Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Tài chính - Ngân hàng

Chuẩn đầu ra của CTĐT cử nhân CLC ngành TCNH

Chương trình Cử nhân TCNH CLC được xây dựng bắt đầu từ việc điều tra khảo sát nhu cầu xã hội, nhu cầu của nhà tuyển dụng. Kết quả điều tra sẽ là căn cứ để xác định mục tiêu đào tạo, thiết kế khung chương trình giảng dạy và tổ chức thực hiện đào tạo. Đây là cách tiếp cận hiện đại theo phương pháp CDIO (Conceive- Hình thành ý tưởng, Design - Thiết kế, Implement - Triển khai và Operate - Vận hành) được thực hiện có kết quả cao ở nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới, nhưng chưa được áp dụng ở Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, đồng thời tuân thủ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT và Thông tư 07/2015/TT-BGĐT, Chuẩn đầu ra các học phần trong chương trình TCNH CLC của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN được xây dựng theo chuẩn Bloom gồm 4 bậc: Nhớ (cấp độ 1), Hiểu biết (cấp độ 2), Vận dụng (cấp độ 3) và Sáng tạo (cấp độ 4). Trong đó, các học phần chuyên môn đảm bảo sinh viên đạt được các kiến thức lõi từ cấp độ 3 - Vận dụng. Cấp độ sáng tạo tập trung ở các kỹ năng cung cấp cho sinh viên, đặc biệt là khả năng lập luận và tư duy, khả năng nghiên cứu, khám phá và ứng dụng kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp.

1. Về kiến thức

1.1. Kiến thức chung

Kiến thức về lý luận chính trị

-   Hiểu và vận dụng hệ thống tri thức khoa học và những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin. Hiểu kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và vận dụng trong công việc cũng như trong cuộc sống.

 Kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường

-  Áp dụng những kiến thức đã được học để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật trong thực hiện công việc và trong cuộc sống.

-  Tích cực tham gia bảo vệ môi trường góp phần cho việc phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.

Kiến thức về tin học

- Sử dụng thành thạo và khai thác được các tính năng nâng cao của các phần mềm văn phòng thông dụng; khai thác một số dịch vụ cần thiết trên Internet; Khai thác được các kiến thức cơ bản của hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ, các kỹ năng sử dụng một hệ quản trị dữ liệu cụ thể;

- Biết cách khai thác được các cơ sở dữ liệu của Việt Nam và thế giới.

·    Kiến thức về ngoại ngữ

-  Tương đương bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

-  Sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp

-  Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề cụ thể.

-  Vận dụng tiếng Anh học thuật trong công việc.

·      Giáo dục thể chất và quốc phòng an ninh

- Hiểu nội dung cơ bản về đường lối quân sự và nhiệm vụ công tác quốc phòng – an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Vận dụng kiến thức đã học vào điều kiện tác chiến thông thường.

- Hiểu và vận dụng những kiến thức khoa học cơ bản trong lĩnh vực thể dục thể thao vào quá trình tập luyện và tự rèn luyện, ngăn ngừa các chấn thương để củng cố và tăng cường sức khỏe.

21.2. Kiến thức theo lĩnh vực

- Vận dụng các kiến thức toán cao cấp trong công việc thống kê, xử lý số liệu và các tính toán liên quan đến ngành đào tạo;

- Xây dựng và phân tích được các bài toán kinh tế đơn giản;

- Sử dụng được các phần mềm thống kê cơ bản để phân tích, đánh giá các hiện tượng kinh tế xã hội và áp dụng vào nghiên cứu khoa học.

1.3. Kiến thức theo khối ngành

- Vận dụng được những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật để giải quyết được các vấn đề cụ thể nảy sinh trong các hoạt động kinh tế;

- Vận dụng được những kiến thức cơ bản và nâng cao của kinh tế học vào công việc chuyên môn, nghề nghiệp và giải thích, đánh giá được các vấn đề kinh tế.

- Vận dụng phương pháp thu thập thông tin, phân tích và tổng hợp dữ liệu thống kê kinh tế, phục vụ cho công việc.

- Vận dụng phương pháp toán kinh tế để phân tích, đánh giá và dự báo các hiện tượng kinh tế nói chung và trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng.

- Lựa chọn và vận dụng phương thức quản lý nhóm làm việc hiệu quả.

1.4. Kiến thức theo nhóm ngành

- Vận dụng được những kiến thức cơ bản và nâng cao về Nhà nước và Pháp luật vào những hoạt động kinh tế.

- Vận dụng phương pháp nghiên cứu kinh tế cơ bản và nâng cao, bao gồm thu thập, xử lý thông tin và tổng hợp số liệu, dữ liệu.

