Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 Search

Hội thảo Mô hình tăng trưởng xanh và cơ hội hợp tác đào tạo trong lĩnh vực tăng trưởng xanh

Trong khuôn khổ Diễn đàn Giám đốc bốn đại học chủ chốt ở Đông Á (BESETOHA) lần thứ 16 do Đại học Quốc gia Hà Nội đăng cai tổ chức ngày 12/11/2014, buổi chiều cùng ngày, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã chủ trì Hội thảo chuyên đề “Mô hình tăng trưởng xanh và cơ hội hợp tác đào tạo trong lĩnh vực tăng trưởng xanh”.

Tham dự Hội thảo chuyên đề tại Trường ĐHKT có các học giả, giáo sư, nhà khoa học đến từ bốn đại học chủ chốt ở Đông Á - bao gồm Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam) (gọi tắt là BESETOHA), cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN. Về phía Trường ĐHKT có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng và lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo giảng viên trong Trường. Hội thảo chuyên đề do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn và TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển đồng chủ trì.

Trong phần 1 của Hội thảo chuyên đề, các đại biểu đã được nghe 6 bài thuyết trình đến từ 4 đại học BESETOHA xoay quanh các vấn đề về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cụ thể, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc trình bày 2 bài tham luận về “Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và Chương trình Đào tạo Kỹ năng Lãnh đạo xanh của Đại học Quốc gia Seoul - Green Growth Strategy of Korea and Green Leadership Education Program of SNU”, và “Giáo dục và Công nghệ thích ứng tại Kolkata, Ấn Độ - Appropriate Technology and Education in Kolkata, India”; Bài tham luận của Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc về “Kinh nghiệm trao đổi giảng dạy quốc tế trong lĩnh vực thiết kế - International teaching exchange experiences in the Design Field”; Bài tham luận về “Y tế trong Tăng trưởng xanh - Health in Green Growth” của Đại học Tokyo, Nhật Bản và 2 bài thuyết trình của TS. Nguyễn Quốc Việt và TS. Nguyễn Viết Thành, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐHKT về “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững: Trường hợp khai thác thủy sản tại Việt Nam và Đo lường tăng trưởng xanh tại Việt Nam - Measuring green growth and sustainable development of Vietnam: The case of Marine capture fisheries and Measuring green growth of Vietnam”. Các bài trình bày đã thu hút sự quan tâm của học giả các trường, đặc biệt trong chương trình đào tạo Kỹ năng Lãnh đạo xanh của Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, Trường ĐHKT bày tỏ mong muốn được hợp tác với Hàn Quốc cũng như 2 thành viên còn lại của BESETOHA trong việc nhân rộng mô hình này tại các trường trong khối hợp tác. Bài tham luận của Đại học Bắc Kinh cũng đề cập đến hoạt động trao đổi, giảng dạy quốc tế là một trong những hoạt động hợp tác mà các trường đều rất quan tâm và luôn tìm cách mở rộng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo không những cho  cán bộ giảng viên mà còn hướng tới đối tượng sinh viên ngày càng năng động và chủ động hơn. Bài tham luận của Đại học Tokyo đề cập đến vấn đề về Y tế trong tăng trưởng xanh, cũng là 1 trong những chỉ số mà nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Quốc Việt và TS. Nguyễn Viết Thành nhắc tới trong bài trình bày về Đo lường tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Ngoài ra, trong phần trình bày nghiên cứu trường hợp khai thác, đánh bắt thủy sản tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu ĐHKT cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của ngành công nghiệp này tới tăng trưởng xanh cũng như các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu…

Phiên thảo luận sôi nổi thu hút nhiều học giả, đại biểu, khách tham dự Hội thảo

Hội thảo chuyên đề tiếp tục kết nối các nhà khoa học đại diện của bốn đại học chủ chốt trong phiên thảo luận. Trong phần này, dưới sự chủ trì của Trường ĐHKT, đại diện của các đơn vị thành viên trong ĐHQGHN gồm có Khoa Y Dược, Trường Đại học Giáo dục, Khoa Quốc tế đã cùng tham gia đặt vấn đề và thảo luận xoay quanh các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, giáo dục đào tạo, trao đổi quốc tế với các trường đại học thành viên BESETOHA. Khoa Y Dược, ĐHQGHN đặc biệt quan tâm tới chủ đề trình bày của Giáo sư Đại học Tokyo và đặt vấn đề hợp tác trong nghiên cứu về thực phẩm, y tế, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ ngành y tế công cộng… Đại diện Trường Đại học Giáo dục cũng chia sẻ thông tin liên quan đến các hoạt động trao đổi hiện có mà Nhà trường đang triển khai như chương trình trao đổi với Đại học Chiba, Nhật Bản, hợp tác với Đại học Bombei, Ấn Độ và đề xuất xây dựng các chương trình tương tự với thành viên BESETOHA.

Bàn về vấn đề hợp tác trong đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đề xuất xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ, ở đó 4 đại học chủ chốt Đông Á sẽ sử dụng 1 chương trình đào tạo tương tự nhau (có thể điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế ở từng quốc gia cụ thể), theo đó sinh viên của 4 trường thuộc BESETOHA được ghi nhận tín chỉ, học phần… và có thể chọn sang học trao đổi tại 3 nước còn lại. Một chương trình đào tạo rất mới giúp cho môi trường học tập của học viên trở nên phong phú hơn, nhiều cơ hội trải nghiệm quốc tế, và do đó trở nên hấp dẫn và thu hút học viên tham gia. Xây dựng 1 cuốn sách chuyên khảo về tăng trưởng xanh cũng là một khả năng hợp tác mà Trường ĐHKT - ĐHQGHN đặt ra cho các học giả và đối tác. Bên cạnh hoạt động hợp tác đào tạo, hợp tác trong nghiên cứu cũng là một vấn đề được các trường đưa ra bàn luận. Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đề xuất xây dựng 1 Quỹ nghiên cứu tài trợ kinh phí cho việc thực hiện các dự án nghiên cứu về phát triển xanh, bao gồm cả những dự án kinh doanh của cán bộ, giảng viên cũng như sinh viên trong khối BESETOHA. Đại học Tokyo cũng đề cập phía Nhật Bản có nhiều quỹ hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu như JSPS không chỉ cho dự án nghiên cứu của Nhật mà cả những dự án được phối hợp thực hiện với đối tác. Kết thúc Hội thảo, chủ tọa đã nhấn mạnh phiên họp nói riêng và Diễn đàn BESETOHA nói chung sẽ là tiền đề cho những trao đổi và hợp tác tiếp theo trong tương lai, BESETOHA sẽ là cầu nối giữa các đơn vị thành viên để mối quan hệ hợp tác giữa 4 đại học chủ chốt Đông Á ngày một vững mạnh.

Các đại biểu, học giả, khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.



Tin: Bích Hà - Ảnh: Nguyễn Kha

FullName Email
Address Security code QDRGOQ
Content