Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Hội thảo quốc tế “Trạng thái thông thường mới của nền kinh tế Trung Quốc: Triển vọng đối với phát triển kinh tế và ổn định trong khu vực”

Là hội thảo khoa học quốc tế do Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 4/9/2015 vừa qua.

Tiếp nối thành công của hội thảo khoa học “Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động đa chiều đối với khu vực” diễn ra ngày 28/11/2014, hội thảo lần này đã quy tụ được nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã phát biểu khai mạc, giới thiệu tới các đại biểu về hội thảo cũng như Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc mà Viện đang triển khai. Đây là năm thứ tư hội thảo thường niên này được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi khoa học của các học giả trong nước và quốc tế về tình hình kinh tế Trung Quốc đương đại.

TS. Nguyễn Đức Thành và GS. Park Sang Soo (Đại học Quốc lập Chungbuk, Hàn Quốc) chủ trì phiên đầu tiên của hội thảo


Hội thảo năm nay tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế và chiến lược của Trung Quốc dưới thời của thế hệ lãnh đạo thứ 5 (thời Tổng bí thư Tập Cận Bình) trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội.
GS. Lưu Thuỵ
GS. Lưu Thuỵ báo cáo đề dẫn
Ngay sau đó, GS. Lưu Thụy - Phó viện trưởng Viện Kinh tế học Đại học Nhân dân Trung Quốc (Trung Quốc) đã trình bày báo cáo đề dẫn “Giải quyết vấn đề dư thừa sản xuất trong công nghiệp truyền thống của Trung Quốc theo chiến lược Một vành đai - Một con đường”. Trong báo cáo của mình, GS. Lưu Thụy đã chỉ ra vấn đề dư thừa trong sản xuất tại một số ngành công nghiệp truyền thống của Trung Quốc và phương hướng giải quyết của nước này trong việc hợp tác với các quốc gia nằm trong khu vực chiến lược “Một vành đai - Một con đường”.
Sau báo cáo đề dẫn, hội thảo chia thành hai tiểu ban Kinh tế và Chiến lược giúp các đại biểu có thể dễ dàng theo dõi chủ đề mình quan tâm.
Tại Tiểu ban Kinh tế, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) đã trình bày bài báo cáo “Trạng thái của kinh tế Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình: Mới hay cũ?”. TS. Phạm Sỹ Thành đã đem đến những thông tin và phân tích đa chiều về sự thay đổi cấu trúc quy hoạch chính sách dưới thời Tập Cận Bình cùng những rủi ro mà Trung Quốc có thể gặp phải khi chuyển sang “trạng thái thông thường mới”.
Tiếp đó, TS. Trần Toàn Thắng - Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày bài báo cáo Phụ thuộc thương mại Việt Nam - Trung Quốc và một số ngụ ý chính sách”.Trong báo cáo của mình, TS. Trần Toàn Thắng đã đưa đến các thông tin về hợp tác thương mại và ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc trong từng thời kỳ và từ đây đưa ra các nhân định sâu sắc về tình trạng quan hệ thương mại của hai nước. 

TS. Phạm Sỹ Thành chủ trì Tiểu ban Kinh tế


Tại tiểu ban Kinh tế, các đại biểu còn được nghe báo cáo “Nghiên cứu về tự do hóa tài khoản vốn và cơ chế điều chỉnh vĩ mô của quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”củaPGS. Lưu Tịnh - Học viện Quản lý kinh tế, Đại học Chính pháp Tây Bắc (Trung Quốc) trình bày; cùng báo cáo “Dòng vốn đầu tư trực tiếp ra bên ngoài mang “đặc sắc” Trung Quốc và xu hướng vận động trong tình hình mới”của ThS. Đặng Ngọc Trâm - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Tiểu ban Chiến lược, TS. Dương Lợi Phong - Đại học Giao thông Tây An (Trung Quốc) đem đến thông tin bổ ích liên quan tới văn hóa và chuyển giao kiến thức trong báo cáo “Ảnh hưởng của văn hóa tới chia sẻ kiến thức: Xét từ lý thuyết và bằng chứng thực tế”. Ngoài ra, hiện trạng về sự hiện diện của Trung Quốc trong kinh tế, chính trị và đời sống của người dân Malaysia được mang tới dưới góc nhìn khách quan và đầy đủ qua báo cáo của GS. Ruhanas Harun - Khoa Nghiên cứu chiến lược, Trường Đại học Quốc phòng Quốc gia Malaysia (Malaysia).

Chủ trì Tiểu ban Chiến lược là TS. Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh (SCIS)


Cũng tại Tiểu ban Chiến lược,
TS. Thanyathip Sripana - Viện Nghiên cứu Châu Á, Trường Đại học Chulalongkorn, Bangkok (Thái Lan) phản ánh một cách chân thực và rõ nét về hiện trạng khách du lịch Trung Quốc tại Thái Lan cũng những ứng xử văn hóa của họ qua báo cáo Sự hiện diện của Trung Quốc tại Thái Lan thông qua du lịch”.
Biển Đông đang là một trong những vấn đề “nóng” được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, chính vì vậy, báo cáo của ThS. Phạm Ngọc Minh Trang - Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học KHXH&NV, Tp.HCM với chủ đề Luật quốc tế và các tranh chấp trên Biển Đông: Các đề xuất cho ASEAN” đã cung cấp những thông tin vô cũng hữu ích trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng luật pháp quốc tế.
Phần thảo luận của hội thảo diễn ra sôi nổi với những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia kinh tế và chiến lược cao cấp. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong kinh tế đang là vấn đề được tất cả các chuyên gia quan tâm và mong muốn có được cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến văn hóa chiến lược cũng rất được quan tâm bởi sự “bành trướng” không ngừng của quốc gia đông dân nhất thế giới này tới mọi khu vực. Tại đây, ngoài việc chỉ ra hiện trạng, các chuyên gia cũng đã đưa ra được rất nhiều giải pháp mang tính chiến lược trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới kinh tế, văn hóa...
Sau 2 phiên diễn ra tích cực, hội thảo đã kết thúc thành công vào buổi chiều cùng ngày.

Tin: VEPR - Ảnh: Thân Đức

FullName Email
Address Security code HIHWZA
Content