Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Đôi điều chia sẻ về NCKH sinh viên (phần 1)

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên (NCKHSV) là một trong những hoạt động mang tính truyền thống và là thế mạnh của trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN. Những năm năm gần đây (2007-2010), sinh viên (SV) Trường ĐHKT đạt được nhiều giải thưởng cao của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải thưởng Vifotech của TW Đoàn,…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược trở thành đại học định hướng nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế đã đầu tư hiệu quả cho hoạt động NCKH SV bởi thực tế, tương lai sẽ thiếu vắng những nhà nghiên cứu lớn trong lĩnh vực khoa học kinh tế và kinh doanh nếu không đầu tư, khơi nguồn sáng tạo và đam mê NCKH cho SV, khởi đầu bằng niềm say mê với công việc tìm tòi nghiên cứu trên giảng đường đại học.
Bài viết này không có tham vọng đi sâu phân tích, luận bàn về phương pháp nghiên cứu khoa học hoặc đánh giá tổng kết hoạt động NCKHSV mà chỉ nêu ra vài suy nghĩ tản mạn xung quanh vấn đề cụ thể về NCKHSV để các đồng nghiệp, các giảng viên trẻ, SV cùng trao đổi.
1/ Nhận thức về hoạt động NCKHSV
Khoa học kinh tế là một trong những ngành khoa học xã hội, cũng như những ngành khoa học xã hộivà nhân văn khác, kết quả nghiên cứu trong khoa học kinh tế có thể được nhìn nhận, đánh giá theo những quan điểm khác nhau nhiều lúc trái ngược nhau tại mỗi thời điểm cụ thể, Ngoài ra, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn không như khoa học tự nhiên, hiệu quả mang lại không tức thì và rõ ràng. Trong suy nghĩ của đa số SV là chỉ có các ngành tự nhiên mới là khoa học vì vậy phần lớn SV không mặn mà với việc nghiên cứu trong lĩnh vựckhoa học xã hội.

Một số SV khác nghĩ rằng NCKH chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu “cây đa cây đề” ở các Viện nghiên cứu mà không phải là công việc của một SV bình thường. Số còn lại coi NCKH như một công tác xã hội, một phong trào nhằm mang điểm thi đua về cho Chi đoàn, cho lớp và cho Khoa.

Niềm say mê nghiên cứu của SV không được khơi nguồn, bởi trong quá trình giảng dạy,  giảng viên với phương pháp thuyết trình đã vắt kiệt những kiến thức và hiểu biết của mình truyền đạt cho SV. SV tiếp nhận kiến thức ấy như là một chuẩn mực duy nhất đúng và đã là tận cùng mà hầu như không còn vấn đề gì phải suy nghĩ, phát triển hoặc tìm tòi nghiên cứu. Sự độc lập và khả năng suy nghĩ, sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu của SV dần dần thay thế bằng sự tiếp thu bị động.
2/ Về hình thức tổ chức NCKHSV
Xuất phát từ nhận thức rằng NCKHSV mang tính thời vụ (mỗi năm 1 lần) dành riêng cho SV năm thứ 3 &4 (có thể SV năm thứ 2) và chỉ gói gọn trong khuôn khổ thực hiện một đề tài khoảng 40-60 trang, nộp cho Phòng NCKH &HTPT hoặc bảo cáo trước Hội đồng khoa học. Hoạt động NCKH cần phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn bao gồm những công việc tìm tòi nghiên cứu như việc chuẩn bị một báo cáo cho buổi thảo luận, tóm tắt một bài báo, cuốn sách; nhận xét khoa học; bài báo khoa học và cũng có thể ở cấp độ cao hơn là một công trình nghiên cứu, khoá luận, tiểu luận, luận án, giáo trình... Vì vậy, hoạt động NCKHSV là hoạt động thường xuyên, liên tục, xuyên suốt và gắn liền với nhiệm vụ học tập của mỗi SV. Tùy vào khả năng điều kiện của mỗi SV mà có các hình thức tham gia thích hợp. NCKHSV có chất lượng, hiệu quả không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của riêng Phòng NCKH&HTPT mà còn là công việc của từng giảng viên, từng Tổ bộ môn, từng Khoa.
Có lẽ hiệu quả hoạt động NCKHSV sẽ cao hơn nếu đa dạng hoá hoạt động nghiên cứu của SV như tổ chức những buổi thảo luận về những chuyên đề, xây dựng nội san, diễn đàn khoa học SV ở mỗi Khoa... hoặc một hình thức nào đó tương tự để SV có thể “trình làng” những bài viết, những tìm tòi phát hiện của mình trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Sẽ không có những công trình NCKHSV có chất lượng nếu không có sự say mê, tìm tòi nghiên cứu và những khởi đầu nhỏ bé, giản đơn này.

