Khoa Kế toán Kiểm toán (Vi)
 Search

Nhóm nghiên cứu Trường ĐHKT khảo sát tại Singapore và Indonesia

Đoàn nghiên cứu cùng các đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Singapore
Từ ngày 12/12 đến 19/12/2013, nhóm nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam”, thuộc chương trình KX.01/11-15 do PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN làm trưởng đoàn đã đi khảo sát tại hai nước Singapore và Indonesia.

Chuyến khảo sát nhằm mục đích tìm hiểu về định hướng và kinh nghiệm của Singapore và Indonesia trong việc tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) các vấn đề lớn trong tiến trình thực hiện AEC như: tiến trình tự do hoá thương mại, đầu tư, tài chính và dịch chuyển lao động của các nước ASEAN.
Cụ thể, trong thời gian tại Singapore, đoàn khảo sát đã gặp gỡ đại diện phụ trách về việc thực hiện AEC của Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương Singapore nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến tiến trình thực hiện AEC của Singapore, những thách thức đối với việc thực hiện các cam kết còn lại và phương hướng giải quyết; định hướng và vai trò của các tổ chức, của chính phủ Singapore trong việc thực hiện AEC và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Tại buổi làm việc với ISEAS


Đoàn cũng đã có cuộc gặp gỡ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) - viện nghiên cứu hàng đầu của Singapore thu hút được nhiều học giả uyên bác trên khắp thế giới chuyên nghiên cứu về kinh tế, chính trị và xã hội khu vực Đông Nam Á. Tiếp đoàn có ngài
Rodolfo Severino, cựu Tổng thư ký ASEAN, và các chuyên gia đầu ngành của ISEAS về hội nhập kinh tế quốc tế. Các vấn đề liên quan đến thể chế của AEC, nguyên tắc đồng thuận của AEC và những thuận lợi/khó khăn mà Singapore và các nước khác trong ASEAN gặp phải trong việc thực hiện AEC đã được hai bên thảo luận rất chi tiết.
Trong thời gian công tác tại Indonesia, đoàn đã gặp và làm việc với ngài Subash Bose Pillai, Giám đốc Ban Hội nhập thị trường, Bộ phận Cộng đồng Kinh tế ASEAN thuộc Ban Thư ký ASEAN (ASEAN Secretariat). Hai bên thảo luận chi tiết về các vấn đề thể chế trong Hiến chương ASEAN, cơ chế hoạt động của Ban Thư ký ASEAN, các thể chế khác trong ASEAN và tại các nước thành viên, các vấn đề gặp phải trong việc triển khai thực hiện AEC cũng như vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong AEC.

Từ trái sang: ThS. Vũ Thanh Hương, TS. Nguyễn Cẩm Nhung, TS. Lê Xuân Sang, ngài Subash Bose Pillai, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn và TS. Nguyễn Anh Thu


Tại Indonesia, đoàn khảo sát đã gặp gỡ trao đổi với ông Yose Rizal Damuri,
Trưởng Phòng Kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Indonesia (CSIS - Center for Strategic and International Studies), một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách uy tín hàng đầu của Indonesia. Hai bên đã trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô của Indonesia, quan điểm của Indonesia về cơ hội và thách thức khi tham gia AEC, và những tác động của sự hình thành AEC tới các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính và sự dịch chuyển lao động của Indonesia.


Đoàn nghiên cứu và ông Yose Rizal Damuri,
Trưởng Phòng Kinh tế, CSIS

Ngày 18/12, đoàn làm việc với các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Đây là viện nghiên cứu có mối quan hệ rất chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN và 16 viện nghiên cứu của các nước ASEAN+6 với chức năng như một “think-tank” của ASEAN. ERIA thực hiện và cung cấp các báo cáo nghiên cứu chính sách và khuyến nghị về hội nhập kinh tế Đông Á và ASEAN cho các bộ trưởng, các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng lượng. Tại đây, hai bên đã trao đổi về tiến trình thực hiện AEC, các thách thức đối với việc thực hiện AEC đối với các nước thành viên cũng như triển vọng của hội nhập kinh tế trong AEC sau năm 2015.


Buổi làm việc tại ERIA


Với các thông tin, kiến thức, tài liệu thu nhận được cũng như các vấn đề đã được đưa ra thảo luận với các đối tác, chuyến khảo sát này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện đề tài “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam”. Bên cạnh đó, chuyến khảo sát đã giúp cán bộ Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN nâng cao năng lực nghiên cứu nhờ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu về hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời góp phần xây dựng và thắt chặt quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN với các cơ quan, tổ chức đối tác tại Singapore và Indonesia.

Cẩm Nhung - Anh Thu (Khoa KT&KDQT)

FullName Email
Address Security code OEPLMI
Content