New Trang tin
 Search

Chính sách và thực trạng kinh tế Nông nghiệp Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền kinh tế nông nghiệp nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức cũng như cơ hội với sự phát triển kinh tế 4.0 và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ Địa phương - Bộ Khoa học và Công nghệ, Chuyên trang Chuyển đổi số - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn - Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hội thảo “Chính sách và thực trạng kinh tế nông nghiệp Việt Nam” lần thứ nhất năm 2023. 


Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất đối với sự phát triển của Việt Nam. Về kinh tế, GDP nông nghiệp chiếm khoảng 13,96% tổng GDP năm 2019. Tuy nhiên, con số này phản ánh mức giảm đều từ 38,06% năm 1986, cho thấy sự chuyển đổi sâu sắc của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2001-2013, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 3,57%/năm, cao hơn và ít biến động hơn so với các nước châu Á khác. Từ một đất nước bị nạn đói đe dọa, Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 15 trên toàn cầu về xuất khẩu nông sản. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng vọt từ 4,2 tỷ USD năm 2004 lên 41,3 tỷ USD năm 2019, chiếm 15,68% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Các nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hạt điều, cao su, sắn, thủy sản và đồ nội thất. Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm 65% lực lượng lao động theo thống kê năm 2000. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con số này đã giảm đáng kể, xuống còn 47,4% vào năm 2012 và 39,4% vào năm 2019. Gần 50% các hộ gia đình làm nông nghiệp ở nông thôn năm 2016 cho biết nguồn thu nhập chính của họ vẫn từ nông nghiệp, mặc dù tỷ lệ này giảm từ 68% năm 2006. Chuyển đổi nông nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, thông qua tăng thu nhập từ các hoạt động phi trồng trọt, đặc biệt ở các nhóm dân tộc thiểu số. Ngành nông nghiệp cũng là ngành chiếm tỷ lệ lớn trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, như đất, nước, rừng và các nguyên liệu thô khác, phần lớn đã được phân bổ lại cho phát triển công nghiệp và đô thị.

Trong giai đoạn COVID-19, ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến hầu hết các ngành các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Trước những khó khăn đó, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng dương với mức tăng 1,04%; trong khi đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển so với cùng kỳ năm trước: năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản đạt khá. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với thách thức lớn từ nội tại tới khách quan. Ba thách thức lớn là hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu và quy mô sản xuất buộc nền nông nghiệp phải tái cơ cấu mạnh mẽ. Do đó, sẽ cần phải phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Việt Nam cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường... Việt Nam cần thúc đẩy nông nghiệp xanh, là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh bảo đảm phát triển hài hòa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Đồng thời, chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”; chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang mục tiêu “phát triển tích hợp liên ngành”, từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”; từ đó hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn, phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà phục vụ phát triển kinh tế nông thôn và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả đã tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách và thực trạng kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, bài tham luận của TS. Lê Thị Kim Loan đến từ Khoa Kinh tế Nông nghiệp, Trường Kinh tế - Đại học Cần Thơ đã đưa ra đánh giá nguồn vốn sinh kế của hộ gia đình bị xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua phương pháp trọng số Entropy. Trong những năm qua, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn biến khá phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hạ nguồn ít cộng với yếu tố thủy triều đưa nước biển đi sâu vào các kênh, mương nội đồng, lượng mưa giảm, nắng nóng kéo dài. Qua quan sát tại Trạm quan trắc Cà Mau cho thấy, lượng mưa ở ĐBSCL ít thường tập trung từ tháng 12 đến tháng 4. Năm 2018, lượng mưa trung bình của toàn vùng thấp nhất là 0,2 mm vào tháng 3, các tháng 2 và 4 có lượng mưa từ 10,1-11,2 mm; thấp hơn so với lượng mưa trung bình của cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, số giờ nắng của vùng khá cao, tập trung vào khoảng tháng 2-4, số giờ nắng trung bình từ 196,6 giờ đến 248,3 giờ/tháng. Điều này dẫn đến tình trạng bốc hơi nhanh và làm gia tăng độ mặn. Những tác động của con người cũng góp phần không nhỏ gây ra XNM như khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức, thay đổi mục đích sử dụng đất.

