Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

“Trở về Việt Nam, giảng dạy và nghiên cứu tại UEB là lựa chọn của tôi"

Trở về Việt Nam sau 12 năm học tập tại Anh, TS. Lê Duy Anh đã lựa chọn trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN để gắn bó và cống hiến. Với TS. Lê Duy Anh, việc trở về làm việc tại quê hương là ‘sự lựa chọn mặc định” với lý tưởng phụng sự đất nước.


 Vậy Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng và môi trường giáo dục đại học tại Việt Nam nói chung có những điểm gì hấp dẫn gì để hút nhân lực chất lượng cao? Câu chuyện về sự trở về này chắc hẳn sẽ truyền tới thế hệ tri thức trẻ của Việt Nam nhiều cảm hứng, qua đó khẳng định sức hút của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đối với các nhà khoa học quốc tế. 

Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết về TS. Lê Duy Anh - Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội do VOV – Đài tiếng nói Việt Nam đăng tải.

Trở về là lựa chọn mặc định

TS. Lê Duy Anh (32 tuổi) chủ nhiệm bộ môn Chính sách công, Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong 10 thanh niên tiêu biểu được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với tư cách là một nhân sĩ, trí thức.

Năm 17 tuổi, khi còn là HS khối chuyên Hóa của Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, anh sang Vương Quốc Anh du học. Tốt nghiệp thạc sỹ ngành Khoa học phát triển ở ĐH Cambridge, Lê Duy Anh về nước và có 2 năm giảng dạy tại Học viện Chính sách & Phát triển (Bộ kế hoạch &đầu tư). Năm 2015 anh quay lại ĐH Cambridge tiếp tục học tiến sĩ.

12 năm ở nước ngoài không làm lung lay mục tiêu trở về của Lê Duy Anh. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2019, anh quyết định trở về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS. Lê Duy Anh sang Vương Quốc Anh du học từ năm 17 tuổi

“Tại sao không ở lại mà chọn trở về?” Đó là câu hỏi TS. Lê Duy Anh nhận được nhiều nhất khi quyết định trở về nước. Nhưng, anh đặt ngược vấn đề “Vì sao không về nước mà ở lại?”.

“Ở lại tôi có nhiều cơ hội, nhiều mối quan hệ nhưng quay về là lựa chọn mặc định của tôi từ khi đi học. Ngành học của tôi là khoa học phát triển, tôi hứng thú với các vấn đề của các quốc gia đang phát triển, 17 mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề mà các nước nghèo đang gặp phải như môi trường, y tế, giáo dục, công bằng, phát triển bền vững...”.

Luận án tiến sĩ ở ĐH Cambridge của Lê Duy Anh cũng đề cập vấn đề môi trường tại Việt Nam. Ở đó, anh được làm việc với một vị GS nổi tiếng của ĐH Cambridge – GS. Peter Nolan. Là người có mối quan tâm đặc biệt tới các quốc gia đang phát triển, ông là người đã tiếp thêm cảm hứng trở về cho TS. Lê Duy Anh.

GS. Peter Nolan có nói rằng, hiện giờ rất nhiều những bộ óc, con người tốt nhất trên thế giới đang cố gắng hết sức phục vụ 1% dân số giàu nhất. Chúng ta có các chuyên gia tài chính, luật, khoa học công nghệ đều đã và đang phục vụ 1% dân số thế giới. Tuy nhiên, chỉ cần 1% bộ óc ưu tú nhất nhân loại quay lại phục vụ 50% dân số nghèo nhất thì thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn rất nhiều. Câu nói của thầy khiến tôi suy nghĩ về trách nhiệm và định hướng của mình. Việc trở lại làm việc, nghiên cứu ở quê hương mình với tôi là một định hướng chưa bao giờ lung lay...”, TS. Lê Duy Anh kể lại.

Lê Duy Anh và các bạn ở ĐH Cambridge

Về nước năm 2020, vị tiến sĩ 32 tuổi góp mặt trong Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam do Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức, gặp những người có cùng chí hướng càng củng cố niềm tin cho sự trở về.

“Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam mà tôi tham dự nói về Việt Nam hùng cường đến 2045 như mục tiêu tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đó là động lực cho thanh niên Việt Nam đóng góp tâm sức, ý chí, kiến thức. Tôi nghĩ rằng động lực và trách nhiệm đất nước rõ ràng, có cơ chế tập hợp đoàn kết rất tốt".

