Khoa Kinh tế Chính trị
 Search

Hội thảo "Những vấn đề kinh tế nổi bật ở Việt Nam năm 2009 và triển vọng 2010 qua góc nhìn sinh viên"

Được tổ chức vào sáng ngày 31/1/2010, Hội thảo trên đã thu hút sự tham dự của đông đảo sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, các trường ĐH trong khối ngành Kinh tế trên địa bàn Hà Nội và đội ngũ các chuyên gia kinh tế.

Đại diện lãnh đạo các phòng ban và các đơn vị trực thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.
Điều đó không chỉ cho thấy sức nóng của chủ đề này mà còn thể hiện sự quan tâm của sinh viên đến hoạt động Nghiên cứu khoa học (NCKH). Có thể nói rằng, đây là một buổi hội thảo đặc biệt và đầy tính mới bởi tất cả các báo cáo đều do sinh viên thực hiện, trình bày và phản biện cũng chính là sinh viên. Các chuyên gia đóng vai trò tư vấn, định hướng và đánh giá về nghiên cứu. Không những thế, hội thảo cũng vui mừng có sự tham gia nhiệt tình của các CLB và đông đảo sinh viên trường bạn: CLB TBC của Học viện Ngân hàng, CLB YRC của Đại Học Ngoại thương, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính.
Thời gian của buổi hội thảo bắt đầu từ 8h nhưng công tác chuẩn bị đã sôi nổi từ rất sớm, các bạn sinh viên đã tham gia nhiệt tình, và trước giờ bắt đầu hội trường đã không còn một chỗ trống với hơn 150 sinh viên tham gia.
Có thể nói năm là 2009 là năm không - thể - làm - ngơ của sinh viên khối Kinh tế, với hàng loạt những diễn biến phức tạp của nền kinh tế trong nước và thế giới. Hội thảo "Những vấn đề kinh tế nổi bật ở Việt Nam 2009 và triển vọng 2010 qua góc nhìn sinh viên" là một cơ hội để các bạn sinh viên bày tỏ quan điểm riêng của mình, giao lưu và trao đổi tri thức và những kinh nghiệm trong hoạt động NCKH. Buổi hội thảo tập trung vào nhìn nhận tổng quan nền kinh tế Việt Nam trong tổng thể của thế giới, từ đó đề ra các đề xuất, giải pháp dưới góc nhìn của sinh viên. Đặc biệt nó còn tạo môi trường "rất sinh viên": cởi mở - thẳng thắn - góp ý xây dựng, và tạo tiền đề cho NCKH sinh viên đa trường, vốn chưa thực sự phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Buổi hội thảo đã được lắng nghe 4 công trình nghiên cứu của các CLB với những màu sắc rất đặc trưng. Mở đầu là trình bày của sinh viên Lý Đại Hùng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kinh tế trẻ YEC - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN về "Tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam 2009" . Với rất nhiều biểu đồ và số liệu, Hùng đã cung cấp cho toàn thể sinh viên và khách mời có mặt tại hội thảo một cái nhìn toàn cảnh, bao quát nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009. Thiết nghĩ, đây là chủ đề mở đầu hợp lý để nối tiếp bằng công trình nghiên cứu sau, tạo sự logic cho lĩnh vực tư duy, đặc biệt đối với các bạn sinh viên chưa có thời gian tim hiểu kỹ đề tài này. Bài thuyết trình được bạn Khiếu Văn Hoàng, lớp QH-2006-E CLC, phản biện với những góp ý chân thành và những thắc mắc đặc biệt quan tâm đến "tăng trưởng nóng": thế nào là tăng trưởng nóng? Và liệu một nền kinh tế trẻ như Việt Nam thì mức GDP 5 - 7% như vậy đã là nóng chưa?
Tiếp đó là phần trình bày của bạn Vũ Thiện Bách đến từ CLB Nhà ngân hàng tương lai TBC - Học viện Ngân hàng với chủ đề "Những hậu quả tiềm tàng của chính sách kích thích kinh tế thời kì khủng hoảng và giải pháp cho những hạn chế của nó". Không giống như CLB YEC, CLB TBC của Học viện Ngân hàng đã chọn cho mình một cách trình bày khá lạ với rất nhiều tranh ảnh. Sinh viên phản biện đề tài này là bạn Vũ Minh Đức - Trường ĐHKT Quốc dân với những điểm chú ý về gói kích cầu 2 sau những kết quả của gói kích cầu 1? Và giải pháp tăng thuế thu nhập liệu có hợp lý khi mà số người có mức lương 4 triệu/tháng là chưa lớn nhưng những hoang mang trong dư luận là không thể tránh khỏi? Qua ý kiến trả lời của Học viện Ngân hàng và nhận xét của TS. Nguyễn Đức Thành thì hai điều quan trọng nhất cần chú ý của một gói kích cầu là: Lương kích cầu là bao nhiêu? Và thời gian cho mỗi gói kích cầu?