- Áp dụng được các nguyên lý cơ bản và nâng cao về lý thuyết tiền tệ, hoạt động của hệ thống ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng ở trong một quốc gia và quốc tế ở cấp độ nâng cao và xử lý các bài tập mô phỏng tình huống, trang bị ph­ương pháp phân tích thị trường, hình thành t­ư duy thực tiễn về vấn đề sử dụng vốn tiền tệ có hiệu quả ở môi trường trong nước và quốc tế thông qua việc học và nghiên cứu bằng tiếng Anh. 

- Vận dụng được các nguyên lý cơ bản về kế toán để xử lý các bài tập mô phỏng tình huống, lập và mô tả được các báo cáo tài chính kế toán trong doanh nghiệp; có khả năng vận dụng kiến thức nâng cao vào việc xử lý bài tập tình huống thực tiễn, phân tích, mô tả và lập các báo cáo tài chính kế toán trong doanh nghiệp.

- Vận dụng được các nguyên tắc kế toán vào quá trình kinh doanh chủ yếu của các tổ chức kinh tế nói chung và các loại hình doanh nghiệp đặc thù hoạt động ở môi trường trong nước và quốc tế.

- Vận dụng được các nguyên tắc marketing vào quá trình xúc tiến khách hàng, tìm kiếm thị trường tiếp cận đến cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế.

1.5. Kiến thức ngành

- Hiểu, áp dụng các khái niệm cụ thể có liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng để luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

- Hiểu, phân tích, ứng dụng kiến thức ngành tài chính-ngân hàng để hình thành các ý tưởng, xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá các phương án, dự án kinh doanh trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.  

- Ứng dụng kiến thức thực tế và thực tập trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng để hội nhập nhanh với môi trường công việc trong tương lai.

- Có khả năng nghiên cứu và tiếp cận đến các tài liệu bắt buộc và tham khảo đạt chuẩn quốc tế bằng tiếng Anh, hỗ trợ việc học tập và nghiên cứu trước mắt cũng như việc đi thực tập thực tế, học tập ở các bậc cao hơn tại các cơ sở giáo dục quốc tế ở trong nước và nước ngoài.

- Có năng lực kiểm chứng các kiến thức được học thông qua các chương trình thực tập, thực tiễn tại doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính và tổ chức xã hội khác để từ đó tự định hướng được mục tiêu và lộ trình phát triển nghề nghiệp của bản thân.

Bằng việc bổ sung thêm 04 học phần mới và điều chỉnh nội dung, tín chỉ của 06 học phần so với chương trình đào tạo chuẩn cùng với việc giảng dạy 10 học phần bằng tiếng Anh, chuẩn đầu ra chương trình TCNH CLC cao hơn về kiến thức so với CTĐT chuẩn. Cụ thể, đối với chuẩn đầu ra về khối kiến thức nhóm ngành, ngoài việc sinh viên hiểu được các kiến thức cơ bản về nguyên tắc kế toán, nguyên tắc marketing và các lý thuyết tiền tệ- ngân hàng, sinh viên chương trình đào tạo CLC còn phải hiểu và áp dụng được các kiến thức nâng cao để vận dụng vào xử lý các tình huống thực tiễn ở môi trường làm việc trong nước và quốc tế. Đối với chuẩn đầu ra về khối kiến thức ngành, sinh viên CLC TCNH được trang bị thêm kiến thức ngành chuyên sâu hơn, đa dạng hơn, cập nhật với thực tế hơn thông qua các học phần mới và các chuyên đề chuyên môn chỉ riêng có ở chương trình CLC.

Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra về tiếng Anh của CTĐT CLC tương đương bậc 4/6 (cao hơn chuẩn đầu ra tiếng Anh của CTĐT chuẩn là 3/6), vì thế sinh viên chương trình CLC TCNH có khả năng nghiên cứu các tài liệu, nguồn tin tức bằng tiếng Anh giúp sinh viên chủ động hơn trong việc học tập, nghiên cứu trước mắt cũng như việc lĩnh hội các kiến thức đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tuyển dụng trong nước và nước ngoài sau này.

2. Về kỹ năng

2.1. Kỹ năng chuyên môn

Các kỹ năng nghề nghiệp

- Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực TCNH, có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;

-  Có năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiến hoạt động trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng; bước đầu hình thành năng lực phát triển nghề nghiệp.

Khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề

- Có khả năng lập luận, phân tích nâng cao và chuyên sâu các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực TCNH, bao gồm phân tích, đánh giá các xu hướng quốc tế hóa hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng ở Việt Nam, quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, hoạt động của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, và những vấn đề kinh điển trong kinh doanh ngân hàng như nợ xấu, thẩm định khách hàng mang tính cẩn trọng, hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng hướng tới an toàn và lành mạnh tài chính trên cơ sở áp dụng hiệu quả các thông lệ tiên tiến của thế giới, tạo nguồn vốn đầu tư cho khu vực doanh nghiệp, quản lý tài chính trong doanh nghiệp v.v... và đưa ra những hướng giải quyết cụ thể vào các tình huống khá phức tạp và đa dạng của thực tiễn.

