Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Các cam kết gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam trong lĩnh vực Ngân hàng, Chứng khoán và Bảo hiểm


1. Lời văn Chương Dịch Vụ Tài chính (DVTC)

Lời văn Chương DVTC quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tài chính, nhà cung cấp dịch vụ tài chính, nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và các cơ quan có thẩm quyền quản lý của các nước thành viên TPP, đồngthờixác lập môi trường pháp lýcho hoạt động cung cấp các DVTCtrên thị trường các nước TPP. Chương DVTC bao gồm các nghĩa vụ cốt lõi tương tự như trong các Hiệp định mà ta đã ký kết, bao gồm: Đối xử quốc gia (NT), Đối xử tối huệ quốc (MFN), Mở cửa thị trường (MA), Thương mại qua biên giới (CBT), Nhân sự cấp cao và Hội đồng Quản trị (SMBD).

 

- Nghĩa vụ NT yêu cầu nước thành viên TPP không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư[1] của các nước thành viên Hiệp định TPP khác và nhà đầu tư trong nước.

 

- Nghĩa vụ MFN yêu cầu nước thành viên TPP phải đối xử với nhà đầu tư của nước thành viên TPP khác không được kém ưu đãi hơn so với nhà đầu tư của các nước thành viên TPP còn lại cũng như nhà đầu tư của các nước ngoài TPP.Như vậy, trường hợp ta dành bất kì ưu đãi hơn cho một nhà đầu tư nàotrong hoặc ngoài TPP thì tất cảcác nước tham gia Hiệp định TPP cũng sẽ được hưởng mức ưu đãi đó.

 

- Nghĩa vụ MA yêu cầu mở cửa thị trường đối với DVTC và đầu tư vào lĩnh vực DVTC thông qua việc yêu cầu nước thành viên TPP không được phép duy trì và áp dụng các biện pháp hạn chế thị trường. Cụ thể, các nước thành viên có nghĩa vụ không được áp dụng các biện pháp về (i) Hạn chế định lượng: Số lượng các tổ chức tài chính, Tổng giá trị các giao dịch và tài sản, Tổng số các hoạt động hoặc số lượng đầu ra, Tổng số thể nhân có thể được tuyển dụng; (ii) Hạn chế hoặc có yêu cầu cụ thể về hình thức pháp lý.

 

- Nghĩa vụ Thương mại qua biên giới (CBT) yêu cầu nước thành viên đối xử quốc gia với các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới theo danh mục các dịch vụ được phép thực hiện CBT mà nước thành viên đó đã cam kết tại Phụ lục CBT[2].

 

Đồng thời, nước thành viên không được hạn chế khách hàng tiêu dùng DVTC được cung cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới. Tuy vậy, nghĩa vụ này không đồng nghĩa với việc phải cho phép các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới được quyền thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc chào hàng trong lãnh thổ của nước thành viên TPP khác. Việc định nghĩa thế nào là thực hiện hoạt động kinh doanh và chào hàng sẽ do các nước tự định nghĩa nhưng ko được trái với các cam kết về CBT.

 

- Nghĩa vụ SMBD quy định việc không đặt ra các yêu cầu về quốc tịch đối với Nhân sự cao cấp; và không yêu cầu về số thành viên Hội đồng Quản trị (trên mức tối thiểu trong tổng số thành viên Hội đồng quản trị) phải có quốc tịch hay cư trú tại nước sở tại.

 

Ngoài việc điều chỉnh các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính, Chương DVTC còn quy định các nội dung được áp dụng chéo từ Chương đầu tư. Cụ thể là các nghĩa vụ về bảo hộ đầu tư như nguyên tắc đối xử tối thiểu (MST), cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư và nhà nước (ISDS)...Đây đều là các nghĩa vụ ta đã từng cam kết trong khuôn khổ một số Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Đầu tư song phương.

 

Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, trong khuôn khổ Hiệp định TPP, Việt Nam đã cam kết nghĩa vụ mới so với mặt bằng cam kết trong WTO như sau:

 

- Cung cấp DVTC mới: Quy định yêu cầu nước thành viên nếu cho phép tổ chức tài chính của mình cung cấp dịch vụ tài chính mới (mà không cần phải xây dựng mới hoặc sửa đổi luật), thì cũng phải cho phép các tổ chức tài chính của nước TPP khác cung cấp dịch vụ tương tự.

 

- Các biện pháp minh bạch và quản lý: Để các tổ chức tài chính của các nước TPP có thể tiếp cận và hoạt động hiệu quả trên thị trường của nhau, các nước thành viên ghi nhận tầm quan trọng của việc minh bạch hóa các chính sách quy định hoạt động của các tổ chức tài chính thông qua việc công bố công khai các luật, quy định trước khi ban hành/đang được áp dụng và giải quyết thỏa đáng các góp ý liên quan. Cơ quan quản lý của các nước TPP cũng phải cam kết khung thời gian nhất định để phúc đáp nhà đầu tư các vấn đề liên quan trong quá trình cấp phép.

 

- Cấp phép nhanh các dịch vụ bảo hiểm: Các bên sẽ nỗ lực duy trì hoặc cải thiện các thủ tục hiện hành như việc cho phép giới thiệu sản phẩm trong một thời gian hợp lý, không yêu cầu hoặc chấp thuận cấp phép sản phẩm đối với sản phẩm bảo hiểm khác hoặc bảo hiểm bán cho cá nhân, bảo hiểm bắt buộc.