TS. Lê Duy Anh tại Diễn đàn trí thức trẻ năm 2020

Thông qua diễn đàn tri thức trẻ anh có cơ hội gặp gỡ PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. “Những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê về định hướng, kế hoạch, mục tiêu của nhà trường đóng góp cho giáo dục, kinh tế quốc gia và trách nhiệm cộng đồng khiến tôi hào hứng trở về tham gia giảng dạy tại trường”.

Cần vượt qua khó khăn để có những nghiên cứu khoa học tương đương quốc tế

Với chuyên ngành khoa học phát triển, đặc biệt là chuyên ngành nghiên cứu về hành vi của con người tác động lên môi trường, TS. Lê Duy Anh đang thực hiện một số dự án đề tài cấp cơ sở, cấp bộ trong lĩnh vực này.

Anh đã hoàn thành dự án nghiên cứu yếu tố quyết định lên hành vi sử dụng túi nhựa để phòng tránh ô nhiễm, rủi ro rác thải nhựa cho đại dương tại TP. Đà Nẵng.

Với dự án này, nhóm nghiên cứu muốn kết hợp lý thuyết hành vi và lý thuyết về cú hích để can thiệp thay đổi hành vi của người dân và nhân rộng ra toàn quốc.

TS.Lê Duy Anh và một sô đồng nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tham gia Dự án nghiên cứu yếu tố quyết định lên hành vi sử dụng túi nhựa để phòng tránh ô nhiễm, rủi ro rác thải nhựa cho đại dương

“Khi chúng ta nói về hình phạt, lợi ích, động lực về kinh tế... đó là những yếu tố thuộc về lý trí của con người còn kinh tế hành vi thì còn nhiều yếu tố phi lý trí tác động tới tâm lý như thói quen, lối đi tắt về mặt tinh thần.

Chẳng hạn, vì bố mẹ, bạn bè sử dụng túi nhựa nên mình cũng sử dụng hồn nhiên như bản năng, mình không có nhu cầu sử dụng túi nhựa nhưng người bán đưa nên vẫn sử dụng.

Vì vậy, chúng tôi muốn can thiệp nhóm yếu tố phi lý trí, thay đổi môi trường đưa ra quyết định. Chẳng hạn, đến chợ, siêu thị thuyết phục người bán hãy nhắc nhở người dân tại thời điểm đưa ra quyết định lấy túi. Chúng tôi có những phương án can thiệp nhắc nhở người dân, tập huấn cho những người bán hàng. Ví dụ, họ sẽ không mặc định đưa túi nilon mà chỉ đưa khi người mua hỏi. Chúng tôi muốn thay đổi việc đưa ra quyết định vì nó rất rẻ tiền, không cần đưa luật mới, không cần vi phạm vào quyền tự do của họ mà nhắc nhở vào tiềm thức để họ tự mình điều chỉnh”. TS. Lê Duy Anh chia sẻ về dự án mà mình tâm đắc.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút nhiều PGS, TS, Ths tài năng, trong đó rất nhiều giảng viên học tập tại nước ngoài trở về nước

Sau 2 năm trở về nước, TS Lê Duy Anh nhanh chóng có 3 bài báo xuất bản trên các tạp chí thuộc nhóm Q1. Anh thẳng thắn, môi trường học thuật Việt Nam khác biệt so với ĐH tiêu chuẩn quốc tế.

Ngay như ĐH Cambridge – nơi anh từng theo học là ngôi trường gần 800 năm tuổi, với nguồn lực, tài nguyên, tài trợ, về cơ sở hạ tầng, tài liệu tham khảo, hệ thống thư viện của họ nếu so sánh, chúng ta còn khoảng cách rất xa.

“Đó là rào cản nhưng chúng ta có thể vượt qua như xin, vận động quốc tế, vận động từ các nguồn khác nhau để làm được những nghiên cứu tương đương. Dù thiếu cơ sở vật chất nhưng chất lượng nghiên cứu cố gắng để bắt kịp với thế giới”, TS. Lê Duy Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của người trở về từ ĐH danh tiếng thế giới, anh cho rằng, những người làm nghiên cứu ở nước ngoài, đã quen với cơ sở hạ tầng tối tân cần có sự chuẩn bị tâm lý trước khi trở về. Bởi chúng ta không thể đòi hỏi mọi thứ tốt lên trong một sớm một chiều.

TS. Lê Duy Anh là một trong 10 thanh niên tiêu biểu được tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với tư cách là một nhân sĩ - trí thức

Những yếu tố hút nhân lực chất lượng cao cho môi trường học thuật trong nước

Môi trường học thuật, nghiên cứu tại Việt Nam đang còn hạn chế so với các quốc gia khác, đặc việt trong nhóm G7, bởi họ có lịch sử lâu đời và nguồn lực đổ vào cho nghiên cứu rất nhiều. Tuy nhiên, theo TS. Lê Duy Anh, bên cạnh cơ sở hạ tầng, còn nhiều yếu tố thu hút nhân lực chất lượng cao trở về đóng góp cho đất nước.

