Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Bản tin tài chính số 57


1. Cổ phiếu bất động sản, chứng khoán kéo nhau sụt giảm

Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ khi tâm lý nhà đầu tư bị tác động bởi nhiều thông tin tiêu cực trên thế giới

Ngày 22.2, hàng loạt cổ phiếu bị bán mạnh ngay khi thị trường mở cửa giao dịch. Tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan sau những thông tin căng thẳng giữa Nga và Ukraine xuất hiện dồn dập. Đồng thời, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới trong phiên đầu tuần cũng sụt giảm, trái ngược với giá vàng đi lên khiến nhà đầu tư có tâm lý bán ra. Đặc biệt trong đầu phiên chiều, hàng loạt mã blue-chips bị bán mạnh đẩy VN-Index mất hơn 25 điểm và rời khỏi mức 1.500 điểm.

Nhưng sau đó, lực mua dần dần cũng tham gia trở lại. Nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hẹp đà giảm, một số mã lấy lại được đà tăng như ACB, BID, CTG, MBB, STB, TPB... đã giúp VN-Index đóng cửa cuối ngày chỉ còn giảm 7,37 điểm, tương ứng giảm 0,49% xuống 1.503,47 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cuối phiên giảm 6,56 điểm, tương ứng giảm 1,49% còn 434,43 điểm. Số lượng cổ phiếu giảm giá trên cả hai sàn vẫn gấp đôi mã tăng. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng bị bán mạnh, nhiều mã giảm sàn như CEO, DIG, DRH, LDG, VRC. Nhóm cổ phiếu thép cũng có giao dịch kém tích cực với HPG, HSG, NKG, SMC, TLH, TVN… giảm điểm.

Nguồn: https://thanhnien.vn/co-phieu-bat-dong-san-chung-khoan-keo-nhau-sut-giam-post1431972.html 

2. Nhiều vụ đấu giá cổ phiếu bị ế

Dù thị trường chứng khoán giao dịch sôi động nhưng một số doanh nghiệp chào bán cổ phiếu thông qua đấu giá gần đây đều thất bại. 

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá phần vốn góp hơn 17,22 tỉ đồng tại Công ty Truyền hình vệ tinh Việt Nam (VSTV - đơn vị điều hành truyền hình số K ) vào ngày 10.3. Giá trị góp vốn nói trên do Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sở hữu và được bán khởi điểm gần 63 tỉ đồng. Phần vốn góp này tương đương 5% vốn của truyền hình số K . Đây là buổi đấu giá lại phần vốn góp của Đài truyền hình Việt Nam sau khi buổi đấu giá công bố trước đó là ngày 14.2 không thể diễn ra do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia. Hơn nữa, đợt đấu giá này VTV cũng đã chia nhỏ lô cổ phần, thay vì bán 15% phần vốn góp với giá khởi điểm hơn 188,77 tỉ đồng như công bố trước đó thì đợt thì chỉ bán 5% giá trị vốn góp.

Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng công bố đã hết hạn đặt mua cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) bán đấu giá nhưng chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua 800 cổ phần. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tổng số gần 122,2 triệu cổ phần được VNPost đưa ra đấu giá

.Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-vu-dau-gia-co-phieu-bi-e-post1431356.html 

3. Cổ phiếu bất động sản đỡ thị trường

Các cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực trong phiên đầu tuần, với nhiều mã tăng hết biên độ, giúp VN-Index trụ vững ngưỡng 1.500 điểm.

Sự chú ý của thị trường tập trung vào các mã bất động sản trong phiên đầu tuần, khi nhóm này giao dịch tích cực ngay khi mở cửa. CII, NBB mở phiên trên tham chiếu và được kéo lên mức giá trần chỉ sau vài phút. Trong bốn phiên gần nhất, hai mã này ghi nhận ba phiên tăng trần, với tổng biên độ tăng trên 20%.

Ngoài hai mã này, những cổ phiếu bất động sản khác được chú ý như DIG, CEO, QCG, SCR, HQC, đều vượt xa tham chiếu. Các nhóm cổ phiếu đầu cơ, như nhóm Louis ở trạng thái "trắng bảng bên mua", nhóm Hoàng Huy với HHS tăng kịch trần, cổ phiếu liên quan tới FLC cũng giữ sắc xanh từ khi mở cửa.

Trong nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 1,7%, là mã đóng góp tích cực nhất tới đà tăng của VN-Index. GVR có thêm 3%, VRE vượt tham chiếu 1,5%. Diễn biến này giúp VN-Index tăng hơn 6 điểm khi đóng cửa, giữ trên ngưỡng 1.510 điểm. VN30-Index tăng 0,13% lên 1.533 điểm.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index có thêm 1,24%, lên 440 điểm, còn UPCOM-Index tăng gần 1%.

VN-Index vượt 1.510 điểm trong phiên 21/2. Ảnh: VNDirect

VN-Index vượt 1.510 điểm trong phiên 21/2. Ảnh: VNDirect

Sắc xanh chiếm ưu thế khi khép phiên với 286 mã tăng trên HoSE, so với 150 mã giảm. Riêng nhóm VN30, số mã tăng chiếm áp đảo hơn số giảm với tỷ lệ 15:11.