 

2. Phụ lục Thương mại qua biên giới

 

Việt nam cam kết cho phép các nước TPP cung cấp qua biên giới các DVTC sau đây:

-  Việc cung cấp và chuyển thông tin tài chính, xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan, áp dụng đối với dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác (ngoại trừ dịch vụ bảo hiểm)

- Các dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ khác, không bao gồm trung gian môi giới liên quan đến dịch vụ ngân hàng, dịch vụ giao dịch chứng khoán thông qua tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng

- Dịch vụ bảo hiểm cho các rủi ro liên quan tới:

(i) vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không thương mại quốc tế với khoản bảo hiểm để bảo hiểm cho toàn bộ hoặc một phần các hàng hoá được vận chuyển, phương tiện vận chuyển hàng hóa và bất cứ nghĩa vụ phát sinh từ đó; hàng hoá vận chuyển quá cảnh quốc tế;

(ii) Dịch vụ tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm;

(iii) Dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới;

(iv) Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm qua biên giới.

 

3. Các cam kết cụ thể

 

- Chuyển thông tin: Các nước TPP phải cho phép tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động trên thị trường của mình được phép chuyển thông tin dạng điện tử hoặc dạng khác vào và ra khỏi lãnh thổ nhằm mục đích xử lý thông tin vì các mục đích hoạt động kinh doanh thông thường. Tuy nhiên, cơ quan quản lý của mỗi nước vẫn duy trì quyền áp dụng các biện pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, thông tin và bí mật cá nhân hay yêu cầu tổ chức tài chính nước ngoài phải xin cấp phép trước từ cơ quan chức năng đối với Bên tiếp nhận thông tin.

 

- Dịch vụ thanh toán Điện tử cho các giao dịch bằng thẻ: Các nước TPPphải cho phépcác công ty cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ cho các giao dịch thanh toán thẻ ở nước ngoài. Đối với Việt nam ta cam kết mở cửa thị trường này như sau:

 

+ Mở cửa thị trường thẻ có mã quốc tế, cho phép các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp qua biên giới các dịch vụ thanh toán bù trừ (không mở cửa thị trường thẻ nội địa).

 

+ Bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu quản lý như bảo mật thông tin khách hàng, các quy định quản lý phí giao dịch và các biện pháp để thực hiện mục tiêu chính sách công.

 

+ Bảo lưu quyền yêu cầu chuyển mạch qua một cổng thống nhất tại đơn vị chuyển mạch thẻ quốc gia.

 

- Dịch vụ quản lý danh mục đầu tư: Các nước TPP cam kết phải cho phép các tổ chức tài chính hoạt động trên lãnh thổ của nước thành viên khác được cung cấp các dịch vụ sau cho các Quỹ đầu tư tập thể nằm trong lãnh thổ của mình:

+ Dịch vụ tư vấn đầu tư

+ Các dịch vụ quản lý danh mục đầu tư không bao gồm: (i) các dịch vụ ngân hàng giám sát; (ii) Các dịch vụ ngân hàng lưu ký và thực hiện các dịch vụ phụ trợ không liên quan đến quản lý quỹ đầu tư tập thể.

 

Đối với Việt Nam, tacam kết cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và dịch vụ quản lý danh mục đầu tư cho các quỹ đầu tư trong nước theo phương thức 1 - cung cấp dịch vụ qua biên giới. Đồng thời, Việt Nam cho phépcung cấp dịch vụ cho công ty quản lý quỹ trong nước đối với phần vốn huy động nhằm mục đích đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam.

 

- Cam kết về cung cấp bảo hiểm bởi các đơn vị bảo hiểm bưu điện: Cam kết không tạo điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn cho các tổ chức bảo hiểm bưu điện (bị trực thuộc hoặc chi phối, trực tiếp hoặc không trực tiếp bởi một tổ chức bưu điện) khai thác và bán bảo hiểm khi tổ chức này cạnh tranh trực tiếp đối với các nhà cung cấp bảo hiểm tư nhân. Cam kết này chỉ áp dụng đối với các tổ chức bảo hiểm bưu điện có thị phần nhân thọ hoặc phi nhân thọ lớn hơn 10% phí gốc tính đến thời điểm ngày 1/1/2013 và không ràng buộc nghĩa vụ cam kết đối với các tổ chức bảo hiểm bưu điện của các nước thành viên TPP trong tương lai được hình thành sau ngày ký Hiệp định TPP.

 

Việt Nam không bị ràng buộc bởi nội dung cam kết này vì các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bưu điện của Việt Nam tính đến thời điểm 1/1/2013 có thị phần nhân thọ hoặc phi nhân thọ nhỏ hơn 10% phí gốc.



[1]Nhà đầu tư bao gồm tổ chức tài chính của bên khác; nhà đầu tư của bên khác, các khoản đầu tư của bên khác vào tổ chức tài chính; các nhà cung cấp thương mại dịch vụ qua biên giới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

[2]Phụ lục CBT được xây dựng theo hình thức “Chọn–Cho của từng nước. Theo đó, các nước thành viên sẽ lựa chọn ngành, phân ngành DVTC cho phép tiến hành cung cấp qua biên giới. Các ngành, phân ngành không có trong Phụ lục CBT được hiểu là không cam kết cho phép thực hiện thương mại qua biên giới.

 


Theo http://www.sbv.gov.vn

FullName Email
Address Security code SBLANO
Content