“Quan điểm của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu có chung tiếng nói, suy nghĩ, mục tiêu, giảng viên được thu hút về có thể thẳng thắn chia sẻ nguyện vọng sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng.

Sự minh bạch về cơ chế, minh bạch trong đóng góp, hiệu quả công việc. Ai cũng muốn sự công bằng, làm bao nhiêu phải được ghi nhận, phần thưởng có thể không lớn nhưng đánh giá đúng rất quan trọng. Ở nước ngoài, hệ thống quản trị nhân lực hoàn thiện, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc. Làm việc tại Việt Nam, người làm khoa học không sợ khó, sợ khổ nhưng họ cần được ghi nhận một cách xứng đáng.

Một vấn đề nữa là người nghiên cứu cần những nhóm đồng nghiệp cùng tiếng nói, quan điểm, mục tiêu vì làm một khoa học không thể làm một mình", TS Lê Duy Anh nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Duy Anh, bên cạnh cơ sở hạ tầng, còn nhiều yếu tố quan trọng thu hút nhân lực chất lượng cao trở về đóng góp cho đất nước

Với triết lý giáo dục chuẩn quốc tế, kiến tạo, tư duy tự lập, hài hòa, trong 2 năm qua, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu hút gần 100 nhà khoa học từ các quốc gia tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ về công tác. Nhà trường đã tổ chức nhiều diễn đàn, nhiều cuộc trao đổi để nắm bắt tâm tư của các giảng viên trẻ, chia sẻ mục tiêu của nhà trường trong việc đóng góp cho giáo dục, nâng cao vị thế Việt Nam, nâng cao vị thế, danh tiếng cho nhà khoa học Việt Nam, TS Lê Duy Anh cho biết.

TS. Lê Duy Anh tham gia Chương trình đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ của JICA

“Hiện, môi trường Đại học ở Việt Nam đang quốc tế hóa mạnh mẽ. Chúng tôi thấy rằng vẫn có nhiều cở sở như Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã và đang cố gắng để cung cấp một môi truờng làm việc cho các nhà khoa học trẻ. Vì vậy, các nhà khoa học khi làm việc ở Việt Nam thì vẫn như làm việc ở môi trường quốc tế” - TS. Lê Duy Anh nêu quan điểm.

Trường Đại học Kinh tế (UEB - VNU) 02 năm liên tiếp đứng vị trí số 1 ĐHQGHN trên tổng thể các mặt hoạt động; đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu, đóng góp chính trong kết quả xếp hạng top 501 - 550 QS Rankings trong lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý năm 2021 của ĐHQGHN – đơn vị đầu tiên, duy nhất của Việt Nam được xếp hạng. 

Với triết lý giáo dục chuẩn quốc tế, kiến tạo, tư duy tự lập, hài hòa, UEB - VNU là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, có tính hội nhập cao, quy tụ cộng đồng giảng viên tại các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đài Loan, Nhật, Úc,…Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng là số ít trường đại học thành lập Chi hội Hữu nghị Việt - Anh. Trong những năm vừa qua, UEB - VNU luôn được đánh giá là môi trường làm việc lý tưởng, chất lượng, hiệu quả và bền vững, địa chỉ uy tín thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thu nhập giảng viên liên tục mạnh tăng qua từng năm.

Giảng viên UEB - VNU được tham gia giảng dạy 100% chương trình đào tạo chất lượng cao, tham gia các đề án, dự án nghiên cứu cấp quốc gia, quốc tế. Được mệnh danh là "Trường Đại học Royal", Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mang tới không gian làm việc sáng tạo, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại cho giảng viên và người học. 

Ngoài ra, giảng viên được hưởng chính sách học bổng trị giá 100 triệu đồng/năm cho các Nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/năm cho các tiến sĩ trẻ do Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành.

Thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ nhân sự, Trường Đại học Kinh tế mong muốn tìm kiếm những ứng viên có Tâm huyết, Tài năng, Trình độ để cùng tạo nên sức mạnh cộng hưởng, chung tay xây dựng một Trường Đại học xứng tầm quốc tế. 

Thông tin Tuyển dụng giảng viên có tại đây


VOV2 - Đài tiếng nói Việt Nam

FullName Email
Address Security code PCILMI
Content