Kỷ niệm 10 năm thành lập
 Search

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Điểm tựa của những ước mơ

Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, ngôi trường đã và đang gắn bó với bao thế hệ sinh viên, ghi dấu trong họ những ấn tượng, cảm xúc khác nhau, nhưng hơn hết, đó là lòng tự hào khi được trải nghiệm môi trường học tập năng động, chuyên nghiệp nhưng cũng đầy thử thách. Sau đây là những dòng tâm sự của những người đã và đang gắn bó với ngôi trường này:

1. Mai Nguyệt Ánh (sinh viên QH-2009-E, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế): Trường Đại học Kinh tế - Cánh cửa giao lưu, gặp gỡ
Tôi biết đến Trường Đại học Kinh tế lần đầu tiên qua cuốn thông tin các trường đại học, sau đó tìm hiểu thêm qua website của trường, Đại học Kinh tế có những điều tôi cảm thấy thực sự hứng thú. Không những được tạo điều kiện học tập tốt, sinh viên còn có cơ hội giao lưu, gặp gỡ với bạn bè quốc tế. Hơn 3 năm học tập tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tôi may mắn được tham gia khá nhiều chương trình như: đón tiếp và giao lưu văn hoá với giảng viên và sinh viên ĐH Waseda, ĐH Keio (Nhật Bản); hội thảo: "Đại sứ hoà bình trẻ" của UNESCO (UNESCO Youth Peace Ambassador Workshop) - tháng 11/2011 tại Malaysia và chương trình “Trao đổi lãnh đạo trẻ Đông Nam Á” (ASEAN youth leader exchange program) - tháng 2/2012 tại Singapore.

Mai Nguyệt Ánh (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến giao lưu

Những chương trình này đã đem lại cho bản thân tôi cơ hội học hỏi, giao lưu từ nhiều nền văn hoá trên khắp thế giới. Gặp gỡ các gương mặt tiêu biểu của mỗi quốc gia, tôi thấy bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, mình có thêm động lực để thực hiện những ước mơ còn đang ấp ủ.
Đối với tôi, môi trường học tập tại Đại học Kinh tế, đặc biệt là ở khoa tôi, những hoạt động, sự kiện dù lớn dù nhỏ nhưng đã giúp tôi trưởng thành hơn từng ngày.






2. Lý Đại Hùng (cựu sinh viên QH-2007-E CLC ngành Kinh tế Đối ngoại, Khoa Quốc tế và Kinh doanh Quốc tế): “Hãy đến với
Đại học Kinh tế nếu bạn đam mê nghiên cứu khoa học.

Lý Đại Hùng: Giải bạc Giải thưởng sinh viên nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR, giải ba Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn tái hiện trong trí tưởng tượng của các thế hệ sinh viên chúng tôi là hình ảnh của một môi trường học tập tiện nghi, một không gian cởi mở, sự tự do cho khám phá khoa học và một không khí ấm áp, thân thiện của sự hợp tác và chia sẻ tận tâm.
Dưới sự hỗ trợ tối đa về nhiều mặt của nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học diễn ra sôi nổi và ngày càng trở thành một người "bạn" thân thiết không thể tách rời quá trình học tập nghiêm túc của các sinh viên. Nhà trường thường xuyên tổ chức các chuỗi sự kiện để hỗ trợ cũng như định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Các sự kiện luôn được Ban Giám hiệu, các thầy cô và các chuyên gia kinh tế quan tâm tham dự đánh giá và góp ý. Mặc dù còn non trẻ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, song sinh viên chúng tôi được nhà trường hướng đến việc khai phá khoa học theo cách tiếp cận riêng biệt và theo chính bản chất tự nhiên, vốn có của những sự kiện trong bức tranh kinh tế sinh động đầy màu sắc đương đại.
Quá trình tích lũy tri thức vô cùng vất vả, nhưng chắc chắn rằng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mãi là điểm tựa vững vàng cho những ai dám ước mơ và tung bay bằng đôi cánh của chính mình.
3. Nguyễn Thị Thắng (sinh viên QH-2008-E, Khoa Tài chính - Ngân hàng): Cơ hội thực tập, thực tế và việc làm cao

Nguyễn Thị Thắng trong một chương trình đào tạo kỹ năng về tài chính

Với mối quan hệ hợp tác với nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn và có uy tín, nhà trường và khoa đã tổ chức cho sinh viên những hội thảo kỹ năng, careertalk rất bổ ích. Tham gia những hội thảo này, sinh viên được chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, thậm chí có cơ hội việc làm ngay tại đây. Ngoài ra, sinh viên còn được học miễn phí các khóa kỹ năng mềm mà nếu bên ngoài sẽ rất đắt đỏ…
Qua các buổi hội thảo, careertalk, sinh viên không chỉ thu nhận được thông tin, kiến thức thực tế hữu ích cho công việc sau này, mà còn tạo được mối quan hệ với những người mà bình thường mình chỉ có thể nhìn họ từ đằng xa. Qua đó, cơ hội thực tập cũng mở rộng và dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện nhóm tôi đang thực tập và tham gia một dự án của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). MBBank là một đối tác quen thuộc của trường, những buổi careertalk của họ giúp chúng tôi hiểu thêm về nhu cầu tuyển dụng của họ, do vậy, việc tiếp cận cũng dễ dàng hơn. Đây sẽ là quãng thời gian thiết thực để tôi vận dụng kiến thức đã học được vào công việc.

