Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Hội thảo Công bố Báo cáo “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2014 và một số tác động đối với Việt Nam”

Ngày 6/8/2014, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2014 và một số tác động đối với Việt Nam”.

Đến dự Hội thảo có sự góp mặt của các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín bao gồm: Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế TW, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội (Bộ Kế hoạch - Đầu tư); Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Vụ Tổng hợp Kinh tế, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Chính sách Đối ngoại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao); giảng viên và sinh viên các trường đại học…

Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR phát biểu khai mạc, giới thiệu về Hội thảo. Đây là báo cáo thứ tư trong chuỗi Báo cáo Thường kỳ Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc định kỳ 6 tháng một lần do nhóm nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) thực hiện.

Ngay sau đó, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc trình bày những nội dung chính của Báo cáo Thường kỳ kinh tế vĩ mô Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2014 và một số tác động đối với Việt Nam. Báo cáo gồm 3 phần chính: (1) Tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc nửa đầu năm 2014, (2) Những vấn đề của kinh tế Trung Quốc và (3) Chính sách của chính phủ Trung Quốc.

Về các chỉ số kinh tế vĩ mô, Báo cáo cho thấy về tăng trưởng kinh tế: GDP quý I: 7,4%, quý II: 7,5%, nửa đầu năm: 7,4%. 2014 là năm ban hành chính sách cải cách kinh tế quan trọng và là thời kì điều chỉnh của kinh tế Trung Quốc. Tỉ trọng của các ngành dịch vụ trong GDP tiếp tục vượt tỉ trọng của nhóm ngành công nghiệp (46,6% so với 46%). Trung Quốc duy trì được tỉ lệ tăng trưởng kinh tế song song với quá trình phục hồi của các nền kinh tế chủ chốt thế giới: kinh tế Mỹ và EU đều đã phục hồi, trong đó kinh tế Mỹ có sự tăng trưởng  mạnh nhất nhờ vào sự khởi sắc của tiêu dùng tư nhân; EU phục hồi nhẹ và quá trình phục hồi này tiếp tục được củng cố nhờ các tiến triển mới trong hợp tác tài chính - tiền tệ giữa các nước trong khối, dù phục hồi của các nước miền Nam vẫn còn yếu; đà phục hồi của Nhật Bản dần chậm lại. Về tình hình lạm phát: CPI nửa đầu năm chỉ là 2,3%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mục tiêu cả năm 3,5%. CPI tiếp tục do nhóm CPI thực phẩm quyết định. Lĩnh vực đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc - đặc biệt là sau khủng hoảng 2008 và giai đoạn điều chỉnh kinh tế. Hai vấn đề chính của kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2014 là ần ổn định tăng trưởng để ổn định nền kinh tế và cần tái cân bằng nền kinh tế trong dài hạn.

Báo cáo cũng chỉ ra các chính sách ứng phó với tình hình nửa đầu năm 2014. Trọng tâm là chính sách kích thích quy mô nhỏ, có định hướng. Cần phải nâng tầm quan hệ với Nga thành Đối tác chiến lược toàn diện, cam kết nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD vào 2015 và 200 tỉ USD vào 2020, tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao, chế tạo máy bay dân dụng, đẩy nhanh tiến độ cung cấp khí đốt của hợp đồng đã kí, chuẩn bị kế hoạch hợp tác trọn gói về cung cấp dầu mỏ từ Nga sang Trung Quốc.

Phần hai là bài trình bày của TS. Bùi Trinh về "Thay đổi cấu trúc kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các tác động đến Việt Nam". Bài nghiên cứu dựa trên phương pháp phân tích đầu vào - đầu ra đánh giá tác động lan tỏa của thành phần trong tổng cầu tới thu nhập và giá trị sản xuất của Việt Nam, đồng thời so sánh giá trị lan tỏa đó với Trung Quốc. Theo đó, cầu cuối cùng của Việt Nam có tác động lan tỏa yếu hơn so với Trung Quốc.

Tiếp đó, bài nghiên cứu đưa ra các kịch bản ảnh hưởng có thể xảy ra về hoạt động kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm đánh giá các tác động tiêu cực của các ảnh hưởng đó tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các kịch bản đã chỉ ra nhiều mức độ ảnh hưởng xấu khác nhau tới GDP, tuy nhiên, nếu Việt Nam biết tân dụng cơ hội, chủ động điểu chỉnh cơ cấu sản xuất và xuất khẩu, GDP của Việt Nam vẫn có khả năng cải thiện trong thời gian tới. Sau đó, TS. Nguyễn Đức Thành cũng giới thiệu những kết quả ban đầu đạt được về tác động tiêu cực từ quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc  tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên phương pháp cân bằng tổng thế để hội thảo cùng bàn luận.

Báo cáo Thường kỳ kinh tế vĩ mô Trung Quốc đã đón nhận nhiều ý kiến góp ý quý báu từ các chuyên gia cao cấp và các nhà hoạch định chính sách đồng thời gợi ý Báo cáo có thể thực hiện các nghiên cứu chuyên đề nhằm làm sâu hơn một số nội dung.


N.N

FullName Email
Address Security code GOVESD
Content