Sau khoảng thời gian Tea Break 15 phút vui vẻ, hội thảo lại đến với phần trình bày của Nguyễn Tiến Thanh - CLB MCC Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với đề tài "Tái cấu trúc doanh nghiệp - công cụ chiến lược phục hồi sau khủng hoảng". Có thể nói đây là chủ đề khá thách thức khi mà các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự áp dụng hiệu quả. Cũng chính vì lẽ đó mà phần phản biện của Trường Đại học Ngoại thương cũng đặc biệt quan tâm đến những dấu hiệu để cho thấy doanh nghiệp cần "tái cấu trúc" và các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đã nên và tiến hành như thế nào việc "tái cấu trúc" doanh nghiệp?
Phần thuyết trình thứ 4 là phần trình bày của bạn Võ Huyền My - đại diện cho CLB YRC của Trường Đại học Ngoại thương với chú đề "Marketing thời kì khủng hoảng" - một chủ đề thân thuộc gần gũi với sinh viên qua phần trình bày khá ngắn gọn của đại diện nữ đầu tiên trong buổi hội thảo. Với bài phản biện sắc sảo, bạn Minh Ngọc (QH-2007-E QTKD, ĐHKT - ĐHQGHN), đã đặt ra những vấn đề về chi phí - lợi ích của Marketing thời khủng hoảng và khả năng của Marketing trực tuyến ở Việt Nam.
Sau mỗi phần trình bày của các CLB cũng như phần phản biện, luôn là phần trả lời của đội trình bày và ý kiến của các chuyên gia kinh tế mang tính chất góp ý và gợi mở vấn đề, đôi khi dưới góc nhìn rất hài hước. Có thể các câu trả lời của các đội chưa thể thỏa đáng những vấn đề của người hỏi, nhưng, thiết nghĩ, đây đều là những vấn đề quá lớn, và đưa ra được cũng là một nỗ lực. Buổi hội thảo đã tạo ra một diễn đàn thảo luận rất sôi nổi, không chỉ giữa các nhóm tham gia NCKH, các chuyên gia kinh tế mà còn đông đảo các bạn sinh viên đến dự. Các bạn đã nhanh chóng thoát khỏi những e ngại ban đầu, mạnh dạn đưa ra câu hỏi cho các nhóm. Điều đáng tiếc nhất có lẽ là sự hạn chế về thời gian, hội thảo không thể trả lời hết câu hỏi, nhưng đó cũng là những góp ý vô cùng ý nghĩa mà tất cả chúng ta đều phải ghi nhận.
Tiếp theo đó là phần trao đổi rất thẳng thắn, cởi mở của TS. Nguyễn Đức Thành với sinh viên, không chỉ là những quan điểm toàn diện về kinh tế mà còn là những lời khuyên về việc nghiên cứu khoa học, trình bày một bài nghiên cứu khoa học cho hiệu quả. Tiến sĩ cũng không giấu được sự bất ngờ về thành công của hội thảo: "Tôi thực sự bất ngờ trước sự trưởng thành của các bạn sinh viên trong NCKH. Đây là hội thảo nghiêm túc trong những hội thảo mà tôi đã dự, ngay cả khi mà hội thảo gần kết thúc vẫn chưa có sinh viên nào ra về". Và chắc chắn đúng như những gì thầy - TS. Nguyễn Tiến Thành nhận thấy, mỗi sinh viên đều nghiêm túc lĩnh hội những kiến thức và ra về với một cái đầu đã có những điều mới.
Kết thúc hội thảo, ThS. Lê Thị Thanh Xuân - Phó trưởng Phòng NCKH&HTPT đã thay mặt Nhà trường phát biểu chúc mừng và cảm ơn các trường bạn đã cùng hợp tác để tổ chức một buổi hội thảo thành công và hy vọng trong thời gian tới sinh viên sẽ chủ động tổ chức các buổi hội thảo tương tự với chất lượng ngày càng cao hơn và số lượng ngày càng nhiều hơn.
Dẫu biết rằng vấn đề kinh tế của một quốc gia không thể giải quyết một sớm một chiều, dẫu biết rằng các công trình nghiên cứu của sinh viên còn những thiếu sót, nhưng chúng ta cũng tự hào khi mà những công trình đó đã là những nỗ lực thực sự, và cũng là minh chứng cho tinh thần không xa rời nhưng vấn đề đất nước của sinh viên? Buổi hội thảo đã thoát khỏi sự khô khan của một hội thảo nghiên cứu khoa học như quan niệm mà nhiều sinh viên vẫn hình dung, thay vào đó là không khí thoải mái, thân thiện và những đóng góp cởi mở. Từ những thành công của buổi hội thảo, chúng ta có quyền hy vọng vào những thành công hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKT - ĐHQGHN trong năm tới - một lĩnh vực mà nhà trường rất đầu tư và quan tâm cũng như những thành công của trường bạn.
Trước thềm năm mới, chúng ta cùng hy vọng và phấn đấu cho những mục tiêu của chính chúng ta và những chuyển biến tích cực của nền kinh tế thế giới và nước nhà!

Thầy và trò Trường ĐHKT chụp ảnh kỷ niệm sau hội thảo.

Thầy và trò Trường ĐHKT chụp ảnh kỷ niệm sau hội thảo.


Mai Thanh (Câu lạc bộ Kinh tế trẻ UEB) Ảnh: Trường Nam - Xuân Nhật

FullName Email
Address Security code GVOFOA
Content

Other News