Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

VEPR: Hội thảo khoa học quốc gia Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động đa chiều đối với khu vực

Sáng ngày 28/11/2014, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Trung Quốc tái cân bằng kinh tế và những tác động đa chiều đối với khu vực”. Hội thảo này nằm trong Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc và đã quy tụ được nhiều học giả, nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín, nhiều giảng viên và sinh viên các trường đại học, cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.


Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã phát biểu khai mạc và nêu rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của Hội thảo lần này. Đây là năm thứ ba Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (
Chinese Economic Studies Program - VCES) thuộc VEPR tổ chức Hội thảo thường niên về kinh tế Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi khoa học của các học giả trong nước và quốc tế về tình hình kinh tế Trung Quốc đương đại. Hội thảo năm nay tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế và chiến lược của Trung Quốc khi quốc gia này đang tích cực triển khai tái cân bằng kinh tế, đồng thời đưa ra đánh giá về tác động của quá trình tái cân bằng ấy đối với khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. 
Trong phiên thứ nhất, TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc VCES trình bày báo cáo “Tái cân bằng kinh tế ở Trung Quốc”. Trong phần trình bày của mình, TS. Phạm Sỹ Thành chỉ ra Trung Quốc đang gần như lấy lại được vị thế của mình vốn bị mất vào thời Chiến tranh Nha phiến, khi GDP của nước này chiếm 32% tổng GDP thế giới. Trung Quốc đang đi ngược lại xu hướng thế giới khi tăng đầu tư lên mức 50% GDP, còn các nền kinh tế phát triển có xu hướng giảm đầu tư về mức 20-30% GDP. Sự mất cân bằng trong tăng trưởng để lại cho nền kinh tế Trung Quốc rất nhiều hệ lụy như làm gia tăng các khoản nợ của doanh nghiệp và địa phương, các vấn đề tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường,…

TS. Võ Trí Thành (bên trái) và TS. Phạm Sỹ Thành (bên phải) trình bày tham luận tại Hội thảo

Tiếp theo, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương trình bày về Trung Quốc chuyển dịch phát triển trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu mới. TS. Võ Trí Thành cho rằng, nói đến Trung Quốc là nói đến 3 vấn đề lớn: (1) vấn đề toàn cầu và khu vực; (2) về bản thân Trung Quốc và cách nhìn về Trung Quốc; và (3) tác động của Trung Quốc đến các nước khác. Xét ở khía cạnh toàn cầu, hiện đang có hai sự chuyển dịch lớn nhất; đó là sự chuyển dịch về quyền lực, giữa một bên là nhóm các nước có nền kinh tế già cỗi và một bên là các nền kinh tế mới nổi mà lớn nhất là Trung Quốc.

Trong phiên thứ hai, các học giả tiếp tục chia sẻ về tái cân bằng kinh tế chiến lược của Trung Quốc. Ở tiểu ban 1 với chủ đề “Tái cân bằng kinh tế Trung Quốc và những tác động”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng hiện có 4 nền kinh tế mà có thể được xem như là bốn đỉnh mới nổi của “một đa giác” đang hiển thị ở Đông Á, trong đó mỗi nền kinh tế đều có những thế mạnh cốt lõi tường minh của mình, cụ thể: Trung Quốc có thế mạnh về thương mại và dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới; Nhật Bản bộc lộ những lợi thế về kỹ thuật trong dài hạn so với các quốc gia khác; Hàn Quốc đang có những nỗ lực để trở thành một quốc gia sáng tạo và công nghệ bằng gia tốc đầu tư vào giáo dục và ưu tiên hàng đầu các hoạt động sáng tạo; và Singapore là một trung tâm tài chính có quyền lực toàn cầu. Cả bốn nền kinh tế vận hành đồng thời trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, mang đến những lựa chọn tất yếu về chiến lược đối với tất cả các nền kinh tế và doanh nghiệp không chỉ ở Đông Á mà còn toàn thế giới với tư cách là một thể thống nhất trong vòng 20 năm tới.

