Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao không phải là ngân sách cấp bù

Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời báo chí nội dung xung quanh gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội chiều ngày 1/3/2017.

Cuộc họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Phiên họp báo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Nội vụ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận hai vấn đề lớn: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và đánh giá tình hình kinh tế-xã hội.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất nhận định, trong hai tháng đầu năm 2017, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngay sau Tết nguyên đán, một tinh thần làm việc mới đã lan tỏa trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, tình hình KT-XH nước ta tháng 2 và hai tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát, trong tháng 02 năm 2017 chỉ tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 0,69% so với tháng 12/2016. Du lịch khởi sắc, tiếp tục đà tăng trưởng, ngay trong 2 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, 2,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 1,658 triệu lượt khách, tăng 17,5%). Xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 27,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ tăng 2,9%). Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Thành lập mới doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực mặc dù là tháng ngay sau Tết nguyên đán. Có trên 14,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 3,9% về doanh nghiệp và 35% về vốn đăng ký; gần 8 nghìn DN hoạt động trở lại…

Kết luận phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm 2 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng trong tổng thể khung khổ chính sách và từng cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện, cả trước mắt và trung, dài hạn. Trước mắt, năm 2017 nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục tạo khí thế khởi nghiệp và thực hiện các Nghị quyết 01, 19, 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách khu vực quản lý công, dịch vụ công.

Thông tin tại cuộc họp báo cũng nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Nghiên cứu, sửa đổi các chính sách tín dụng phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất ưu đãi hợp lý.

Tập trung xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém. Tinh thần là xử lý khẩn trương, quyết liệt nhưng phải có cách làm phù hợp, hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra bất ổn, phải bảo đảm an toàn hệ thống, không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; làm tốt công tác quản lý thu, chi NSNN, chống chuyển giá, trốn thuế; bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia. Làm tốt công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí nội dung xung quanh gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, gói tín dụng này xuất phát trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam. Theo đó, Thủ tướng có nói sẽ dành cần gói tín dụng 100.000 tỷ hỗ trợ DN thực hiện nhiệm vụ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, "gói hỗ trợ này không phải NSNN cấp bù giống như gói tín dụng nhà ở 30 nghìn tỷ đồng mà là NHNN chủ trì giao nhiệm vụ cho các NHTM dành vốn cho vay các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5% để tạo điều kiện cho các DN vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng, vốn, đầu tư tín dụng, trong đó tới đây sẽ sửa một số nghị định về tích tụ ruộng đất. Thay vì sản xuất manh mún, thì sẽ dồn điền đổi thửa sử dụng ruộng đất hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động khu vực nông thôn. “Nói cách khác là DN chỉ làm nòng cốt, cùng với đó triển khai các mô hình hợp tác xã, cung cấp công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị, tạo vùng sản xuất với sưản lượng, giá trị, chất lượng theo mong đợi của người dân” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo thông tin tại buổi họp báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ ngành liên quan có kế hoạch, giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; không để chủ trương của Chính phủ “treo mãi”.


Nguồn: http://www.sbv.gov.vn

FullName Email
Address Security code WHQNZV
Content