Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Trường ĐH Kinh tế định hướng hoạt động nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020

TS. Nguyễn Mạnh Thế giảng trong khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu
Để chuẩn bị những định hướng lớn cho hoạt động nghiên cứu của Nhà trường trong 5 năm tới và nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với sứ mệnh, mục tiêu phát triển trở thành trường đại học nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN đang xúc tiến xây dựng danh mục các đề tài nghiên cứu cho giai đoạn 2016-2020.

Đây cũng là cơ sở phát triển các hướng nghiên cứu chính về kinh tế - xã hội của Trường, thúc đẩy công bố của các nhóm nghiên cứu nhiều hơn và tập trung vào những hướng trọng tâm, thu hút mạnh mẽ hơn các đề tài, dự án nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước.

“Danh mục đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020” do các Khoa, Viện, Trung tâm trực thuộc Trường đề xuất sẽ bao phủ các chủ đề nghiên cứu cấp thiết nhất của phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong bối cảnh hiện nay và đặt trong xu hướng vận động của chiến lược phát triển 5 năm tới. Trong mỗi chủ đề nghiên cứu sẽ gồm một số đề tài cụ thể, nổi bật và có ý nghĩa quan trọng về học thuật và thực tiễn.

Để hỗ trợ cho việc xây dựng danh mục đề tài nghiên cứu của các đơn vị cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu cho các cán bộ, giảng viên của Trường, Trường ĐHKT đã tổ chức chương trình giảng dạy chuyên đề về phương pháp nghiên cứu và chuỗi seminar những vấn đề kinh tế - xã hội với diễn giả là các chuyên gia hàng đầu.
Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh và TS. Nguyễn Mạnh Thế (Trưởng khoa và Phó trưởng Khoa Toán - Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đã tham gia giảng dạy các khoá học về khai thác cơ sở dữ liệu, phương pháp thống kê, phương pháp lượng cơ bản và nâng cao với các phần mềm nghiên cứu như Eview, STATA và SPSS. Khoá học đã thu hút các giảng viên, cán bộ và nghiên cứu sinh của Trường tham gia học tập.
TS. Đinh Thị Thanh Vân (Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐHKT) chia sẻ: “Tôi đã tham dự một số khóa học về phương pháp nghiên cứu trước đây nhưng khi tham gia khoá học này, tôi thực sự thích thú vì các giảng viên rất nhiệt tình, đặc biệt có chương trình và phương pháp giảng dạy dễ hiểu giúp cho chúng tôi có thể nắm được nội dung dù rất khó. Chương trình đào tạo như thế này rất hữu ích cho các cán bộ nghiên cứu như chúng tôi cũng như các giảng viên trẻ trong Khoa. Tôi hy vọng Trường có thể tổ chức tiếp các khóa tương tự và nâng cao để các giảng viên tiếp tục nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học theo chuẩn mực quốc tế.”

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu tại các seminar chuyên đề
Chuỗi seminar những vấn đề kinh tế - xã hội mở đầu với buổi trao đổi của TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chuyên gia hàng đầu về kinh tế vĩ mô, về chuyên đề “Hội nhập kinh tế quốc tế và Việt Nam hướng tới 2035”. Một số vấn đề kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay đã được chuyên gia chia sẻ, trong đó, đề cập đến những khía cạnh như: vấn đề tỉ giá, chính sách tiền tệ, hội nhập quốc tế, một số dự báo kinh tế trong năm 2016.

TS. Võ Trí Thành trao đổi về các vấn đề kinh tế thế giới và Việt Nam
PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi tại semianr thứ hai về “Một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn đến 2020”, trong đó nêu lên bối cảnh và xu hướng phát triển thế giới; quan điểm, phương hướng và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Buổi trao đổi của PGS.TS Bùi Tất Thắng


Một số vấn đề phát triển thị trường tài chính  ở Việt Nam trong giai đoạn tới” là chủ đề trao đổi của TS. Cấn Văn Lực - Hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV. Trong đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh một số nội dung về tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2015-2016; xu thế thị trường tài chính toàn cầu; tình hình thị trường tài chính Việt Nam hiện nay; và gợi mở những giải pháp và hướng nghiên cứu về chủ đề này.

Buổi trao đổi của TS. Cấn Văn Lực
Chuỗi seminar chuyên đề tiếp tục diễn ra với nhiều buổi trao đổi do các chuyên gia trong ĐHQGHN và Trường ĐHKT trình bày. Đặc biệt PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học Công nghệ (ĐHQGHN) trình bày về phát triển nghiên cứu khoa học trong đại học nghiên cứu như là một giải pháp tăng cường nguồn lực tài chính cho trường. Diễn giả đã trình bày chi tiết và sống động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức song phương và đa phương quốc tế cũng như từ các cơ quan tổ chức bộ ngành trong nước; các quy định mới nhất của nhà nước về tổ chức triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. PGS.TS. Vũ Văn Tích cũng chia sẻ về mô hình tổ chức  nên có ở trường đại học nghiên cứu để kết nối nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng triển khai của xã hội với các  khoa, trung tâm và phòng ban trong trường.

PGS.TS Vũ Văn Tích với buổi trao đổi về phát triển nghiên cứu khoa học


Phát biểu tại các chương trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoá đào tạo/seminar gắn liền với thực tiễn trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu của các đơn vị nói chung và của các giảng viên nói riêng. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh định hướng của ĐHQGHN về một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng cảm ơn ĐHQGHN đã dành nguồn lực tài chính cho Trường ĐHKT để thực hiện chuỗi đào tạo/seminar này; cám ơn các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài trường đã tham gia giảng dạy, trao đổi. Hiệu trưởng Trường ĐHKT cho biết: những kiến thức này sẽ là nền tảng quý báu góp phần nâng cao năng lực, định hướng nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên của Trường trong giai đoạn tới.

Đỗ Chiêm - Lê Trung Thành

FullName Email
Address Security code VYEHMZ
Content