Trường tôi ngày càng tổ chức nhiều chương trình giao lưu giữa doanh nghiệp và sinh viên hơn, chất lượng càng ngày càng nâng cao, đa dạng và rất thiết thực. Các sinh viên năm nhất, năm hai có nhiều điều kiện tham gia những chương trình ấy. Tuy nhiên, cơ hội và kỹ năng có được hay không phần lớn là thuộc về chính mình. Sinh viên cần thực sự năng động mới có thể nắm bắt được những cơ hội ấy.


4. Nguyễn Thế Mạnh (sinh viên khóa QH-2008-E, Khoa Tài chính Ngân hàng): Nếu bạn đam mê học tập, nghiên cứu, cơ hội học bổng là rất lớn!”

Nguyễn Thế Mạnh: Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN 2011; Học bổng Ngân hàng Tài chính Thống nhất Nhật Bản - Ngân hàng Tokyo - Mitsubishi (2011), Học bổng của quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting (2011) và học bổng dành cho sinh viên có kết quả học tập tốt

Trải qua gần hết quãng đường sinh viên nơi mái trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tôi cảm thấy rất tự hào khi là sinh viên của trường. Và nếu bạn là sinh viên Đại học Kinh tế, bạn sẽ chủ động, tự tin hơn rất nhiều, đặc biệt, bạn sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình và chân thành nơi các thầy cô. Tại Đại học Kinh tế, sinh viên luôn được tạo những điều kiện tốt nhất để học tập. Trong đó, những suất học bổng chính là nguồn động viên, khuyến khích và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của sinh viên.
Ngoài việc luôn cố gắng đạt kết quả học tập tốt, tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học về ngành mình theo đuổi, tôi còn tham gia các hoạt động xã hội khác để học hỏi, giao lưu và tự tin hơn. Từ đó nhiều cơ hội mở ra mà chính tôi cũng không ngờ tới!
Đại học Kinh tế có rất nhiều đối tác là doanh nghiệp, các trường đại học uy tín nước ngoài nên cơ hội giành học bổng là rất lớn. Vì vậy, nếu bạn thực sự đam mê học tập và nghiên cứu và năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, bạn hoàn toàn có thể nhận được các học bổng có giá trị.


5. Hoàng Trần Phương (sinh viên khóa QH-2009-E, Khoa Quản trị Kinh doanh): Đại học Kinh tế - Môi trường học tập mở với nhiều câu lạc bộ sinh viên bổ ích

Hoàng Trần Phương (trái) trong chuyến đi tình nguyện "Tết ấm áp Tây Bắc 2011"

Đại học Kinh tế có rất nhiều câu lạc bộ kỹ năng bổ ích dành cho sinh viên như: CLB Kinh tế trẻ (YEC), CLB Truyền thông (MCC), CLB Quản trị Kinh doanh (BA Plus), CLB Tình nguyện (BHVC), CLB Tiếng Anh… Nhờ đó, các hoạt động của trường rất phong phú và sinh viên có nhiều lựa chọn. Khoảng thời gian học tập tại Đại học Kinh tế, tôi tham gia khá nhiều câu lạc bộ như: MCC, BHVC, BA Plus. Nhờ vậy, tôi có cơ hội gặp gỡ, kết bạn với rất nhiều người giỏi giang và cùng chung sở thích. Tham gia các câu lạc bộ, tôi học được rất nhiều kiến thức xã hội cũng như chuyên ngành, bổ sung được những kỹ năng mềm còn thiếu và có cơ hội phát huy những điểm mạnh của bản thân. Đặc biệt đối với tôi, hoạt động tình nguyện vô cùng thú vị, nó như một sự trải nghiệm mà không phải ai cũng có cơ hội trải qua. Tôi đã đi tình nguyện Yên Bái 17 ngày, được giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trên miền núi, được sống cùng những con người tuyệt vời. Có thể nói rằng: Tình nguyện là điều tuyệt vời nhất trong quãng đời sinh viên.
Tôi cho rằng,
Trường Đại học Kinh tế  ĐHQGHN thực sự là một môi trường lý tưởng cho các bạn trẻ yêu thích một môi trường học tập mở. Nơi đây luôn có những điều mới mẻ mà chính các bạn sinh viên khi học tập tại đây mới có thể khám phá ra.


Đỗ Đỗ

FullName Email
Address Security code CUDPGB
Content