Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp lãi suất góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Ngày 7/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong 6 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành, qua đó đáp ứng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần tích cực trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9/6/2017, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 2/6/2017, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã đề ra. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngày 7/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2017, giải pháp về tín dụng theo chỉ đạo tại văn bản số 4060/NHNN-TTGSNH ngày 29/5/2017 và tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:

- Thực hiện đúng các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

- Chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng vay.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố:

- Chủ động đôn đốc và hướng dẫn tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất.

Thống đốc NHNN yêu cầu Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện văn bản này. Định kỳ vào ngày 20 hằng tháng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện các giải pháp nêu tại mục 1; báo cáo tình hình lãi suất huy động và lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam bắt đầu từ kỳ báo cáo tháng 7/2017 về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.


Nguồn: https://www.sbv.gov.vn

FullName Email
Address Security code QTAZDI
Content