- Có khả năng vận dụng qui trình lập kế hoạch, sắp xếp công việc, quản lý thời gian và nguồn lực;

- Biết tìm kiếm, cập nhật, tổng hợp, khai thác thông tin trong lĩnh vực tài chính ngân hàng;

- Đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành; trình bày được bằng tiếng Anh các vấn đề trong công việc.

Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức

- Có kỹ năng nghiên cứu, phát hiện và giải quyết vấn đề trong lĩnh vực TCNH như: nghiên cứu, dự báo sự vận động của hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, tiềm lực tài chính và khả năng quản lý tài chính của khu vực doanh nghiệp trong tương lai và tác động của sự phát triển đó tới hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung v.v...

Khả năng tư duy theo hệ thống

-  Có khả năng lập luận, tư duy một cách sáng tạo theo hệ thống, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực TCNH.

Bối cảnh xã hội và ngoại cảnh

- Có thể nhận thức được bối cảnh xã hội, ngoại cảnh để áp dụng vào các hoạt động trong lĩnh vực TCNH.

 Bối cảnh tổ chức

-       Có thể nhận thức được bối cảnh tổ chức để áp dụng vào các hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng;

-       Biết nắm bắt văn hóa tổ chức nơi công tác;

-       Biết nắm bắt chiến lược, mục tiêu và kế hoạch phát triển của tổ chức.

Năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn

-       Có sáng tạo trong quá trình thực hiện công việc cụ thể, tích lũy kinh nghiệm để có thể đảm đương những công việc ở những vị trí khác nhau trong tổ chức.

-       Biết đề xuất các phương pháp mới đưa lại lợi ích cho tổ chức, cộng đồng, xã hội.

 Năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong nghề nghiệp

-       Có năng lực sáng tạo và đáp ứng nhanh yêu cầu của thực tiễn trong quá trình thực hiện công việc cụ thể, tích lũy kinh nghiệm để có thể đảm đương những công việc ở những vị trí khác nhau trong tổ chức.

-       Đề xuất các phương pháp mới đưa lại lợi ích cho tổ chức, cộng đồng, xã hội.

2.2. Kỹ năng bổ trợ

Các kỹ năng cá nhân

-       Có khả năng làm việc độc lập; tự học hỏi và tìm tòi, có kỹ năng quản lý thời gian, quản lý công việc của bản thân; định hướng mục tiêu phát triển của bản thân.

-       Có tư duy sáng tạo, duy phản biện, biết đề xuất sáng kiến.

 Làm việc theo nhóm

-       Hình thành, vận hành, phát triển và lãnh đạo nhóm làm việc hiệu quả

-       Biết hợp tác với các thành viên khác trong nhóm;

-       Biết cách chia sẻ thông tin và điều hoà các mối quan hệ trong nhóm trong nhóm.

-       Có kỹ năng làm việc trong các nhóm khác nhau.

·      Quản lý và lãnh đạo

-       Kỹ năng quản lý và lãnh đạo được hình thành trong quá trình học tập thông qua các phương pháp học tập tích cực và làm việc theo nhóm. Bao gồm: Kỹ năng quản lý thời gian, nguồn lực; Kỹ năng xây dựng và thực hiện quy trình tổ chức sự kiện.

Kỹ năng giao tiếp

-       Biết cách lập luận, sắp xếp ý tưởng;

-       Có kỹ năng giao tiếp tốt (kỹ năng thuyết trình và chuyển giao kiến thức dưới dạng nói và văn bản; kỹ năng giao dịch qua điện thoại, e-mail).

-       Biết cách huy động các nguồn tài trợ cho dự án, sự kiện.

Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ

-       Giao tiếp tốt được bằng tiếng Anh, có thể hiểu được của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành tài chính ngân hàng có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn;

-       Trình độ tương đương bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Các kỹ năng bổ trợ khác

- Đương đầu với thách thức, rủi ro.

- Thích nghi đa văn hóa.

- Sử dụng thành thạo Microsoft Office (Word, Excel, Power Point) và phần mềm thống kê (SPSS, EViews…) trong công việc. Sử dụng thành thạo Internet và các thiết bị văn phòng.

