Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Định hướng nghiên cứu và sáng tạo của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN năm 2019

Buổi họp có sự tham gia của Hiệu trưởng ĐHKT và trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh
Ngày 28/12/2018, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm khoa học: Chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học và sáng tạo của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN” tại Asean Resort.

Tham dự toạ đàm có Đại diện Ban Giám hiệu Trường ĐHKT, lãnh đạo viện và trung tâm nghiên cứu, trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng cấp Đại học Quốc gia cùng một số giảng viên có thành tích cao trong công bố quốc tế. Tọa đàm được tổ chức với mục đích nhìn nhận lại những điểm mạnh, những kết quả trong nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKT thời gian qua, đồng thời xác định rõ các định hướng nghiên cứu trong thời gian tới nhằm phát huy một cách tối đa các thế mạnh của trường.

Buổi họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế, lãnh đạo các đơn vị, đại diện các nhóm nghiên cứu mạnh và các nhà khoa học có nhiều công trình NCKH

Bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt các trường đại học trước những yêu cầu thay đổi lớn. Bản thân mô hình đào tạo, nghiên cứu của các trường đại học hiện nay sẽ dần dần không còn phù hợp với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, với vai trò là các tổ chức khoa học công nghệ, các trường đại học cần phải triển khai mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành nhân tố chính trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong bối cảnh đó, Ban Giám hiệu Trường ĐHKT khẳng định nhà trường sẽ có những đầu tư mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học nhằm hướng tới những sản phẩm, những công bố có chất lượng cao nhằm nâng cáo thương hiệu của nhà trường cũng như góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước.

Ban giám hiệu Trường Đại học Kinh tế lắng nghe những ý kiến từ các nhà khoa học của Trường

Tại buổi toạ đàm, các nhà khoa học khẳng định thế mạnh về nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKT trong thời gian qua thể hiện qua tỷ lệ công bố quốc tế thuộc loại cao nhất trong số các trường đại học khối kinh tế; nhiều báo cáo, sản phẩm nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao cho các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Để có được những sản phẩm đó, Trường đã có các chính sách khuyến khích, định hướng cũng như tạo các cơ chế khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học, đặc biệt các nhóm nghiên cứu của Trường.

Nhóm Nghiên cứu mạnh Năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp Việt Nam (trưởng nhóm PGS.TS. Phan Chí Anh) với hướng nghiên cứu hiện đại liên quan tới quản trị tiên tiến, quản lý chất lượng, sản xuất bền vững đã thực hiện nhiều đề tài, dự án và phối hợp, chuyển giao sản phẩm ứng dụng cho các đối tác trong và ngoài nước.

 

PGS.TS. Phan Chí Anh trình bày tại Tọa đàm

Nhóm nghiên cứu mạnh Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô (trưởng nhóm PGS.TS. Nguyễn Đức Thành) triển khai thực hiện Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam. Đây là ấn phẩm thường niên quan trọng trong lĩnh vực kinh tế Việt Nam hiện đại. Đến nay, chuỗi ấn phẩm đã xuất bản hàng năm và nhận được sự quan tâm đặt hàng của nhiều cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thực hiện nhiều nghiên cứu, công bố các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách với nòng cốt là nhóm nghiên cứu này đã được đánh giá là một trong các think tank trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra các chiến lược chính của nhóm nghiên cứu tại Tọa đàm

Nhóm nghiên cứu mạnh Hội nhập kinh tế quốc tế (trưởng nhóm PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn) định hướng nghiên cứu về các tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đặc biệt thông qua các kênh thương mại, tài chính và đầu tư. Nhóm đã cùng với Trường ĐHKT tổ chức nhiều nghiên cứu và hội thảo quốc tế có tính lan tỏa về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ASEAN và Đông Á, hội nhập kinh tế khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng, hội nhập kinh tế biên giới.

