Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Tọa đàm "Một phần tư thế kỷ thăng trầm kinh tế VN": Gần 100 cuộc "phá rào"..

Ảnh: Thúy Phạm
“Vào đêm trước đổi mới, ở VN có gần 100 cuộc phá rào trong kinh tế. Qua việc tập trung nghiên cứu 20 cuộc phá rào tiêu biểu cho thấy đây là con đường khá đặc thù của VN trong so sánh quốc tế” - nhà nghiên cứu Đặng Phong phát biểu như trên tại cuộc tọa đàm “Một phần tư thế kỷ thăng trầm kinh tế VN”.

Cuộc tọa đàm do Nhà xuất bản Tri Thức cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 9/12/2009.
Trong những đặc thù của “phá rào”, có số phận của chính những người thực hiện “phá rào”, không phải ai cũng gặp chuyện như ông Kim Ngọc (nguyên bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc).
Thực tế nhiều người thực hiện “phá rào” không những không bị kỷ luật mà còn được đề bạt, hay nói cách khác lẽ ra bị “thổi còi” nhưng sau đó lại được “cầm còi” như: ông Đoàn Duy Thành, với khoán ở Hải Phòng, từ bí thư Thành ủy Hải Phòng lên trung ương làm bộ trưởng Bộ Ngoại thương và sau đó là phó thủ tướng; ông Nguyễn Văn Chính, với việc bỏ tem phiếu và chuyển sang cơ chế một giá, từ bí thư Tỉnh ủy Long An lên làm bộ trưởng Bộ Lương thực và sau đó là phó thủ tướng; ông Võ Văn Kiệt, người ủng hộ nhiều cuộc “phá rào” ở miền Nam, từ bí thư Thành ủy TP.HCM ra Hà Nội làm phó thủ tướng, chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước và sau đó là thủ tướng...
Kết quả “phá rào” được thực tế chứng minh là tích cực thì sau đó được trung ương nhận thức và chấp nhận, chuyển thành chính sách chung của cả nước. Đây cũng chính là một con đường khá đặc thù của VN.
Mặc dù sự tích cực của “phá rào” đã được lịch sử chứng minh. Tuy nhiên, ông Đặng Phong cho rằng mặt khác của vấn đề là phải dùng đến biện pháp phá rào thì ngoài những kết quả tích cực cũng khó tránh khỏi một hệ quả tiêu cực là làm suy giảm hiệu lực của kỷ cương, làm tăng tính tự phát và tạo ra thói quen tùy tiện.
Có những tìm tòi lúc đầu đúng hướng nhưng sau đó khi cơ chế chính sách đã sửa đổi, mà cứ đi tiếp theo hướng tự phát rất có thể lại mắc phải những sai lầm, tiêu cực, thậm chí sa vào vòng lao lý... “Vấn đề hiện nay không phải là phá rào mà phải có hàng rào tốt hơn. Phải thiết kế được những hàng rào mới để chống tiêu cực, chống tham nhũng... góp phần phát triển đất nước” - ông Đặng Phong nói.

V.V.THÀNH (TTO)

FullName Email
Address Security code EPTWLZ
Content