Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 Search

Quan điểm của sinh viên về tình bạn

Tình bạn là tình cảm mà bất cứ ai cũng cần có, bởi con người sinh ra và lớn lên trong tổng hòa các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hôi... Tuy nhiên,có nhiều suy nghĩ và quan điểm của sinh viên thời nay về tình bạn. Các quan điểm có thể trái chiều nhau.

Tình bạn dựa trên công việc

Bước chân vào môi trường đại học, cao Đẳng tức là mỗi bạn sinh viên đang dần trưởng thành trong cách sống, cách chia sẻ và làm việc theo một trình độ nhất định. Môi trường ấy quy định tính cách, lối sống và quan điểm của mỗi bạn. Đặc biệt, sinh viên không thể tách biệt các mối quan hệ bạn bè, bởi trong môi trường ĐH,CĐ không cho phép bạn sống đơn độc, bạn sẽ không tránh được những buổi họp nhóm, thảo luận, thuyết trình hay giao lưu bạn bè ở các khoa...Tuy nhiên, có một điểm nghe có vẻ hơi mâu thuẫn đó là: đôi khi vun đắp tình bạn ở ĐH, CĐ là một điều nan giải, có khi là khó có thể có một người bạn thân như hồi cấp ba. Đơn giản do môi trường và cũng do chính thiện chí kiểu “nửa người lớn” của sinh viên.

Tiến (sinh viên năm 3 khoa Toán Tin ĐH Tự Nhiên) có vẻ không ngần ngại khi chia sẻ “Nhóm học tập của tớ có 5 thành viên, làm việc nhóm với nhau suốt từ năm nhất đến giờ nhưng chưa bao giờ được gọi là bạn thân của nhau cả, đơn giản bọn tớ chỉ hiểu nhau trên công việc được giao thôi, chứ các điểm khác thì lệch pha kinh khủng lắm”. Có nhiều sinh viên thì xem như học nhóm là trách nhiệm phải làm để đảm bảo con số cho nên bạn kiểu “công việc” cũng trở thành trách nhiệm luôn. Tình bạn đôi khi khó bền chặt khi có một xích mích nhỏ trong công việc chung của cả nhóm, hay đó chỉ đơn giản khó hợp nhau ở mọi điểm ngoại trừ công việc nhóm thầy giao. Bởi vậy kết bạn và hiểu bạn ở ĐH,CĐ đâu có dễ.

Nguyên nhân

Bạn bè ở ĐH có rất nhiều điểm khác biệt so với thời cấp 3. Có thể liệt kê sơ lược về bạn bè ở ĐH: bạn cùng lớp, bạn cùng khoa, bạn cùng phòng trọ, cùng ký túc xá. Có đứa người thành phố, có đứa người miền Trung, Nam, Bắc khác nhau, tình tình khác nhau, điều kiện kinh tế vật chất tinh thần cũng rất khác nhau. Bạn ở ĐH đa dạng hơn, nhiều hơn, khác nhau cả về giọng nói và tuổi tác. Vì vậy, để hiểu nhau và kết bạn thân thật khó.

Có khi, khi đã là bạn thân rồi chơi với nhau một thời gian chẳng hợp lại thấy “chán”, đó cũng là lí do mà nhiều sinh viên khi đã vào đại học rồi vẫn “alô” hàng tiếng đồng hồ với mấy tụi bạn ở cấp 3. Mai (sinh viên năm nhất khoa Ngữ văn, ĐH KHXH&NV) tâm sự: “Vào học trường mới tớ bỡ ngỡ lắm, tìm bạn cũng khó nữa, có khi kết bạn một thời gian rồi thấy chẳng thể nào thân được, tớ chỉ thích nhắn tin, điện thoại nói chuyện với mấy đứa bạn thân hồi cấp 3 thôi”.

