Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Seminar Nghiên cứu kinh tế và chính sách số 8

Chiều ngày 22/3/2013, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi seminar Nghiên cứu kinh tế và chính sách số 8 với chủ đề “Lợi thế cạnh tranh của CHDCND Lào: Định vị và thực trạng”. Diễn giả là Nguyễn Minh Cường - đại diện cho nhóm nghiên cứu (cùng nghiên cứu viên Nguyễn Thế Long).

Seminar có sự góp mặt của các chuyên gia cao cấp của VEPR: TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Phạm Sỹ Thành, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường đại học khác nhau trên địa bàn Hà Nội.
Bài nghiên cứu phân tích những cách nhìn mới về lợi thế cạnh tranh của CHDCND Lào dựa trên lý thuyết về lợi thế cạnh tranh của Michael Porter kết hợp với số liệu cập nhật. Từ đó, nhóm nghiên cứu đi sâu hơn vào phân tích thực trạng những doanh nghiệp Lào đang hoạt động trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp định lượng dựa trên các bộ số liệu về kinh tế Lào công khai. Do đặc thù của một nghiên cứu về tính cạnh tranh của một nền kinh tế không phải Việt Nam, phần khuyến nghị sẽ không hướng đến các nhà hoạch định mà hướng đến các nhà đầu tư, những người đã và đang quan tâm đến thị trường mới nổi nhiều tiềm năng này.
Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng nghiên cứu đã cho thấy những thành công trước mắt khi xây dựng được một phương pháp luận tương đối rõ ràng, cùng với việc sử dụng nguồn dữ liệu thống kê tin cậy có được do IPSARD trực tiếp điều tra khảo sát tại Lào.
Tuy nhiên theo nhận xét của TS. Nguyễn Đức Thành, nghiên cứu nên tập trung vào một ngành nhất định thay vì cố gắng phân tích toàn bộ các ngành nghề có thế mạnh của Lào. Cùng chung quan điểm, TS. Phạm Sỹ Thành đưa ra những nhận định riêng của mình dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu về hệ thống doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm giúp tác giả có được một cái nhìn sâu sắc hơn khi phân tích về các doanh nghiệp Lào.
Hai chuyên gia cũng chia sẻ một số hiểu biết và nhận định của mình về nền kinh tế Lào, đồng thời gợi mở thêm một số ý tưởng nếu tác giả muốn phát triển thêm bài nghiên cứu của mình.
Song song với những góp ý chuyên môn sâu sắc của hai chuyên gia là những thảo luận của các giảng viên, các nghiên cứu viên và các sinh viên tham dự hội thảo. Tác giả đã giải thích cụ thể những thắc mắc, tiếp thu những ý kiến đóng góp một cách nghiêm túc nhằm hoàn thiện hơn bài nghiên cứu của nhóm, đồng thời hy vọng có thể tiếp tục phát triển hơn trong tương lai.

Dương Vân Nga (VEPR)

FullName Email
Address Security code BLRHWD
Content