 

PGS.TS Nguyễn Anh Thu đại diện Nhóm nghiên cứu mạnh Hội nhập kinh tế quốc tế trình bày tại Tọa đàm

Nhóm nghiên cứu mạnh Quản trị công ty trong ngân hàng (trưởng nhóm PGS.TS Trần Thị Thanh Tú) tập trung vào việc nghiên cứu vai trò, nội dung, tác động của quản trị công ty trong ngân hàng, cũng như đưa ra Bộ chỉ số đánh giá quản trị công ty của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Sản phẩm của nhóm nghiên cứu này bao gồm chuỗi hội thảo và đào tạo về quản trị công ty trong ngân hàng.

 

TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy đại diện nhóm nghiên cứu mạnh Quản trị công ty trong ngân hàng nêu những định hướng và giải pháp thực hiện cho nhóm

Nhóm nghiên cứu tiềm năng Quản trị tinh gọn Made in Việt Nam (trưởng nhóm PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh) với các nghiên cứu về đặc thù quản trị tinh gọn áp dụng cho các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam.

 

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh trình bày tại Tọa đàm

Bên cạnh các nhóm nghiên cứu đã được ĐHQGHN công nhận, một số hướng nghiên cứu của các nhóm nghiên cứu khác đã hình thành và đã có các hệ thống sản phẩm khoa học được công nhận như nhóm nghiên cứu về tài chính cá nhân, nhóm nghiên cứu về kinh tế tài nguyên và an ninh phi truyền thống, nhóm nghiên cứu về sinh kế… Đặc biệt, Trường ĐHKT cũng có các điển hình là các nhà khoa học hàng đầu về công bố quốc tế trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam như TS. Trần Quang Tuyến - Khoa Kinh tế Chính trị.

 

TS. Trần Quang Tuyến đưa ra để xuất các giải pháp để tăng chất lượng và số lượng công bố quốc tế tại Tọa đàm

 

PGS.TS. Nguyễn An Thịnh nếu ý kiến xây dựng thêm các nhóm nghiên cứu mới trong Trường Đại học Kinh tế

Trong buổi toạ đàm, đại diện các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đưa ra một số ý kiến về định hướng phát triển của các nhóm cũng như của Trường ĐHKT trong thời gian tới. Các ý kiến tập trung vào định hướng quốc tế hoá trong nghiên cứu của Trường, định hình những hướng nghiên cứu và sản phẩm khác biệt của Trường cũng như cách thức hợp tác, huy động các nguồn lực khác nhau cho nghiên cứu. Một hướng nghiên cứu lớn bao trùm có thể kết nối các nhóm nghiên cứu đó là phát triển các mô hình phát triển kinh tế dựa trên hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, từ cấp độ vi mô tới vĩ mô.

 

Các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế lần lượt đưa ra những ý kiến đóng góp về chiến lược hành động năm 2019, chia sẻ cũng như nêu ra những khó khăn vướng mắc cần được khắc phục

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu đã tập hợp các ý kiến và đưa ra một số hoạt động nghiên cứu khoa học mà Nhà trường cần tập trung trong thời gian tới như: đẩy mạnh sự phát triển của các nhóm nghiên cứu hướng tới các sản phẩm liên nhóm, sản phẩm chung của toàn trường; tổ chức các hội thảo quốc tế uy tín, hướng tới các sản phẩm là báo cáo thường niên, sách chuyên khảo, các sản phẩm chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức; sách xuất bản với các đối tác quốc tế; công bố bài báo trên các tạp chí uy tín ISI và Scopus, hướng tới xây dựng sách trắng về các thành tựu nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKT. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng sẽ chú trọng sinh hoạt chuyên môn khoa học trong toàn trường thông qua các toạ đàm khoa học liên khoa, liên nhóm.

Hiệu trưởng Trường ĐHKT, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê khẳng định Nhà trường sẵn sàng đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học nhằm mục tiêu hướng đến những sản phẩm tiêu biểu, các công bố quốc tế có chất lượng, các nghiên cứu có tính liên ngành và ứng dụng cao. Điều này phù hợp với định hướng phát triển của Trường ĐHKT và ĐHQGHN là hướng tới mô hình Đại học đổi mới sáng tạo, xứng đáng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

 

Toàn thể lãnh đạo trường Đại học kinh tế cùng các nhà khoa học tham dự Tọa đàm đều mong muốn chiến lược phát triển năm 2019 sẽ được thực hiện thành công


Anh Thu

FullName Email
Address Security code ZTQQUD
Content