Diễn đàn sinh viên châu Á – Thái Bình Dương 2023: Kết nối trí tuệ, đam mê, sáng tạo

Diễn đàn sinh viên châu Á Thái Bình Dương - GPAC 2023 với chủ đề "Tương lai của nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương" quy tụ sự tham gia của hơn 100 giảng viên, sinh viên đến từ 5 trường đại học danh tiếng, qua đó giúp các sinh viên Việt Nam trau dồi kỹ năng và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.


Diễn ra từ ngày 26/8 đến 31/8, đây là lần thứ 4 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đứng ra đăng cai tổ chức sự kiện này. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 100 sinh viên và giảng viên đến từ 5 trường đại học danh tiếng, bao gồm: Đại học Thương mại Chiba (Nhật Bản), trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc),  Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan), Đại học Waseda Nhật Bản và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS-TS. Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Chúng tôi rất vui khi lần thứ 4 được đứng ra đăng cai tổ chức Diễn đàn sinh viên Châu Á. Hy vọng các bạn sinh viên sẽ có những phần thuyết trình thật ấn tượng thể hiện được trí tuệ và sự sáng tạo của thế hệ trẻ trong việc chung tay phát triển nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai ngày một vững mạnh hơn đồng thời, mang đến cơ hội quý báu về giao lưu văn hóa, học thuật, xã hội”.

PGS.TS Lê Trung Thành phát biểu tại buổi lễ khai mạc
Đông đảo các bạn sinh viên tham dự lễ khai mạc GPAC 2023

Trong 2 ngày chính tại diễn đàn, các đội thi đã được: tham gia các hoạt động nghiên cứu, thảo luận nhóm theo chủ đề chính của cuộc thi và trình bày trước hội đồng chuyên môn. Các đề tài nghiên cứu được chia ra làm 3 nhánh thuyết trình với các chủ đề: Liên kết kinh tế khu vực (Regional economic integration); Chuyển đổi số và tương lai của các ngành nghề (Digital transformation and the future of work); Tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của các thị trường kinh tế mới nổi (Economic growth and development in emerging markets). Các bài thuyết trình  được nhận xét bởi các Hội đồng chấm điểm. Hội đồng sẽ chọn ra bài trình bày xuất sắc nhất và từng ngày để trao giải “Best paper” và giải chung cuộc “Best of the best”.

Các sinh viên đến từ 5 trường đại học phân nhóm trình bày theo các chủ đề nhánh trước hội đồng chuyên môn

Với phần thuyết trình đầy ấn tượng, và trả lời được hầu hết các câu hỏi của ban chuyên môn, Nhóm đạt giải “Best paper” trong ngày thi đầu tiên(Coredate 1) đã thuộc về Nhóm Kinh tế 1 đến từ Đại học Quốc gia Chengchi - Đài Loan với bài tham luận “Phân tích hiện trạng và hiệu quả của chính sách Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ”. 

Nhóm Kinh tế 1 đến từ Đại học Quốc gia Chengchi - Đài Loan nhận giải Best Pamper trong ngày Coredate 1

Trong ngày thứ 2(Coredate 2), các đội đã thi đấu theo hình thức nhóm hỗn hợp, các đội đến từ 5 quốc gia đã chia thành 8 nhóm để thảo luận về chủ đề chính của diễn đàn. Kết quả 3 nhóm: Group G: Green Logistics; Group A: Green Tourism ; Group B: Digital Workforce đã dành giải “Best paper”. Kết quả chung cuộc, giải thưởng “Best of the best” đã được trao cho nhóm G với thuyết trình về “Green Logistics” .

