 quốc gia, thì Việt Nam đứng hạng thứ 102 về tăng trưởng GDP trên đầu người, và thứ 76 về tính cạnh tranh toàn cầu mới. Những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đang chuyển biến tốt là hạ tầng viễn thông, và tính cạnh tranh giữa các địa phương với nhau. Trong khi đó, những phần được cho là yếu điếm là: doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, và còn quá nhiều hàng rào mậu dịch. Hạ tầng điện, tài chính, cũng như hạ tầng cơ sở đều còn kém. Việt Nam hiện đang xếp hạng thứ 67 về mặt chi phí kinh doanh.
Ông Porter cho rằng ưu tiên hàng đầu của Việt Nam phải là tiếp tục giảm tham nhũng. “Tình trạng tham nhũng đang làm cho mọi người trong xã hội mất tiền,” ông nói. Bên cạnh đó là cải thiện cơ sở hạ tầng, cải tiến thị trường tài chính và tăng tính hấp dẫn của cơ chế pháp lý. Những cải tiến căn bản mà Việt Nam phải thực hiện là phát triển nguồn lực con người ở mọi cấp độ, cải tiến doanh nghiệp nhà nước và phát triển các nhóm ngành.
Về căn bản, chuyên gia hàng đầu thế giới về chiến lược cho rằng, Việt Nam phải đưa ra một chiến lược kinh tế quốc gia dựa trên đề xuất cơ bản về giá trị quốc gia: Lợi thế cạnh tranh độc nhất vô nhị của Việt Nam, dựa trên vị trí, di sản truyền thống và thế mạnh tiềm năng là gì? Vai trò đối với láng giềng, trong khu vực và trên thế giới là gì? Từ đó, Việt Nam mới xây dựng nên một chiến lược lâu dài và đặt ra các ưu tiên phát triển nó.
Khi được hỏi lợi thế cạnh tranh đặc biệt của Việt Nam là gì? Ông Porter trả lời ngay: “Tôi không biết.” Đây rõ ràng là việc mà chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng với nhau tìm ra.


(theo Sài Gòn tiếp thị)

FullName Email
Address Security code UBCHAJ
Content