Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Khoa Tài chính Ngân hàng tổ chức seminar dành riêng cho nghiên cứu sinh

Ngày 18/01/2018, Khoa Tài chính - Ngân hàng (TCNH), Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN đã tổ chức seminar khoa học định kỳ.

Tham dự seminar có PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cùng các giảng viên và nghiên cứu sinh (NCS) trong và ngoài khoa.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của buổi seminar định kỳ hàng tháng, tạo cơ hội cho NCS trình bày kết quả nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến nhận xét, đóng góp của các giảng viên và NCS khác trong khoa nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu. Seminar cũng là một diễn đàn để  trao đổi học thuật, môi trường nghiên cứu cho các NCS chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, đây là điểm khác biệt của khoa Tài chính Ngân hàng với các khoa khác trong trường.

Buổi seminar lần này có sự tham gia trình bày đề tài của 2 NCS đang tham gia học tập và nghiên cứu tại Khoa Tài chính Ngân hàng:

-     NCS Đoàn Đức Minh với đề tài “Xây dựng Bộ tiêu chí cảnh báo sớm tiền khủng hoảng cho NHTMCP Việt Nam”;

-     NCS Lăng Trịnh Mai Hương với đề tài “Phòng chống gian lận thuế qua hoạt động kiểm toán doanh nghiệp tại kiểm toán nhà nước”.

Và đặc biệt là có sự góp mặt của  NCS đang học ở nước ngoài  Nguyễn Thị Thùy Dung. NCS Thùy Dung trình bày với mong muốn xin ý kiến nhận xét của các giảng viên Trường ĐH Kinh tế trước khi bước ra trình bày tại hội đồng đánh giá. (Tên đề tài: “The non-monotonic relationship between financial integration and cost efficiency: Evidence from Asian commercial banks”).

Trong phần Tổng quan tình hình nghiên cứu, NCS  Lăng Trịnh Mai Hương đã đưa ra nhiều bài viết của các tác giả khác nhau làm căn cứ chứng minh cho lập luận, nghiên cứu của mình. Ngoài ra NCS Mai Hương còn có nêu lên một số lý thuyết về thuế khá hay như: Lý thuyết tam giác gian lận, lý thuyết kim cương gian lận, “theo Yenni Mangoting (2015) cần xây dựng mô hình tuân thủ thuế từ góc nhìn hợp đồng xã hội.”

 
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh cùng NCS của Khoa 

-     NCS Đoàn Đức Minh đã nêu ra được sự cần thiết của đề tài nghiên cứu: Khi một nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn, suy thoái hay khủng hoảng, nhu cầu về tái cấu trúc thường được đặt ra. Cách tiếp cận này là cách tiếp cận bị động và dựa trên cơ sở sửa chữa những khiếm khuyết của hệ thống hiện tại. Cách tiếp cận chủ động đặt vấn đề: chủ động nhận diện các dấu hiệu có thể dẫn đến khủng hoảng, từ đó chủ động tái cấu trúc theo một chiến lược phù hợp để nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu một cách hiệu quả nhất trong điều kiện chưa có nguy cơ khủng hoảng hay suy thoái nghiêm trọng. NCS còn đưa ra những phương pháp nghiên cứu mà luận án của anh sử dụng.                   

-    Về phần NCS Thùy Dung, NCS đi sâu vào vấn đề hội nhập tài chính của các nước châu Á và Mối quan hệ không đơn điệu giữa hội nhập tài chính và hiệu quả chi phí: Bằng chứng từ các ngân hàng thương mại châu Á. NCS đã đưa ra những mô hình và giải thích lí do vì sao lại áp dụng 2 mô hình đo lường chỉ số hội nhập tài chính : FOR1, FLOW1 mà không dùng những chỉ số khác.

Nhận xét về đề tài của NCS, các giảng viên nhấn mạnh về việc thay đổi tên đề tài sao cho phù hợp với hướng nghiên cứu của NCS, nên xem xét các phương pháp nghiên cứu và mô hình được áp dụng để bài luận có thể hoàn thiện hơn.

Buổi thảo luận giữa các giảng viên trong khoa và NCS diễn ra khá sôi nổi với những đóng góp theo chiều hướng xây dựng tích cực sẽ góp phần giúp NCS hoàn thiện hơn nghiên cứu của mình để chuẩn bị cho báo cáo chuyên môn lần sau.

Kết thúc buổi Seminar, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú một lần nữa khẳng định lại lợi ích của việc NCS cũng như Giảng viên khi tham gia vào những buổi Seminar là được chia sẻ kết quả nghiên cứu, được học hỏi, được hoàn thiện hơn đề cương và đề tài nghiên cứu giữa các NCS và giảng viên, tạo điều kiện để NCS có thể bảo vệ đề cương với kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo NCS chuyên ngành Tài chính Ngân hàng.

Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN bắt đầu đào đạo tiến sĩ ngành Tài chính Ngân hàng từ năm 2014 theo Quyết định số 769/QĐ-ĐHQGHN, ngày 13/3/2014 của Giám đốc ĐHQGHN. Hàng năm Khoa Tài chính Ngân hàng đào tạo khoảng 5 đến 7 nghiên cứu sinh và các nghiên cứu sinh của Khoa thường đảm đương các chức vụ quan trọng trong các ngân hàng lớn, quản lý hàng trăm nhân sự với mức lương cao không kém so với các ngân hàng nước ngoài.

Thông tin chi tiết về đào tạo tiến sĩ ngành Tài chính Ngân hàng xin mời bạn đọc xem tại đây

 


Minh Thu (TCNH)

FullName Email
Address Security code XSSIPC
Content