3 nhóm Group G: Green Logistics; Group A: Green Tourism ; Group B: Digital Workforce đã dành giải “Best paper”
Nhóm G nhận giải “Best of the bes paper” chung cuộc

Ngoài những hoạt động giao lưu học thuật, sinh viên tham gia diễn đàn còn có cơ hội được trải nghiệm và tham quan những địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, Quần thể Tràng An - Ninh Bình... hay được thưởng thức những đặc sản, trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

Bạn Yoshimura Kosuke đến từ Đaị học Waseda cho biết: “Em cũng như các bạn sinh viên quốc tế rất ấn tượng sau 4 ngày tham gia diễn đàn GPAC tại UEB. Các thầy cô và các bạn UEB rất dễ mến, đón tiếp chúng em nhiệt tình chu đáo. Chúng em không chỉ được học tập, giao lưu mà còn có rất nhiều kỷ niệm và tình bạn đẹp sau diễn đàn.”

Yoshimura Kosuke trong chuyến thăm quan trải nghiệm tại Tràng An, Ninh Bình

Phát biểu tại lễ bế mạc, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN khẳng định: “GPAC là diễn đàn để các giảng viên trao đổi học thuật, sinh viên được thể hiện khả năng nghiên cứu trước bạn bè quốc tế, tăng sức hội nhập. Trường Đại học Kinh tế, với sự chuyên nghiệp và hiếu khách, đã tổ chức diễn đàn thành công, giúp các giảng viên, sinh viên quốc tế có khoảng thời gian tuyệt vời khi tham gia GPAC 2023. Chúng tôi hy vọng, sau diễn đàn, Trường Đại học Kinh tế nói riêng và ĐHQGHN nói chung sẽ trở thành điểm đến lý tưởng của sinh viên, giảng viên quốc tế trong việc giao lưu học thuật và gắn kết tình hữu nghị giữa các quốc gia”.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu phát biểu tại lễ bế mạc

Với chiến lược quốc tế hóa giáo dục, nhà trường đã và đang đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu nhằm đưa Trường Đại học Kinh tế trở thành trung tâm tri thức của khu vực và toàn cầu.

Trước Diễn đàn sinh viên Châu Á, Trường Đại học Kinh tế cũng đã tổ chức thành công nhiều diễn đàn, hội thảo quốc tế lớn như Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam; diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Pháp; diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc... Thông qua các mạng lưới nghiên cứu quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN muốn tạo ra một môi trường học thuật bổ ích, giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ động trao đổi, giao lưu tri thức với các đồng nghiệp trong mạng lưới nghiên cứu quốc tế; đồng thời thu hút được nhiều diễn giả quốc tế đến trường tham gia hội thảo, trao đổi học thuật và làm việc.

Một số hình ảnh tại diễn đàn GPAC 2023:

Đoàn sinh viên đến từ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tham dự diễn đàn GPAC 2023
Đoàn sinh viên đến từ Đại học Waseda - Nhật Bản 
Đoàn sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc
Đoàn  sinh viên đến từ Trường ĐH Thương mại Chiba Nhật Bản
Đoàn sinh viên đến từ Đại học Quốc gia Chengchi Đài Loan

 

GPAC được khởi xướng năm 1991 bởi GS. Min Sang Kee, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHQG Seoul, Hàn Quốc và GS. Haruo Shimada, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại Chiba, Nhật Bản, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tokyo Metropolitan, với hy vọng tạo ra một sân chơi lý tưởng, giúp các sinh viên đến từ những quốc gia khác nhau có cơ hội trao đổi các vấn đề kinh tế nóng hổi trong khu vực, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của Châu Á. Chương trình được diễn ra thường niên lần lượt tại các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Israel và Việt Nam.

Trải qua 32 năm, hiện nay, số lượng thành viên chính thức đã lên tới 10 trường, bao gồm: Đại học Quốc Gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Thương mại Chiba (Nhật Bản), Đại học Waseda (Nhật Bản), Đại học Keio (Nhật Bản), Đại học Meio (Nhật bản), Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan), Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam (Trung Quốc), Học viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý (Israel), Đại học Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) và Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam).

 


Biên tập: Thanh Mai; Ảnh: UEB Media

FullName Email
Address Security code UCUSDK
Content

Other News
 Video
Get the Flash Player to see this player.