Có nhiều bạn sinh viên cho rằng “sinh viên là phải kết bạn rộng rãi” bởi nó rất có ích cho việc học tập hay các hoạt động ở trường học. Đặc trưng cách học tập ở ĐH là phải tự học, không có thầy cô dạy kèm. Để học tốt, mỗi SV cần tìm cho mình những người bạn cùng gu để cùng chơi, cùng học. Có những vấn đề ở ĐH cần phải thảo luận, làm việc theo nhóm. Bài tập thầy cô cho cũng rất nhiều, làm cả chương, phải chia nhau ra giải rồi tổng hợp các dạng mới có thể hoàn thành được. Trường ĐH rộng lớn, các thông báo thường dán ở nhiều nơi, một mình SV không thể theo dõi hết các thông báo ấy. Có những thông báo rất hữu ích như các thông báo về việc làm thêm, học bổng, hay những thông báo cần kíp về lịch đổi thời khoá biểu, đổi phòng học. Có bạn bè thân thiết và rộng rãi để kịp thời nắm những thông tin ấy là điều cần thiết.

Tuy nhiên, có không ít sinh viên lại có cái nhìn tiêu cực hay nói đúng hơn có cái nhìn theo hướng trái chiều so với ở trên. Y.Th (sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH & NV) bày tỏ quan điểm: “Tớ chẳng thích tình bạn ở đại học chút nào, nói thật “nhạt nhẽo và đôi khi ngán ngẫm nữa”, phone cho mấy tụi bạn ở quê hồi cấp 3 thấy nói chuyện tình cảm hơn”. Th nói thế cũng có nguyên nhân riêng của bản thân, theo Th thì tình cảm bạn bè ở Môi trường ĐH chỉ dựa trên tinh thần “lợi dụng” nhau thôi, ngay cả người bạn mình dành tình cảm chân thành nhất cũng chẳng ra gì, nhiều khi thấy chán và muốn chấm dứt con đường bạn bè luôn.

Quả thật có hai quan điểm trái chiều nhau trong quan điểm tình bạn của sinh viên. Có rất nhiều lí do để giải thích cho suy nghĩ của các bạn nhưng trội lên vẫn là chuỗi suy nghĩ “Tình bạn sinh viên thường không bền chặt, thấy nhạt nhẽo hơn bạn bè cũ”, nhưng có phải tình bạn sinh viên của ai cũng khó bền chặt và “mau chán” ?

Tại sao không...

Cùng nhau học tập, cùng đá bóng, tham gia cắm trại với lớp hay giải trí lành mạnh...bạn sẽ có những tình bạn thật đáng quý, đáng nhớ trong môi trường đại học.

Tự học nhưng trên tinh thần học hỏi những người bạn xung quanh mình, không kiêu căng, không khoe mẽ không phải là đìêu tốt để bạn gắn kết sợi dây tình bạn sao? Mình vừa học tốt, được bạn bè quý lại vừa có thể tham gia có hiệu quả các chủ đề thầy giao cho cả nhóm.

Có được mối quan hệ tốt với thầy cô - những bậc cha chú, bậc đàn anh đàn chị đi trước ngay trong chuyên ngành của mình là điều thật sự tốt. Bạn sẽ được các “vị tiền bối” đó chỉ bảo tận tình và đầy hiệu quả giúp bạn mau chóng có được thành công cho sự nghiệp sau này.

Chọn những người bạn cùng sở trường: nếu bạn hòa đồng vui vẻ thì nên tìm những người bạn cởi mở như bạn, nếu bạn là người trầm tính, chững chạc thì nên tìm những ai “cùng chí hướng với mình”. Thế nhưng, không nên phân biệt nguồn gốc quá bạn nhé!

Cùng đi ăn, cùng trò chuyện và tán gẫu, đi tham gia một buổi học kĩ năng sống hay một buổi giao lưu bổ ích với các bạn trong khoa khác có thể cùng trường hoặc khác trường, sẽ thật thú vị đấy!

Nhưng các bạn sinh viên cũng đừng cứ suốt ngày rủ nhau đi nhậu, chơi game, bida mà quên luôn việc học hành, sẽ chẳng tốt cho tương lai “sáng lạng” của bản thân chút nào.

Bạn sẽ thấy thật vui vẻ và ấm áp nếu như bạn luôn mở rộng lòng mình đón nhận những tình cảm tốt đẹp từ bạn bè!


Theo Mực Tím

FullName Email
Address Security code VFQNOL
Content