Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Đôi điều chia sẻ về NCKH sinh viên (phần 2)

Ở phần 1 của bài viết, tác giả đã chia sẻ về nhận thức hoạt động và cách tổ chức NCKH sinh viên cũng như cách định hướng đề tài và thu thập thông tin. Phần 2 của bài viết sẽ bàn thêm về bố cục và một số phương pháp nghiên cứu.

>> Xem phần 1

5/ Bố cục công trình NCKH và phương pháp nghiên cứu

Đây là khâu khó khăn nhất của SV, bởi không có một khuôn mẫu, công thức chuẩn nào về phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Tuỳ thuộc vào từng đề tài, từng đối tượng nghiên cứu cũng như khả năng nhận thức, trình độ lý luận của SV mà có nhiều cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu khác nhau.
Cấu trúc thứ nhất:
Cấu trúc truyền thống một nghiên cứu khoa học SV (và cả Khóa luận ) có 3 phần tương ứng với 3 chương : Lý luận - thực trạng - kiến nghị/ đề xuất/hướng hoàn thiện. Đây là một cấu trúc tương đối hợp lý khi nghiên cứu một vấn đề nào đó về kinh tế và kinh doanh. Song, trong thực tế, một số người hiểu nhầm và đồng nhất “lý luận” và “lý thuyết” cho nên trong Chương I thông thường chỉ chép lại những khái niệm ở đâu đó trong giáo trình, bài giảng... Sự sao chép này tất nhiên là đúng về nội dung nhưng không cần thiết bởi không có gì mới và đó không là kết quả nghiên cứu của SV. Có nhiều SV sợ rằng nếu không có phần dẫn dắt lý thuyết như vậy làm cho công trình nghiên cứu không tròn trĩnh, người đọc không có cơ sở để hiểu những nội dung tiếp theo... Thật là một sự lo lắng không cần thiết bởi người đọc là người đánh giá, phản biện nghiệm thu đề tài, không cần thiết những nội dung ấy họ vẫn nắm bắt được nội dung của đề tài.
Khác với lý thuyết, lý luận trong kinh tế và kinh doanh là sự tìm tòi nghiên cứu phần gốc, phần chìm, phần cơ sở, nền tảng đồng thời là bản chất của hiện tượng kinh tế hoặc thực thể đó. Muốn vậy SV phải xuất phát từ nguồn gốc hình thành, phát triển vấn đề, tồn tại những học thuyết kinh tế nào về vấn đề đó hay ít ra là những trường phái, quan điểm, ý kiến của các tác giả, cơ sở hình thành, tồn tại, phát triển và nội dung của các học thuyết hay các quan điểm đó. Đặt đối tượng cần nghiên cứu trong sự vận động và phát triển cũng như sự tương tác, liên hệ với các yếu tố lịch sử, kinh tế, xã hội thông qua các phương pháp phân tích, diễn dịch, lý giải , tổng hợp, so sánh, đánh giá của chính tác giả thông qua các lập luận thuyết phục.
Vì vậy, có lẽ cần thiết phải thay đổi quan niệm, thói quen về sự tròn trĩnh, cầu toàn của một NCKH hoặc Khóa luận tốt nghiệp tức là không nên đưa ra các yêu cầu cao về lý luận mà nên tập trung nghiên cứu thực trạng, phân tích, lý giải được thực trạng chỉ ra được các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện vấn đề nghiên cứu.
Cấu trúc thứ hai: là tiếp cận vấn đề nghiên cứu theo mặt cắt dọc, tức đối tượng nghiên cứu được chia thành từng vấn đề nhỏ, cụ thể...theo các chương, đề mục trong Khoá luận hoặc NCKH, điều quan trọng là phải đảm bảo có sự liên kết, thống nhất, logic về mặt cấu trúc giữa các chương, các phần trong một chương. Trong từng vấn đề nhỏ dù là nhỏ nhất, tác giả nên tiếp cận theo trình tự: Cơ sở lý luận của vấn đề, thực trạng trong sự so sánh và vận động của nó, những bất cập trong quá trình vận hành, nguyên nhân và hướng khắc phục, giải pháp hoàn thiện vấn đề nghiên cứu dưới phương diện lý luận và thực tế. Phương thức này rất khó áp dụng, đòi hỏi người nghiên cứu phải có trình độ lập luận logic cao, đồng thời sử dụng thành thạo các kỹ năng, các phương pháp so sánh, tổng hợp.