Mô hình Câu lạc bộ Kinh tế trẻ (YEC) với các hoạt động giao lưu, Hội thảo giữa SV của trường ĐHKT với SV các trường đại học khối kinh tế trong thời gian qua tỏ ra rất hữu hiệu trong việc thiết kế một sân chơi mang tính khoa học.
3/ Về định hướng đề tài nghiên cứu và chọn đề tài
Chọn đề tài là khâu quyết định thành công trong NCKH. Điểm lại những đề tài NCKH của SV trong thời gian qua phần lớn mang tính cấp thiết, mới, vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế xã hội và những biến động kinh tế, vấn đề của các doanh nghiệp  ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập…; Những vấn đề SV đề cập phần nhiều về chính sách kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô như tỷ giá, khủng hoảng kinh tế, lạm phát, vấn đề di dân, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư của Việt Nam, vấn đề định giá thương hiệu, xây dựng mô hình thương hiệu, vai trò của tầng lớp trung lưu, sự ảnh hưởng của đồng USD và giá dầu thô tới giá vàng, gia công xuất khẩu phần mềm, công nghiệp phụ trợ, v.v…
Nhìn chung, chất lượng các đề tài NCKH của sinh viên khá đồng đều, sinh viên rất tự tin khi thuyết trình và bảo vệ các luận điểm của mình. Điều đáng nói nhất là các đề tài đều có thể triển khai, mở rộng thêm, nhiều tư liệu có giá trị tham khảo. Tuy nhiên cũng lưu ý thêm về những lỗi khi sinh viên làm NCKH thường mắc phải. Đó là phạm vi nghiên cứu rộng, câu hỏi nghiên cứu chưa chuẩn, chưa chú trọng các vấn đề về khái niệm, phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận, đặc biệt là phần phụ lục, trích dẫn, tài liệu tham khảo chưa trình bày đúng chuẩn.
Phần lớn các đề tài SV lựa chọn đều có vẻ quá tầm, cần rút kinh nghiệm để những năm sau SV tìm những đề tài phù hợp hơn với khả năng. Việc lựa chọn đề tài quá tầm đã khiến sinh viên tìm tư liệu khó khăn và lung túng khi đưa ra các giải pháp; Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu còn nhiều vấn đề bất cập, xuất phát từ việc thiếu kinh nghiệm và chưa chú trọng khảo sát tìm hiểu thực tế.