Trong khi cổ phiếu bất động sản "nổi sóng", những nhóm dẫn dắt trong giai đoạn gần đây, như cổ phiếu thép hay ngân hàng, lại giao dịch phân hóa.

Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG chốt phiên giảm 0,8%, HSG, NKG mất trên 1% thị giá. Trong nhóm ngân hàng, ACB, BID, HDB, VCB, TPB chốt phiên trên tham chiếu, tuy nhiên, CTG, STB, TCB giữ sắc đỏ khi thị trường đóng cửa.

Thanh khoản thị trường giữ ở mức trung bình, với sàn HoSE giao dịch hơn 23.400 tỷ, trong đó nhóm VN30 giao dịch chỉ hơn 7.400 tỷ đồng. Khối ngoại hôm nay mua ròng với quy mô gần 200 tỷ đồng trên HoSE.

Nguồn: https://vnexpress.net/co-phieu-bat-dong-san-do-thi-truong-4430161.html 

4. Hết thời dễ ăn cứ 'múc' cổ phiếu là đẻ ra tiền - Cơ hội ở các thị trường mới nổi

Theo Morgan Stanley, trong năm 2022, thị trường chứng khoán Mỹ đối mặt với nhiều thách thức như: định giá cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lạm phát ở mức cao kỷ lục và hành động quá khích của nhà đầu tư.

Sau vài năm tăng không ngừng nghỉ, Goldman Sachs dự báo tỷ suất sinh lợi của các tài sản rủi ro, trong đó thị trường cổ phiếu Mỹ, sẽ kém ấn tượng hơn khi càng về cuối chu kỳ. Rủi ro suy giảm của S&P 500 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ sẽ lên cao trong năm 2022.

Gần đây, thị trường cổ phiếu Mỹ cũng đã điều chỉnh giảm khá nhiều. Tuy nhiên, thị trường còn giảm và mức độ phụ thuộc vào tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Phần lớn các dự báo cho rằng, Fed sẽ tăng tốc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Fed sẽ cố gắng thận trọng trong việc tăng lãi suất quá nhanh. Một trong những mục tiêu mà Fed hướng tới là sự ổn định. Sự thận trọng sẽ giúp Fed tránh tạo ra những biến động quá mạnh trên thị trường tài chính, cổ phiếu lao dốc và lợi suất trái phiếu có thể tăng cao hơn nữa.

Lịch sử cho thấy, một khi thị trường tài chính bất ổn, nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, chậm lại một cách đáng kể, còn thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chịu tác động lớn từ lãi suất cao.

Trong những thập niên 70-80 thế kỷ trước, Fed đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát dẫn đến những cuộc suy thoái với hậu quả nặng nề.

Trong khi chứng khoán Mỹ đối mặt với rủi ro, các nhà đầu tư quốc tế gần đây đổ nhiều tiền hơn vào chứng khoán tại châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Tại Việt Nam, khối ngoại có dấu hiệu quay trở lại sau một thời gian dài bán ròng. Bất chấp VN-Index giằng co, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt trong tuần 14-18/2. 

Tại Trung Quốc, theo EPFR Global, các quỹ chứng khoán của Trung Quốc đại lục đã chứng khiến dòng vốn ròng 16,6 tỷ USD trong tháng Giêng. Thị trường đặt cược vào khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng cao trong năm nay.

Với Việt Nam, rủi ro từ việc Fed tăng lãi suất tới Việt Nam không quá lớn. Theo dự báo của Dragon Capital, TTCK Việt Nam có triển vọng tích cực và cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt thị trường. Nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc mở cửa kinh tế sau đại dịch.

Còn theo VinaCapital, Việt Nam ở vị thế đủ thuận lợi để giữ bình tĩnh trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt từ Fed trong năm nay. Lạm phát ở Việt Nam ở mức dưới 2% trong 2021 và được dự báo sẽ rơi xuống trở lại ở mức 3% trước khi kết thúc năm 2022.

Chứng khoán BSC cho rằng, chu kỳ tiền rẻ có vẻ đã kết thúc, môi trường lãi suất có thể duy trì ở mức thấp và sau đó sẽ nhích dần lên. Nhưng nhìn chung, về tiềm năng tăng trưởng dài hạn, BSC tin tưởng thị trường Việt Nam vẫn được định giá tương đối hấp trong khu vực.

Ngoài ra, chứng khoán Việt Nam còn được hỗ trợ bởi các yếu tố khác như: Lợi nhuận các nhóm ngành dự kiến hồi phục khả quan; nền tảng vĩ mô ổn định và khả năng nâng hạng thị trường lên Emerging Markets. Dư địa tăng trưởng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn và VN-Index theo kịch bản tích cực sẽ đạt 1.782 điểm vào cuối năm 2022.

Nguồn:https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/het-giai-doan-co-phieu-de-ra-tien-de-dang-817130.html 

                                                                                          

 


 


CLB Đầu tư tài chính FIC

FullName Email
Address Security code SZIWVT
Content