Những khiếm khuyết thường gặp là trong phần thực trạng SV liệt kê các thông tin, số liệu, hiện trạng cụ thể nhưng không có phân tích và nhận định của tác giả, phần giải pháp hoàn thiện SV nêu ra những kiến nghị to tát và thường là không có tính thuyết phục, tức không dựa trên một sơ sở lý luận hoặc thực tiễn nào vì vậy thường là không khả thi.
6/ Cách diễn đạt
Đây có lẽ là điểm yếu nhất của SV hiện nay. Thực tế đáng buồn là có một số SV tốt nghiệp ra trường không viết được hoặc không viết đúng một đơn xin việc, một biên bản hội nghị hoặc một báo cáo đơn giản. Phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, sự yếu kém ấy một phần là hậu quả của sự khiếm khuyết trong chương trình đào tạo, chế độ thi cử của hệ thống đào tạo nói chung. Trong suốt thời gian ở đại học, SV hầu như không được rèn luyện kỹ năng viết. Đa số các môn thi được tổ chức dưới hình thức vấn đáp hoặc hình thức thi viết dạng trắc nghiệm giản đơn, hình thức thi viết dạng tự luận hoặc trắc nghiệm kết hợp lý giải, lập luận chưa nhiều. Giảng viên chấm thi chưa chú trọng đến cách trình bày, diễn đạt, lập luận, logic, sử dụng thuật ngữ của SV mà thông thường tìm ý cho điểm. Cuối các năm học SV không được viết tiểu luận hàng năm (niên luận) mà chỉ được viết 01 lần duy nhất ở cuối khoá dưới hình thức Tiểu luận (không có GV hướng dẫn) hoặc khóa luận tốt nghiệp (đối với một số ít SV và có GV hướng dẫn).
7/ Vai trò của giảng viên hướng dẫn
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng hơn 90% nội dung của NCKH là lao động của SV, song không thể xem thường phần 10% còn lại, bởi thiếu nó thì một NCKH không thể thành công và đi đúng hướng. Vì vậy, việc phân công GVHD phù hợp với đề tài NCKH của SV là rất quan trọng. Hàng năm chúng ta tổ chức các tọa đàm về phương pháp giảng dạy nhưng thiếu vắng những buổi trao đổi về cách thức, phương pháp và công việc của một GV hướng dẫn NCKH, khoá luận. Phần lớn công việc hướng dẫn của GV được tiến hành theo kinh nghiệm của chính mình hoặc kế thừa kinh nghiệm của chính  các giảng viên đã hướng dẫn mình.

Sự dễ dãi của giảng viên hướng dẫn làm ảnh hưởng phần nào đến tác phong và kết quả nghiên cứu SV. Mọi sự dễ dãi trong nghiên cứu đều không thể chấp nhận, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học kinh tế. Nếu GVHD không sửa chữa kịp thời thì sẽ hình thành một sự cẩu thả, tuỳ tiện và thậm chí gian dối trong nghiên cứu. Hiện tượng “ăn cắp” tài liệu của người khác sửa chữa đôi chút và đưa vào công trình của mình không còn là hiện tượng hiếm trong các tiểu luận, luận văn. GVHD và GV phản biện không phải không biết việc này song vì sự dễ dãi, châm chước nên bỏ qua tạo cho SV một thói quen nguy hiểm.
Tóm lại, khoa học là sáng tạo và không có một công thức chung hoặc một phương pháp chuẩn mực nào cho hoạt động NCKH. Tuy nhiên, chuẩn bị cho SV một nhìn nhận sơ khai ban đầu về NCKH, đồng thời khơi nguồn cho niềm đam mê nghiên cứu cho SV là điều cần thiết. Mong rằng, để đạt được mục đích ấy, sẽ có nhiều trao đổi hơn về vấn đề này.