Trong Hội nghị NCKHSV cấp trường những năm vừa qua (2008-2010), các nhà khoa học, Hội đồng khoa học đều có nhận xét: SV có vẻ hơi ham các đề tài vĩ mô. Điều đó là tốt nhưng thường sẽ quá sức vì điều kiện và giới hạn kiến thức, phương pháp NCKH của sinh viên chưa cho phép. Các nhà khoa học lưu ý SV khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em nên chọn những đề tài phù hợp với khả năng nghiên cứu và vốn kiến thức. Điều quan trọng là đề tài đó phải được phân tích, làm rõ vấn đề nghiên cứu và giải quyết vấn đề thỏa đáng câu hỏi nghiên cứu đặt ra trong công trình NCKH.
Trong thực tế việc chọn đề tài của SV chưa đúng tầm do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Số lượng đề tài NCKH do GV đưa ra chưa phong phú, đa dạng nên lựa chọn của SV không nhiều. Việc đưa ra danh mục đề tài nghiên cứu cho SV là cần thiết nhưng có lẽ tốt nhất là chỉ định hướng theo từng lĩnh vực hoặc theo vấn đề, còn tên đề tài cụ thể và phạm vi nghiên cứu do SV tự thiết kế, tất nhiên là phải được sự đồng ý của GVHD sau này, như vậy sẽ đảm bảo được khả năng sáng tạo của SV. Thiết nghĩ, danh mục đề tài Khoá luận tốt nghiệp phải trong phạm vi nội dung chương trình đào tạo, nhưng danh mục đề tài NCKHSV có thể rộng hơn và không nhất thiết phải là một trong số những nội dung của chương trình đã học miễn đó là một vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế và kinh doanh.
Thứ hai: Hiện tượng phổ biến là chạy đua theo các đề tài “mang tính thời sự” và quá tầm, nhiều SV hoàn toàn chưa được trang bị đủ kiến thức, thậm chí là khái niệm sơ đẳng về vấn đề lựa chọn hoặc còn hiểu rất mơ hồ về đối tượng nghiên cứu. Thực tế cho thấy những SV thuộc nhóm này thường bỏ cuộc giữa chừng khi nhận ra rằng không thể tiếp cận đối tượng nghiên cứu khi không có kiến thức tối thiểu về vấn đề đó. Một trong những yếu tố thành công trong nghiên cứu là đề tài nghiên cứu phải mới, mang tính cấp thiết. Song nếu chúng ta tuyệt đối hoá tính “mới” của đề tài khi cho rằng vấn đề nghiên cứu ấy chưa có ai nghiên cứu và phải mới về thời gian. Hiểu như vậy hoàn toàn không chính xác. Hiểu tính “mới ” của đề tài NCKH không hoàn toàn là vấn đề ấy chưa được nghiên cứu. Một số trường hợp những đề tài đã được nghiên cứu, nhưng dưới phương diện quản lý nhà nước, xã hội học... còn dưới phương diện kinh tế và kinh doanh còn bỏ ngỏ, cũng có thể đề tài đã được nghiên cứu, đã công bố kết quả, song tại thời điểm hiện tại kết quả ấy không còn phù hợp mà cần phải lý giải, tìm tòi tiếp cận dưới giác độ khác phù hợp với thực tiễn. Trong một số trường hợp, ở cấp độ NCKHSV, các điểm mới của đề tài có khi chỉ đơn thuần là việc hệ thống lại, sắp xếp lại và phân tích những kết quả nghiên cứu của các tác giả trước đó về cùng một vấn đề, trên cơ sở đó tìm một kết luận chính xác nhất.
Thứ ba: Giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài. Việc lựa chọn giới hạn, phạm vi nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Số lượng trang tối đa, thời gian tiến hành, điều kiện tài chính, phương tiện nghiên cứu, địa bàn khảo sát, phương thức và đối tượng thực nghiệm, điều tra, phỏng vấn, đặc biệt là năng lực và trình độ của (những) người thực hiện đề tài. Độ “sâu” của công trình nghiên cứu luôn tỷ lệ nghịch với độ “rộng” của chính nó. Đa số các trường hợp sau khi chọn xong đề tài và triển khai thực hiện dưới sự hướng dẫn của GVHD, SV mới nhận ra điều này và sau đó mới tiến hành giới hạn phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên, việc giới hạn phạm vi nghiên cứu không được làm lệch đi nội dung của đề tài, yêu cầu chung nhất là tên đề tài phải thể hiện được nội dung đề tài.
4/ Tìm, thu thập và xử lý tài liệu thông tin
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay cùng với sự nhạy bén của SV, công việc thu thập tài liệu cho việc NCKH không còn là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, vẫn còn một số khiếm khuyết nhất định:
Một là: Do không có định hướng của GVHD nên SV chưa tìm đúng nguồn tài liệu trong “rừng” tài liệu và thông tin, chưa có sự chọn lọc nhất là lựa chọn các đầu sách trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, đặc biệt những sách chuyên khảo thực sự có chất lượng trong những chuyên ngành hẹp (thuộc các ngành đào tạo của ĐHKT: Kinh tế quốc tế, Tài chính – Ngân hàng; Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Phát triển, Kinh tế Chính trị)
Hai là: Số liệu, thông tin dù đa dạng nhưng kỹ năng phân loại, đánh giá tài liệu, tổng quan các tài liệu và xử lý những thông tin, tài liệu thu thập được chưa đạt yêu cầu. SV chỉ chuyển tải tài liệu thu thập được dưới dạng “thô”, mang tính liệt kê vào công trình NCKH mà chưa qua khâu xử lý phân tích. Những con số và sự kiện đưa vào công trình nghiên cứu khoa học về kinh tế và kinh doanh phải phục vụ cho việc chứng minh, lý giải và dẫn đến một kết luận nào đó dưới phương diện kinh tế. Cùng một con số hoặc sự kiện nào đó song với nhà kinh tế , nhà nghiên cứu xã hội học, nhà kinh tế học, nhà quản lý ở các lĩnh vực khác nhau có phương thức tiếp cận và xử lý khác nhau.
Ba là: Một số SV chưa chú trọng phụ đính, trích dẫn tài liệu tham khảo và cước chú (foot note) và cho rằng đây là yếu tố hình thức, máy móc. Kết quả là một số NCKH của SV và cả Khóa luận tốt nghiệp hầu như không có một cước chú nào, phần tài liệu tham khảo ghi chung chung như: “Báo cáo ….”, “Tạp chí…..”  tạo một sự cẩu thả và phản khoa học trong nghiên cứu. Thông thường việc trích dẫn và cước chú phải tuân theo một chuẩn mực cách thức nhất định bất kể là công trình được thực hiện bằng ngôn ngữ nào.

Xuân Lê (Phòng NCKH&HTPT)

FullName Email
Address Security code TMXFUG
Content