Khoa Kinh tế Chính trị
 Search

Văn hóa công sở - Cũ mà mới

Nhằm hỗ trợ sinh viên lớp QH-2008-E có thêm chuẩn bị kỹ càng cho đợt thực tập hè tháng 7/2010 tới, ngày 20/5/2010, Ban điều phối chương trình 16+23 đã tổ chức buổi tọa đàm “Văn hóa công sở - Những điều sinh viên cần biết”.

Với mục đích định hướng và giúp đỡ cho sinh viên những góc nhìn khác nhau của văn hóa công sở, buổi tọa đàm đã vinh dự có sự tham gia của các vị khách mời là: anh Nguyễn Đình Long, Công ty Tư vấn Đầu tư và Giải pháp Công nghệ VISEC@SOLUTIONS, anh Nguyễn Anh Dũng từ Công ty Cổ phần Thương mại Viglacera và chị Lê Thị Hoàng Oanh, đại diện Công ty TNHH Vận tải ELS.

Thẳng thắn và chân thành là những gì có thể nhận thấy từ phía khách mời trong buổi tọa đàm. Văn hóa công sở đóng một vai trò quan trọng bởi nó là một trong những yếu tố tạo nên thành công cho một công ty. Nếu văn hóa được coi là một hàm toán học với nhiều cách khai triển thì văn hóa công sở sẽ có nhiều cách diễn giải khác nhau nhưng thường bắt nguồn từ một người cao nhất trong doanh nghiệp là giám đốc hay người đứng đầu doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, văn hóa cũng có thể coi là mối quan hệ tổng hòa của các yếu tố không gian, tác phong (hay gọi là luật lệ) và mối quan hệ đối xử, tương tác bên trong và bên ngoài. Theo đó mà văn hóa công sở có một mức độ ảnh hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp bởi đôi khi văn hóa công sở sẽ trở thành một tập tục, một thói quen của doanh nghiệp. Lý giải cho vấn đề này là những ví dụ minh họa như mầu xanh đặc trưng của Công ty Cổ Phần Mai Linh, hình ảnh tà áo dài mầu mận chín của các nữ tiếp viên Hàng không Vietnam Airlines… Đánh giá về thực trạng văn hóa công sở ở Việt Nam hiện nay, đa số khách mời và sinh viên tham dự tọa đàm đều cho rằng, văn hóa công sở ở Viêt Nam còn mang tính tình cảm nhiều. Mặc dù đã có công văn của Chính phủ ban hành quy chế về văn hóa công sở tại cơ quan hành chính Nhà nước nhưng thực trạng cho thấy văn hóa công sở ở Việt Nam vẫn chưa được hiện thực hóa bằng thể chế và điều luật sao cho phù hợp và linh hoạt.

Làm thế nào để sinh viên có thể nhanh chóng thích ứng với văn hóa công sở trong thời gian thực tập là câu hỏi được mong chờ nhất trong buổi tọa đàm. Anh Nguyễn Anh Dũng và anh Nguyễn Đình Long cho rằng, đối với sinh viên, giao tiếp là yếu tố quan trọng nhất bởi nó sẽ giúp sinh viên tiếp cận được những vấn đề cần quan tâm ở doanh nghiệp nhanh hơn. Bên cạnh đó, anh Long còn nhấn mạnh yếu tố “tự thân vận động”, bởi nếu sinh viên không biết cách tìm đến các công ty để xin đi thực tập mà chỉ phụ thuộc vào nhà trường thì bản thân sinh viên đó đã đánh mất cơ hội mà không bao giờ có được. Dưới góc độ là chủ doanh nghiệp trẻ, chị Oanh cho rằng, sinh viên nên hội tủ đủ 3 yếu tố là tư duy, kĩ năng và thái độ, mỗi yếu tố sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên khi đi thực tập hay đi làm sau này.

 Tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian không dài nhưng các vị khách mời đã mạnh dạn chỉa sẻ về những kỷ niệm hay kinh nghiệm mà họ có được trong quá trình đi thực tập hay đi làm ở các công ty khác nhau. Những chia sẻ quý báu này sẽ là hành trang cho sinh viên khi đi thực tập và đi làm sau này.


Nguyễn Công Hiếu (Khoa QTKD)

FullName Email
Address Security code ATPCEJ
Content