Khoa _KTPT cũ
 Search

"Trên đường gập ghềnh tới tương lai"

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của các cá nhân, tổ chức
Đó là tựa đề của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 - sản phẩm nghiên cứu chính của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Sáng nay, 27/5/2013, hội thảo công bố báo cáo đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Năm nay, hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo và đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc Hội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội; lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu; đại diện của nhiều sứ quán tại Việt nam, các tổ chức phát triển quốc tế như Chương trình phát triển Liên hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); các nhà tài trợ quốc tế như DFID, IrishAid, các đại sứ quán, các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì hội thảo

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Báo cáo năm 2011 với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” và Báo cáo năm 2012 với tựa đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu” đã vạch ra những vấn đề căn bản gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn. Tiếp nối những báo cáo năm trước, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 với tựa đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” phản ánh dự cảm lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Việt Nam khó đạt được sự phục hồi suôn sẻ và bền vững trong những năm tới nếu không có những cam kết mạnh mẽ, thực thi quyết liệt về chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và trên hết, hình dung rõ ràng một mô hình kinh tế - xã hội tổng thể cho tương lai Việt Nam.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc ĐHQGHN khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là một sản phẩm chính của chương trình nghiên cứu chiến lược của ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam” được giao cho Trường Đại học Kinh tế chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thực hiện. Trong gần 5 năm qua, đã có 4 báo cáo được xuất bản. Đặc điểm của các báo cáo này là tính kế thừa, liên kết từ năm này qua năm khác với các chủ đề bám sát thực tiến phát triển của đất nước. Vào đầu năm 2013, chuỗi báo cáo đã nhận được Giải thưởng Bảo Sơn về phát triển bền vững - một giải thưởng danh giá và giá trị lớn dành cho các cá nhân, các nhà khoa học có những công trình có giá trị khoa học và thực tiễn, có tính ứng dụng cao, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam. Việc chuỗi báo cáo được đón nhận bởi đông đảo bạn đọc, được các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách lưu ý và sự thừa nhận của đồng nghiệp thông qua Giải thưởng Bảo Sơn đã đánh dấu sự phát triển thành công của sản phẩm nghiên cứu này trong những năm qua. Việc lớn mạnh và gia tăng ảnh hướng của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho thấy hướng đi của ĐHQGHN về phát hiện, hình thành và phát triển các chương trình nghiên cứu chiến lược là đúng đắn”.
TS. Nguyễn Đức Thành - Chủ biên chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam

Tiếp đó, TS. Nguyễn Đức Thành - chủ biên chuỗi ấn phẩm đã trình bày trước hội thảo tóm tắt các kết quả nghiên cứu của báo cáo năm nay. Theo đó, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 gồm 7 chương và 2 phụ lục. Ngoài 2 chương đầu tiên như thường lệ mang tới bức tranh toàn cảnh về kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo năm 2013 mang đến những kết quả nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như: đặc điểm của lạm phát ở Việt Nam giai đoạn hậu gia nhập WTO, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, nguy cơ giải công nghiệp hóa của Việt Nam sau khi giai nhập Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, sự điều chỉnh của thị trường lao động trong thời kỳ biến động kinh tế và tài cơ cấu. Trong chương cuối cùng, báo cáo cũng nếu lên viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2013 và những khuyến nghị chính sách.

Theo nhận xét của các chuyên gia như TS. Vũ Viết Ngoạn, TS. Lê Đăng Doanh, TS. Võ Trí Thành... Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 tiếp tục là một công trình chất lượng với nhiều phân tích sâu về các vấn đề kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn thực hiện các chính sách tái cơ cấu. Bên cạnh những đánh giá cao về gợi ý chính sách của nhóm nghiên cứu, TS. Vũ Viết Ngoạn còn gợi mở thêm: hàm lượng khuyến nghị cụ thể cho từng vấn đề còn chưa nhiều; nhóm nghiên cứu có thể đánh giá một cách cụ thể về mặt trái của những chính sách đang được thực thi hiện nay. TS. Lê Đăng Doanh và TS. Võ Trí Thành đưa ra những nhận xét chi tiết cho từng chương báo cáo và nêu ra một số vấn đề mà báo cáo cần làm rõ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng góp ý cho nhóm nghiên cứu về tựa đề báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm nay; nội dung các chương...

Các chuyên gia và đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét và trao đổi cho Báo cáo năm 2013

Các đại biểu tại hội thảo đã có những trao đổi và đặt ra câu hỏi cho nhóm nghiên cứu về một số vấn đề như: đánh giá tình hình và phân tích sâu hơn một số chính sách tiền tệ, vàng, tỉ giá…; những tác động của các chính sách tới thị trường; vấn đề hội nhập Đông Á và vai trò của Trung Quốc… Một số ý kiến cho rằng, nhóm nghiên cứu nên chọn ra các chủ đề chính để tiến hành nghiên cứu sâu và cụ thể hơn.

Kết thúc hội thảo, thay mặt lãnh đạo nhà trường, đồng thời thay mặt nhóm tác giả, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã cảm ơn những ý kiến nhận xét, đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu có mặt tại hội thảo. Ông khẳng định, đây sẽ là những tham khảo hữu ích đối với nhóm tác giả trong việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện báo cáo.
 


Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2012; một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý 1 năm 2013. Báo cáo tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào đầu tháng 7/2013. Báo cáo tiếng Anh sẽ được xuất bản sau đó một tháng, phát hành trên thị trường quốc tế.
Mọi ý kiến trao đổi và góp ý về nội dung chuyên môn của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013 xin được gửi tới chủ biên - TS. Nguyễn Đức Thành, tại địa chỉ email: nguyen.ducthanh@vepr.org.vn.
Để biết thêm thông tin về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam xin liên hệ: ThS. Phạm Tuyết Mai, email: pham.tuyetmai@vepr.org.vn.


Đỗ Chiêm

FullName Email
Address Security code GNRQAM
Content