Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Tọa đàm tưởng nhớ 1 năm ngày mất của nhà nghiên cứu Đặng Phong

Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam hiện đại, ông Đặng Phong (1939 - 2010), là một trong những chuyên gia có nhiều đóng góp cho bộ môn lịch sử kinh tế Việt Nam. Với bề dày hơn 40 năm nghiên cứu liên tục và sống động, ông để lại một di sản đồ sộ dưới dạng những nguồn tư liệu được sưu tập công phu. Thêm vào đó, ảnh hưởng của Đặng Phong còn lan tỏa sâu đậm đến các thế hệ nghiên cứu và trí thức tiếp bước ông, nhờ cá tính mạnh mẽ, phong cách và quan điểm sống khoáng đạt, tự do.

Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của nhà nghiên cứu Đặng Phong (20/8/2010), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã phối hợp với Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức tọa đàm khoa học để tưởng nhớ và tri ân những đóng góp của ông cho nền nghiên cứu kinh tế học non trẻ của nước nhà.

Nội dung thảo luận của buổi tọa đàm bao gồm các vấn đề liên quan đến cá nhân tác giả, những đóng góp và di sản học thuật của tác giả, cũng như về ngành lịch sử kinh tế Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Buổi tọa đàm cũng là dịp để các đồng nghiệp, bạn hữu, gia đình, học trò và những người quý mến ông, có cơ hội gặp gỡ và cùng chia sẻ những kỷ niệm về ông. Đặc biệt, đây cũng là sự kiện mở đầu cho các sự kiện thường niên của VEPR nhằm tưởng nhớ cố GS. Đặng Phong và các đóng góp to lớn của ông, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nhánh lịch sử kinh tế ở Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, sau phần chia sẻ của TSKH. Nguyễn Thị Hiền về GS. Đặng Phong như một người đồng nghiệp tuyệt vời, đầy nhiệt huyết và sáng tạo trong công việc, chuyên gia Đinh Tuấn Minh đã có phần trình bày về “Xu hướng nghiên cứu lịch sử kinh tế hiện đại”. Trong phần trình bày, ông đã cho người nghe một cái nhìn tổng quan về nghiên cứu lịch sử kinh tế ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, từ đó cho thấy GS. Đặng Phong có thể được coi là người đi đầu và đặt nền móng cho lịch sử kinh tế Việt Nam để các thế hệ tiếp theo tiếp bước việc nghiên cứu lịch sử kinh tế theo các phương pháp hiện đại.

Sau phần trình bày của hai diễn giả chính, những người tham dự tọa đàm, bao gồm những đồng nghiệp cũ, bạn bè, người thân, những người đã ít nhiều có dịp được tiếp xúc hay đơn giản là được đọc và yêu thích các tác phẩm của Đặng Phong đã cùng chia sẻ cảm tưởng về con người ông cũng như những đóng góp của ông cho lịch sử kinh tế nước nhà. Buổi tọa luận đã diễn ra sôi nổi, hầu hết các ý kiến đều nhất trí ghi nhận Đặng Phong như một nhân cách đặc sắc, một con người có sức lôi cuốn và lan tỏa mạnh mẽ, đầy sáng tạo và nhân bản. Các ý kiến thảo luận cũng nhất trí rằng di sản đồ sộ mà GS. Đặng Phong để lại đặt nền tảng cho nghiên cứu sử kinh tế ở Việt Nam, và việc đánh giá những cống hiện thực sự và tầm ảnh hướng trí tuệ của ông đòi hỏi một độ lùi thời gian xa hơn nữa. Những người tham dự cũng bày tỏ hy vọng thế hệ nghiên cứu lịch sử kinh tế mới sẽ sớm cho ra những nghiên cứu có ý nghĩa để tiếp tục phát triển bộ môn lịch sử kinh tế ở Việt Nam.


Chuyên gia Đinh Tuấn Minh trình bày về Xu hướng nghiên cứu lịch sử kinh tế hiện đại

Buổi tọa đàm có sự tham dự đông đủ của người nhà GS. Đặng Phong, các đồng nghiệp, bạn bè, học trò, độc giả, những người quý trọng ông và rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.

Xem thêm thông tin về buổi tọa đàm trên Báo chí:

1. Sử kinh tế, khó ai qua GS Đặng Phong – Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Những kỷ niệm về nhà lịch sử kinh tế Đặng Phong - Báo Khoa học và Đời sống.

3. Tọa đàm kỷ niệm 1 năm ngày mất cố giáo sư Đặng Phong - Báo Thể thao và Văn hoá.

4. Tọa đàm tưởng nhớ GS Đặng Phong – Báo Tuổi trẻ

5. Toạ đàm tưởng nhớ 1 năm ngày mất nhà nghiên cứu Đặng Phong – Báo Điện tử Đảng Cộng sản

6. Hình ảnh Seminar thứ Sáu: Tưởng nhớ 1 năm ngày mất nhà nghiên cứu Đặng Phong – Website Nhà xuất bản Tri Thức


Tuyết Mai và CTV

FullName Email
Address Security code DRULEK
Content