Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017: Nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo quan trọng của Chính phủ tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017.

Theo Nghị quyết, Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%, mức tăng trưởng khu vực nông nghiệp 3,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng 7,91%; khu vực dịch vụ 7,19%...

Quyết tâm thực hiện phương án trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực mình; định kỳ hằng quý đánh giá tình hình, báo cáo kết quả thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25 của tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, sáng tạo, quyết liệt hành động; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 19-2017/NQ-CP và số 35/NQ-CP, tạo chuyển biến rõ nét trong các tháng còn lại của năm 2017.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, linh hoạt, hài hòa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để có giải pháp chính sách điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh cho vay theo chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; rà soát, có biện pháp giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới đối với các hộ chăn nuôi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khu vực tư nhân; rà soát tình hình thực hiện các dự án vốn đầu tư nước ngoài, có biện pháp thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường và quy định pháp luật, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định…

 



Nguồn: http://www.sbv.gov.vn

FullName Email
Address Security code PACXPM
Content