Khoa _KTPT cũ
 Search

Nhóm nghiên cứu Trường ĐHKT tham dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014

(Ảnh: BizLIVE.vn)
Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa diễn ra tại Quảng Ninh cuối tháng 4/2014, nhóm các chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với trưởng nhóm nghiên cứu là PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã đóng góp bài tham luận về tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong bối cảnh tái cơ cấu.

Theo nhóm các tác giả, quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng ở Việt Nam có 8 mục tiêu chính bao gồm: Đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động, thực trạng nợ xấu; Phân loại và đánh giá TCTD; Triển khai phương án cơ cấu lại các TCTD yếu kém và các tổ chức khác; Đảm bảo thanh khoản; Cổ phần hóa (IPO) các NHTMNN; Mua bán, sáp nhập các TCTD; Tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu; Cơ cấu lại hoạt động và hệ thống quản trị.
Có thể nói, về cơ bản, các mục tiêu và lộ trình đặt ra trong đề án tái cơ cấu các TCTD đã được thực hiện. Đến nay, thành công chính của quá trình tái cơ cấu hệ thống NH được thấy nổi bật nhất ở việc đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo sự ổn định trong ngành, từ đó, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao của NHNN trong việc điều tiết thị trường tiền tệ và ngân hàng.
Điểm sáng thứ hai trong quá trình tái cơ cấu thể hiện ở việc đã kiểm soát được các NH yếu kém. Trong số 9 NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì đã có 8/9 NH đã xử lý xong tái cơ cấu bằng cách sáp nhập hay tự tái cơ cấu.
Điểm sáng thứ ba là việc thành lập công ty mua bán nợ (VAMC) và tạo dựng các hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các giai đoạn sau của tái cơ cấu. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động phức tạp và bị ảnh hưởng nặng nề của sự suy thoái kinh tế thế giới, những kết quả đạt được của quá trình tái cơ cấu là rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, 3 nhóm mục tiêu quan trọng nhất cuối cùng là mua bán, sáp nhập các TCTD, tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu, cơ cấu lại họat động và quản trị mới chỉ được thực hiện ở mức độ hình thức. Các NH sau sáp nhập chưa có biểu hiện hồi phục, tỷ lệ nợ xấu được xử lý còn thấp, chủ yếu mang tính kỹ thuật chứ chưa giải quyết tận gốc rễ, quản trị và minh bạch ngân hàng chưa được cải thiện rõ nét.
Tóm lại, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì tiến độ còn chậm so với lộ trình đặt ra. Điều này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chính các mục tiêu đặt ra ở giai đoạn sau và chất lượng cải thiện của các NH sau tái cơ cấu.


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tham luận tại diễn đàn (Ảnh: baoquangninh.com.vn)


Trong bối cảnh đó, nhằm đưa ra các luận cứ khoa học cho việc đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đi sâu nghiên cứu tác động của cấu trúc sở hữu tới khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh tái cơ cấu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ tập trung vốn chủ sở hữu và tỷ lệ sở hữu tư nhân có tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời của các NHTM. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu có tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời của ngân hàng.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng đồng nhất với các nghiên cứu trước vềtác động cùng chiều của quản trị công ty đến khả năng sinh lời của các NHTM.
Các phát hiện về tác động của cấu trúc sở hữu và quản trị công ty đến khả năng sinh lời của các NHTM ở Việt Nam trong nghiên cứu này có nhiều tương đồng với các kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài về tác động của cấu trúc sở hữu và quản trị công ty đến khả năng sinh lời của các NHTM ở Kenya, Trung Quốc, Malaysia.
Từ các kết quả trên, nhóm các chuyên gia đã đưa ra một số gợi ý chính sách bao gồm:
Một là, khuyến khích các cổ đông lớn tham gia HĐQT nhằm giảm mâu thuẫn lợi ích trong ngân hàng. Khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của các NHTM Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi mức độ tập trung sở hữu, và có quan hệ cùng chiều. Điều này hoàn toàn có thể giải thích được khi 5 cổ đông lớn nhất của NH là những người tham gia HĐQT, khi đó, mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và ban quản lý theo lý thuyết về chủ sở hữu, người điều hành sẽ không có. Do vậy, Hội đồng quản trị có quyền ảnh hưởng lớn đến các quyết định kinh doanh của NH, đảm bảo theo đuổi mục tiêu tăng lợi nhuận. Tại các NHTM Việt Nam, cho dù là cổ đông nhà nước hay tư nhân, việc khuyến khích các cổ đông lớn tham gia HĐQT sẽ làm tăng khả năng sinh lợi trên tổng tài sản của các NH. 
Hai là, cần tăng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong các ngân hàng, kể cả tại các NHTMNN đã cổ phần hóa. Hiện nay tại các ngân hàng như BIDV, VCB và Viettinbank dù đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ sở hữu tư nhân chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ - khoảng 10% tại các NH này. Do vậy, việc khuyến khích tư nhân nắm giữ cổ phần tại các NH này sẽ thúc đẩy gia tăng khả năng sinh lời của các NH.
Ba là, cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị công ty của các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của nhóm cũng hoàn toàn phù hợp với kết quả trước đây khi cho rằng chỉ số CGI - quản trị công ty có quan hệ cùng chiều với khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam. Việc cải thiện chỉ số CGI của các NHTM theo hướng chuẩn quốc tế sẽ giúp các NHTM Việt Nam tiệm cần dần với các thông lệ và qui định quốc tế về minh bạch và công khai hóa thông tin, tăng cường vai trò độc lập của ban kiểm soát, tách bạch giữa quyền quản lý và quyền sở hữu. Do đó, việc cải thiện năng lực quản trị công ty trong NH, về dài hạn sẽ giúp các NH phát triển một cách lành mạnh và sinh lợi.
Bốn là, mặc dù tỷ lệ nợ xấu chưa được tính toán lại một cách chính xác và đầy đủ song nghiên cứu này cũng đã khẳng định vai trò của xử lý nợ xấu đến lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay. Rõ ràng, xu hướng ngày càng gia tăng tỷ lệ nợ xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời của các NH, thông qua việc gia tăng chi phí trích lập dự phòng và xóa nợ. Vấn đề đặt ra đối với hệ thống NHTM lúc này không chỉ là xác định chính xác nợ xấu là bao nhiêu mà chính là giải quyết nợ xấu như thế nào. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, đa dạng các kinh nghiệm giải quyết nợ xấu của các nước trong khu vực trong quá trình tái cơ cấu để tăng cường hiệu quả xử lý nợ xấu của Việt Nam trong giai đoạn tái cơ cấu.

Xem thông tin gốc tại đây >>
__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:

Theo CafeF

FullName Email
Address Security code JKMNXW
Content