Ngoài chuẩn đầu ra về kiến thức, chuẩn đầu ra về kỹ năng của sinh viên chương trình CLC TCNH cũng được yêu cầu cao hơn chương trình đào tạo chuẩn. Bên cạnh việc vận dụng được các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng để bước đầu hình thành năng lực phát triển nghề nghiệp, sinh viên chương trình CLC phải biết chủ động tìm kiếm, cập nhật, tổng hợp và khai thác được các thông tin trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Với chuẩn đầu ra tiếng Anh cao hơn hệ chuẩn, sinh viên chương trình CLC hoàn toàn chủ động trong việc nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, khai thác thông tin, lập luận và trình bày các vấn đề trong công việc bằng tiếng Anh để làm chủ kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tuyển dụng trong và ngoài nước.

Số tín chỉ của khung chương trình CLC nhiều hơn CTĐT chuẩn 15 tín chỉ, cùng với thời lượng thực tập thực tế gấp đôi so với hệ chuẩn sẽ giúp sinh viên chương trình CLC TCNH có kỹ năng lập kế hoạch, sắp xếp công việc, quản lý thời gian và nguồn lực hiệu quả. Các chương trình kiến tập và thực tập thực tế tạo điều kiện cho sinh viên chương trình CLC tiếp cận sớm hơn với các môi trường và văn hóa làm việc đa dạng, từ đó hình thành cho sinh viên tư duy sáng tạo và nhạy bén hơn trong việc giải quyết công việc trong thực tế và đưa ra các sáng kiến công việc.

2.3. Về phẩm chất đạo đức

 Phẩm chất đạo đức cá nhân

- Có phẩm chất đạo đức cá nhân như: Tự tin, linh hoạt, đương đầu với rủi ro, nhiệt tình, có tinh thần tự tôn...

·    Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp

- Có các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp như: trung thực, có trách nhiệm, chủ động lên kế hoạch cho nghề nghiệp của mình, chủ động khám phá kiến thức và cập nhật thông tin liên quan đến nghề nghiệp.

- Có khả năng thích nghi với môi trường công tác.

Phẩm chất đạo đức xã hội

- Tôn trọng pháp luật, làm việc với tinh thần kỷ luật cao.

- Có lối sống tích cực và có tinh thần hướng về cộng đồng.

2.4. Năng lực tự chủ và trách nhiệm

- Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường đa văn hóa.

- Tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

- Có khả năng đưa ra kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn trong lĩnh vực TCNH.

- Có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể.

- Có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn trong tổ chức ở quy mô trung bình.

         Năng lực tự chủ và trách nhiệm là yêu cầu chuẩn đầu ra riêng cho sinh viên chương trình CLC TCNH so với chương trình đào tạo chuẩn.

2.5. Vị trí việc làm mà sinh viên TCNH CLC có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp

            Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN hướng tới đào tạo các Chuyên gia Tài chính Ngân hàng ứng dụng - Professional Financiers and Bankers để đảm nhận các vị trí công việc chuyên môn tại các doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính –xã hội khác. Với những kiến thức cơ bản và nâng cao về chuyên ngành được đào tạo, các sinh viên tốt nghiệp chương trình cử nhân TCNH CLC của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có thể đảm nhận được những vị trí công việc như sau: 

§ Nhóm 1: Các chuyên viên tài chính, cán bộ tín dụng, cán bộ phân tích tài chính và có thể cân nhắc làm trưởng nhóm làm việc tại các ngân hàng, các doanh nghiệp, công ty chứng khoán, công ty tài chính, quỹ đầu tư, các định chế tài chính khác ở trong và ngoài nước; có định hướng phát triển thành cán bộ quản lý trong tương lai.

§ Nhóm 2: Cán bộ, chuyên viên tài chính ngân hàng tại các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban giám sát Tài chính, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ chính sách tiền tệ trực thuộc các Bộ, và các cơ quan trực thuộc Chính phủ và các Ban ngành khác; có định hướng phát triển thành cán bộ quản lý trong tương lai.

§ Nhóm 3: Các chuyên viên, cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về tài chính ngân hàng làm việc tại các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu hoặc các tổ chức khác; có định hướng phát triển thành cán bộ quản lý trong tương lai.

2.6. Khả năng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

Với những kiến thức cơ bản và chuyên sâu được tích lũy từ trong quá trình học, tân cử nhân tài chính ngân hàng CLC có khả năng tự đọc, tự tra cứu và tiếp cận đến hệ thống tài liệu văn bản, giáo trình, sách chuyên khảo, bài báo khoa học để nâng cao kiến thức chuyên sâu phục vụ cho vị trí công việc cụ thể mà mỗi sinh viên đảm nhận tại đơn vị được tuyển dụng.

Sinh viên tốt nghiệp CTĐT có khả năng tiếp tục trau dồi them kỹ năng ở môi trường làm việc thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các cán bộ đồng nghiệp, cán bộ quản lý và chuyên gia trong các lĩnh vực mà học viên theo đuổi.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Tài chính – Ngân hang hoặc các chuyên ngành liên quan.


Khoa TCNH

FullName Email
Address Security code SXENAD
Content