Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Trao đổi về nền kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội ở New Zealand

Ngày 3/8/2015, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi seminar với chủ đề: “Nền kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội New Zealand”.

TS. Đoàn Thanh Tịnh - báo cáo viên của seminar, hiện tại là nhà phân tích cao cấp của Bộ Phát triển Xã hội và Nghiên cứu viên của Đại học Waikato (New Zealand). Đồng thời, TS. Đoàn Thanh Tịnh cũng là nghiên cứu viên của Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Đến dự buổi seminar có sự hiện diện của các giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Khoa Kinh tế Phát triển, giảng viên của Trường Đại học Thương Mại Hà Nội cùng một số nghiên cứu sinh trong Trường Đại học Kinh tế.
Tại đây, TS. Đoàn Thanh Tịnh đã giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành cũng như chế độ chính trị, kinh tế và xã hội của New Zealand. Tiếp đó, ông đi sâu phân tích thực trạng phát triển kinh tế cũng như cơ cấu và cơ chế vận hành của hệ thống phúc lợi xã hội New Zealand. Có thể nói, New Zealand là một nền kinh tế hậu công nghiệp ngay từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước và hiện tại New Zealand đang phát triển khá tốt với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều nước trong nhóm OECD những năm gần đây.  
TS. Đoàn Thanh Tịnh
TS. Đoàn Thanh Tịnh
New Zealand là một nước có chế độ phúc lợi xã hội cao, với chi tiêu cho phúc lợi xã hội chiếm tới 1/3 tổng chi tiêu ngân sách và có khoảng 1/4 dân số đang được hưởng lợi từ hệ thống này với các mức và lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, hệ thống phúc lợi xã hội này cũng đang đặt ra một số vấn đề liên quan tới tính bền vững và gánh nặng chi ngân sách quá lớn. Do vậy, trong những năm gần đây, New Zealand đã tiến hành một số cải cách theo hướng chú trọng tới trợ giúp việc làm cho nhóm người hưởng trợ cấp để giảm tải các khoản trợ cấp; cũng như chú trọng các biện pháp tăng cường giám sát nhằm đảm bảo các khoản trợ cấp đến đúng đối tượng.
Mục tiêu của hệ thống phúc lợi xã hội New Zealand là giúp người thụ hưởng được an toàn, tự tin và có đầy đủ năng lực để tham gia tích cực, tái hòa nhập vào thị trường lao động.
Tại buổi hội thảo, nhiều câu hỏi được đặt ra và trao đổi với chuyên gia như: tính bền vững và cơ chế vận hành của hệ thống phúc lợi xã hội New Zealand, hệ thống này giống và khác gì so với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Bắc Âu, và Việt Nam có thể học hỏi hay áp dụng được hay không?

Kết thúc chương trình, PGS.TS Phạm Văn Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị cho rằng buổi seminar đã cung cấp những thông tin hữu ích về mặt lý luận và thực tiễn về hệ thống phúc lợi xã hội ở một nước phát triển có nhiều ưu điểm mà Việt Nam có thể học hỏi. Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị mong rằng TS. Đoàn Thanh Tịnh và Khoa sẽ duy trì và phát triển hợp tác về nghiên cứu, đồng thời có những trao đổi thường xuyên và chất lượng hơn.

Trần Quang Tuyến (Khoa KTCT) - Ảnh: Đỗ Đỗ

FullName Email
Address Security code JYEARZ
Content