Để kết thúc bài viết, tôi xin đưa ra trao đổi ở đây về kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu khoa học của một cựu sinh viên trường ĐHKT-ĐHQGHN, SV đạt giải Nhất cấp Bộ về NCKHSV 2009 – Nguyễn Đình Minh Anh
8/ Phương pháp học tập và nghiên cứu hiệu quả - Phương pháp RLDD
Cùng với đam mê nghiên cứu, sinh viên cần một phương pháp học tập và nghiên cứu hiệu quả. Điều này sẽ giúp sinh viên nuôi dưỡng đam mê và có những bước tiến xa hơn trong hoạt động nghiên cứu.
Mô hình dưới đây minh họa phương pháp RLDD của chính sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu ở Đại học. Ngoài việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu, sinh viên nên tham gia các cuộc hội thảo chuyên môn do nhà trường, viện, trung tâm hoặc một đơn vị có uy tín nào đấy tổ chức, đồng thời đưa ra những ý kiến đánh giá của cá nhân dựa trên những nền tảng kiến thức đã học. Hơn thế nữa, thông qua các câu lạc bộ, sinh viên có thể chủ động tổ chức những hội hội thảo khoa học về các vấn đề kinh tế và kinh doanh dưới góc nhìn của sinh viên: từ khâu chuẩn bị, lên kế họach hội thảo, thực hiện nghiên cứu, phản biện đều là sinh viên và các thầy cô sẽ tham gia như là chuyên gia góp ý về các nghiên cứu cũng như các phản biện đấy, các phòng ban, đặc biệt là phòng Nghiên cứu khoa học sẽ tham gia để hỗ trợ sinh viên tổ chức những hội thảo như vậy.
9/Lộ trình trưởng thành trong nghiên cứu khoa học sinh viên
Thêm một điều trong những chia sẻ nhỏ là “chu trình trưởng thành trong nghiên cứu khoa học của sinh viên”. Tôi nghĩ rằng điều này cũng hết sức cần thiết bên cạnh đam mê và phương pháp, bởi chu trình này có thể sẽ giúp sinh viên đưa ra những lộ trình và kế hoạch phù hợp.
Năm thứ nhất, ở giảng đường đại học nên tập trung tích lũy kiến thức bằng cách tập trung vào học tập và mở rộng kiến thức thông qua việc nghiên cứu, đọc các tài liệu liên quan, có thể từ các cuốn sách, hoặc là qua internet, đồng thời tìm hiểu về những điều cơ bản như: thế nào là nghiên cứu, làm thế nào để thực hiện nghiên cứu.
Năm thứ hai, có thể tập làm nghiên cứu, áp dụng những điều được học về phương pháp luận nghiên cứu: từ cách nhận dạng vấn đề nghiên cứu, lý thuyết liên quan, phương pháp giải quyết vấn đề nghiên cứu, cách thức trích dẫn… vào những tiểu luận hoặc làm một số nghiên cứu về vấn đề quan tâm.

Năm thứ ba, cố gắng hoàn thiện phương pháp nghiên cứu thông qua việc thực hiện nghiên cứu những vấn đề quan tâm.

Năm thứ tư, “đỉnh cao” chính là khóa luận tốt nghiệp.

 Trên đây là những trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm NCKH, hy vọng sẽ giúp các bạn sinh viên tìm thấy những điểm thú vị để học cách nghiên cứu và học cách cảm nhận rằng “Nghiên cứu khoa học là niềm vui”!


Xuân Lê (Phòng NCKH&HTPT)

FullName Email
Address Security code QLUQSI
Content