Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

Nhóm nghiên cứu Tài chính xanh bảo vệ thành công cấp cơ sở với 6/6 phiếu xuất sắc

Toàn cảnh buổi bảo vệ
Ngày 18/6/2020, Nhóm thực hiện đề tài cấp nhà nước “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam” đã trình bày báo cáo nghiệm thu trước hội đồng cấp cơ sở tại Hội trường P612 Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

 

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú – Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu. Theo đó, đề tài thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học và xã hội nhân văn phục vụ phát triển kinh tế h xã hội” mã số KX.01.27/16.20 với 3 mục tiêu chính: (1) Luận giải những vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh; (2) Đánh giá thực trạng phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm rút ra những kết luận về sự cần thiết phải phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam; (3) Đề xuất quan điểm và giải pháp chính sách phát triển hệ thống tài chính xanh thúc đẩy kinh tế xanh phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, xây dựng mô hình và lượng hóa tác động của tài chính xanh đến các ngành kinh tế ở Việt Nam.
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú trình bày báo cáo
Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh hơn của các quốc gia, cho thấy vai trò quan trọng của việc sử dụng các nguồn vốn huy động được từ hệ thống tài chính xanh nhằm mục tiêu xanh hóa nền kinh tế. Các quốc gia chỉ có thể được coi là chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng kinh tế khi có thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn xanh huy động được để thể đưa ra một kết quả cụ thể là xây dựng được một nền kinh tế xanh đảm bảo phát triển bền vững.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã xác định yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, trong đó đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế được Chính phủ Việt nam chủ trương thực hiện đi đôi với chiến lược tăng trưởng xanh. Vai trò kiến tạo của Chính phủ trong phát triển hệ thống tài chính xanh chính là là tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống diễn ra trôi chảy, thông suốt và hiệu quả.

PGS. Trần Thị Thanh Tú đưa ra các khuyến nghị nhằm thực hiện mục tiêu phát triển tài chính xanh

 

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 5 nhóm kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống tài chính xanh và 4 nhóm thực trạng phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam hiện nay. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá bằng phương pháp định lượng, mô hình phân tích nhân tố khám phá (EFA) để đánh giá các nhân tố tác động đến mức độ phát triển ngân hàng xanh và đầu tư xanh ở Việt nam. Đây là cơ sở để nhóm tác giả đề xuất các khuyến nghị thúc đẩy ngân hàng xanh, đầu tư xanh ở Việt Nam.

Bằng mô hình Bảng cân đối liên ngành (Input Output Table), nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị cần thay đổi cấu trúc đầu tư vốn để hướng đến nền kinh tế xanh hơn. Các tác giả đã chỉ ra các ngành có đóng góp lan toả cao vào giá trị gia tăng của nền kinh tế và lượng phát thải CO2 thấp là các ngành nông lâm ngư nghiệp, đồng thời giảm thiểu đầu tư vốn vào các ngành khai thác, giao thông vận tải và xây dựng vì đây là nhóm ngành có đóng góp vào giá trị gia tăng (VA) cho nền kinh tế thấp nhưng lượng phát thải CO2 cao.

 
TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy - thành viên chính của nhóm nghiên cứu 

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh hoạt động trọng tâm đề tài là xây dựng được bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển của hệ thống tài chính xanh của Việt Nam (GFI). Theo TS Nguyễn Thị Hồng Thúy, thành viên chính của nhóm nghiên cứu, trưởng khoa Kế toán Kiểm toán cho biết các quốc gia trên thế giới cũng tự phát triển các công cụ và bộ chỉ số tài chính xanh qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, đồng thời, trợ giúp cho các tổ chức trung gian tài chính xanh xác định được chính xác hơn các dự án đầu tư xanh.

Các khuyến nghị, giải pháp, và điều kiện thực hiện giải pháp phát triển hệ thống tài chính xanh ở Việt Nam được nhóm nghiên cứu đề xuất với các lộ trình thực hiện chi tiết, mục tiêu đến năm 2050 tiến tới vận hành toàn diện hệ thống tài chính xanh với 4 trụ cột chính: trung gian tài chính xanh, các công cụ huy động vốn xanh và các doanh nghiệp đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh.

 
 
Các thành viên Hội đồng đánh giá 

Kết thúc buổi báo cáo nghiệm thu đề tài, PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết luận: Đây là một đề tài tốt, có nhiều tính mới, đặc biệt các sản phẩm của đề tài đều vượt tiêu chuẩn. Sản phẩm của đề tài là 3 bài báo quốc tế trên hệ thống Scopus, 5 bài báo trên tạp chí uy tín trong nước, 01 sách chuyên khảo, sản phẩm đạo tạo đã thực hiện là 4 NCS và 4 ThS. Theo như kết quả bỏ phiếu, 6/6 thành viên Hội đồng đánh giá đều cho kết quả nghiệm thu đề tài loại xuất sắc. Các thành viên Hội đồng đánh giá gồm: PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Lê Xuân Bá – Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương – Học viện Ngân hàng; PGS.TS. Lê Thanh Tâm – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung – Trường Đại học Thương Mại và TS. Nguyễn Phú Hà – Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Các đánh giá, góp ý của thành viên Hội đồng nghiệm thu có giá trị vô cùng hữu ích giúp nhóm nghiên cứu có thể hoàn thiện Báo cáo tổng hợp để nghiệm thu cấp Nhà nước.

 Nhóm nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên hội đồng

Có thể thấy, đây là nghiên cứu toàn diện về hệ thống tài chính xanh đầu tiên ở Việt Nam, mở ra hướng nghiên cứu liên ngành giữa tài chính ngân hàng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhóm nghiên cứu với tư cách trực thuộc trường Đại học Kinh tế là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà nội, với vai trò là cơ quan chủ quản thực hiện Đề tài sẽ là một địa chỉ kết nối các nhà khoa học, học giả trong và ngoài nước để phát triển các nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành mới. Kết quả nghiên cứu của Đề tài cũng hướng tới việc đóng góp lớn vào các chương trình đào tạo thạc sỹ Kinh tế, Tài chính Ngân hàng đang thực hiện tại nhiều trường đại học và đặc biệt là Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Duy Khánh - Khoa TCNH



FullName Email
Address Security code AFAQNZ
Content

Other News