Các diễn giả tiểu ban 1 trình bày tham luận tại Hội thảo

ThS. Phùng Thanh Quang, ThS. Nguyễn Thành Trung - Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày về “Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc và Khuyến nghị Chính sách cho Việt Nam”. Bài thuyết trình đã tập trung phân tích thực trạng OFDI của Trung Quốc, các chính sách hỗ trợ của chính phủ và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (SoEs) trong việc thực hiện OFDI. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam đối với dòng vốn OFDI của Trung quốc vào Việt Nam và trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp Trung quốc tại một số địa bàn đầu tư trọng điểm qua ví dụ cụ thể là thị trường Lào.
Bà Trần Hoàng Anh - Khoa Quản lý, Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc chia sẻ về “Định hướng mới trong chính sách kinh tế vĩ mô: Bản nâng cấp kinh tế Trung Quốc”. Diễn giả chỉ ra những bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay như hiệu quả đầu tư giảm, sản lượng dư thừa nghiêm trọng, các ưu thế  truyền thống của Trung Quốc cũng suy giảm như giá cả lao động tăng cao và giá cả các nguồn đầu vào tăng cao… Từ đó, diễn giả Trần Hoàng Anh đưa ra gợi mở trong chính sách tái cơ cấu của Việt Nam: Về quan điểm tái cơ cấu, chính phủ cần thể hiện rõ nét vai trò của mình để những tuyên bố chính sách được thực thi một cách nhanh chóng và hiệu quả. Về định hướng tái cơ cấu, mấu chốt của tái cơ cấu ngành là chuyển đổi mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao về chất lượng còn mấu chốt của tái cơ cấu đầu tư là nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Tại tiểu ban 2, Diễn giả Bùi Quốc Khánh với bài trình bày “Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Nhật Bản tại Châu Á - Thái Bình Dương và những tác động đến khu vực”

Tiểu ban hai với chủ đề “Liên kết kinh tế giữa Trung Quốc với khu vực và những hệ quả” đã thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu, khách mời cũng như sinh viên. Diễn giả Bùi Quốc Khánh - Bộ Công An bắt đầu với bài trình bày “Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Nhật Bản tại Châu Á - Thái Bình Dương và những tác động đến khu vực” . Tham luận tập trung phân tích chiến lược biển trong đại chiến lược của Trung Quốc nhằm làm rõ quá trình hiện đại hóa hải quân của nước này, đồng thời xem xét phản ứng của Nhật Bản nhằm đối phó với chiến lược biển cuả Trung Quốc. Nhiều câu hỏi, trao đổi mà các đại biểu đưa ra đều xoay quanh lý do dẫn đến cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc - Nhật Bản, các cách thức cạnh tranh về sức mạnh cứng, sức mạnh mềm giữa hai quốc gia và liệu Việt Nam có rơi vào thế lưỡng nan trong quan hệ Trung - Nhật.
ThS. Lục Minh Tuấn - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Phương thức phối hợp đồng bộ giữa các mặt trận truyền thông - pháp lý - học thuật của Việt Nam trong vấn đề biển Đông”.  Trên cơ sở học thuyết “Ba mặt trận”, ThS. Lục Minh Tuấn phân tích mặt trận thông tin trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bài thuyết trình được đánh giá cao phương pháp tiếp cận đúng đắn và có những đóng góp mới trong việc đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề biển Đông.
Bài trình bày cuối cùng tại Hội thảo về “Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng: Bối cảnh mới, nội dung mới và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam” của TS. Nguyễn Quốc Trường - Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  nhấn mạnh những thay đổi của hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng trong bối cảnh mới từ năm 2012, khi Ban lãnh đạo mới lên nắm quyền sau Đại hội XVIII và thực hiện điều chỉnh chính sách đối ngoại, Trung Quốc triển khai mạnh mẽ các chính sách thực hiện mục tiêu “cường quốc biển” và những thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, ASEAN.
Phần thảo luận của Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia kinh tế cao cấp. Các chuyên gia đã thảo luận và thống nhất rằng, trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. Đã đến lúc quốc gia này cần một chính sách mới giải quyết các vấn đề tồn đọng với mục tiêu phát triển về chất, tăng cao hiệu quả đầu tư, giảm sản lượng dư thừa; giảm ô nhiễm môi trường và tiêu hao năng lượng,... Về quan hệ hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực, các chuyên gia cũng đi đến kết luận sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến cho không ít quốc gia trong khu vực phải e dè. Trước sự trỗi dậy trên biển của Trung Quốc, các nước như Nhật Bản, Việt Nam cũng cần phải có những chiến lược phản ứng cần thiết.
Với thực tiễn tái cân bằng kinh tế cùng những thay đổi về chiến lược ở Trung Quốc, các chuyên gia tại Hội thảo cũng gợi ý một số hướng mở đối với Việt Nam. Về mặt hợp tác quốc tế, các chuyên gia đề xuất Việt Nam nên thiết lập phương thức phối hợp đồng bộ trên mặt trận truyền thông - tâm lý - pháp lý khi giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, cân nhắc lại quan điểm hợp tác trong bối cảnh mới và xem xét, học hỏi cách làm về mặt thể chế của Trung Quốc.


Tin: Thanh Tú (VEPR) - Ảnh: Nguyễn Kha & VEPR

FullName Email
Address Security code KGNAIA
Content