Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và các hoạt động tư vấn chính sách, phát triển giáo dục: Sứ mệnh của trường đại học tiên phong, dẫn đầu VNU

Trường Đại học Kinh tế (UEB) với vị thế dẫn đầu Đại học Quốc gia Hà Nội – Đại học số 1 Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực và phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực hoạt động, đào tạo, giáo dục và quản lý. Nhà trường không chỉ là điểm đến tin cậy của các diễn đàn, hội thảo quốc gia, quốc tế mà còn là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp cho các hoạt động tư vấn chính sách kinh tế của nhà nước, tham gia đề xuất các chiến lược phát triển nền giáo dục Việt Nam thời kỳ hội nhập.

Tham mưu, đóng góp ý kiến vào các Chương trình nghị sự cấp cao về Kinh tế

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN – không chỉ là một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý hàng đầu Việt Nam mà còn phát huy vai trò của mình trong hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tri thức. Lãnh đạo của Nhà trường và đội ngũ giảng viên tích cực tham gia vào các chương trình nghị sự cấp cao về kinh tế để đưa ra những đóng góp, khuyến nghị, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Tại ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững”, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã được mời tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp vào các chương trình nghị sự trong khuôn khổ của diễn đàn.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ

Các ý kiến đóng góp của đại biểu, chuyên gia tham dự diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, đưa ra những kinh nghiệm để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng yêu cầu phòng - chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế và xã hội. 

Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với sự tham dự của các đại biểu là các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý...

Cũng trong phiên tọa đàm cấp cao, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – đại biểu đại diện cho Trường Đại học Kinh tế đã cùng các đại biểu tham dự thảo luận những giải pháp thiết thực trong thời gian tới, giúp cho Việt Nam sớm khắc phục những khó khăn sau đại dịch và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu mà hiện nay nền kinh tế còn đang rất yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh... Trong đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế là những yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là nơi hội tụ các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao, các nhà quản lý, chiến lược về lĩnh vực kinh tế. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự

Tham gia đánh giá và đề xuất các chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp tiến tới hội nhập quốc tế

Cùng đưa ra các giải pháp phát triển giáo dục của đất nước là sứ mệnh chung của tất cả các đơn vị đào tạo giáo dục, bên cạnh việc cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao, thích ứng nhanh với sự cạnh tranh cao của thị trường. Với cuộc hội thảo bàn luận về chủ trương, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp chủ trì, đại diện Trường Đại học Kinh tế  - ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã tham dự cùng với các chuyên gia, nhà khoa học để đưa ra các nhận định, đánh giá và đề xuất các chiến lược có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Toàn cảnh cuộc họp về “Một số chủ trương, định hướng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các chuyên gia về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ cho đào tạo nghề”

Tại cuộc họp, với cương vị là một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, Hiệu trưởng của một Trường đại học top đầu luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo và giáo dục, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê đã đánh giá về Đề án chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp cần quan tâm sâu sắc tới nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo. 

"Bên cạnh đó cần chú trọng phát triển trình độ tiếng Anh của người học. Đặc biệt phải đẩy mạnh thu hút đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp, làm nổi rõ vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao hiệu quả đào tạo lao động" – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê  - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại cuộc họp về định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp

Trong cuộc họp, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều ý kiến đóng góp giá trị để xây dựng dự thảo Chiến lược. Trước hết, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tranh thủ thời cơ dân số vàng; Cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo trọng điểm. Bên cạnh đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải bám sát nhu cầu của thị trường lao động,…Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên, tăng cường xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp... 

Phát huy thế mạnh, kết nối tổng lực trở thành đơn vị giáo dục hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Kinh tế, Kinh doanh

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có chiến lược rõ rang nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng môi trường đại học đào tạo chuẩn quốc tế, liên tục cập nhật xu hướng và thành tựu mới trong quản lý và đào tạo, trở thành đơn vị đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao định hướng chuyên gia, lãnh đạo và là “điểm đến” hấp dẫn của bạn bè quốc tế tới nghiên cứu, trao đổi học thuật và giao lưu, học hỏi. 

Trong năm 2021, nhà trường đã tổ chức thành công nhiều Diễn đàn, Hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, góp phần nâng cao uy tín về nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường Đại học Kinh tế nói riêng. Trong đó tiêu biểu là: Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Anh 2021 tổ chức với các mục tiêu: Kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên gắn với giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội; Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; Cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế phát thải thấp, hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác thực hiện Thỏa thuận Paris đồng thời đóng góp cho những kiến nghị của Việt Nam tại COP 26…

Diễn đàn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam &Vương quốc Anh, đánh dấu sự kiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực.

Nhà trường cũng tổ chức thành công Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” (CIECI 2021). Hội thảo đã thu hút sự tham dự của 400 khách mời đến từ các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Hội thảo CIECI 2021 là diễn đàn quan trọng để tăng cường trao đổi học thuật, nghiên cứu, hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của các quốc gia trong thời kỳ công nghệ số 4.0

Bên cạnh các hội thảo, diễn đàn quốc tế, Trường Đại học Kinh tế cũng tổ chức thành công Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2021 – nơi hội tụ các chuyên gia hàng đầu về nền kinh tế, đưa ra các báo cáo đi sâu vào phân tích nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Những kết quả công bố trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam do Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN thực hiện có nhiều giá trị trong khuyến nghị chính sách quốc gia.

Có thể nói, với trách nhiệm và sứ mệnh của mình, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa các sáng tạo đột phá, kết nối tổng lực để phát triển một môi trường đại học Chuyên nghiệp – Năng động – Vươn tầm quốc tế.


Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code OSAKCL
Content