Trước tình trạng hạn mặn ngày càng nghiêm trọng, người dân ở ĐBSCL đã có những thay đổi trong chiến lược sinh kế để bảo đảm ổn định cuộc sống. Cư dân vùng hạn mặn vẫn duy trì mô hình sinh kế cũ nhưng cách thức hoạt động của mô hình có thay đổi. Một số ít hộ gia đình có sinh kế canh tác nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp hoặc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; trong khi đó cư dân có sinh kế trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản không chuyển sang canh tác nông nghiệp mà chuyển sang sinh kế phi nông nghiệp. Thực tế cho thấy người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sinh kế, nếu có chuyển đổi thì chỉ thay đổi cách thức sản xuất. Vì vậy, để giúp cho người dân vùng hạn có chuyển đổi sinh kế nhằm bảo đảm tính bền vững, nghiên cứu gợi mở một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường dễ bị tổn thương. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã làm đảo lộn sinh kế của người dân ở vùng ĐBSCL. Hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Điều này đã làm gia tăng tính dễ bị tổn thương cho sinh kế của cư dân. Vì thế, cải thiện môi trường là rất cần thiết. Để làm được điều này, trước hết là cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng chống hạn mặn; tiếp đến là nâng cao chất lượng công tác dự báo và tập huấn kiến thức về sản xuất và kinh nghiệm ứng phó với hạn mặn.

Thứ hai, cải thiện hoạt động sinh kế bằng việc đa dạng hóa sinh kế; tư vấn, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con nông dân; đảm bảo cơ chế chính sách trong xây dựng sinh kế bền vững cho cư dân thông qua việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tư liệu sản xuất; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý thực thi các chính sách giữa các đơn vị có liên quan.

Thứ ba, cải thiện các nguồn lực sinh kế. Các nguồn lực sinh kế có ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược sinh kế của cư dân vùng hạn mặn. Để làm được điều này, cần chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực ở địa phương; đầu tư phương tiện sản xuất hiện đại, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...

Tiếp đó, bài tham luận của TS. Vũ Xuân Nam về ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc chè Thái Nguyên đưa ra nghiên cứu áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, sản phẩm chè Thái Nguyên được thị trường ưa chuộng và có sức cạnh tranh cao. Nhiều sản phẩm đã được cấp quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, trên thực thế việc bảo hộ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè vẫn chưa được đảm bảo. Trên thị trường còn nhiều sản phẩm chè không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được gắn nhãn “Trà Thái Nguyên”, “Tân Cương” làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng và niềm tin của người tiêu dùng. Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chè là vô cùng cần thiết. Để đảm bảo thương hiệu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ..., tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một tiêu chí rất quan trọng, góp phần tạo nên uy tín của sản phẩm. 

Đã có nhiều giải pháp giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm hàng hóa, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một công cụ rất quan trọng để phân biệt hàng thật, hàng giả trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử thông qua mã QR (Quick Response - Mã phản hồi nhanh) sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm về sản phẩm khi mua, nâng cao độ tin cậy của người tiêu dùng với sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị của thương hiệu hàng hóa. Hiện nay, ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản đang được rất nhiều đối tượng quan tâm; đặc biệt ứng dụng công nghệ này đang được áp dụng cho nông sản xoài và thanh long ở nước ta. Sản phẩm chè Thái Nguyên nên nghiên cứu và áp dụng công nghệ này để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Từ các thực tiễn hiện nay, tham luận đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, việc ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sản phẩm vẫn chưa được áp dụng nhiều ở Việt Nam. Chính vì vậy, để ứng dụng rộng rãi công nghệ này, thời gian tới, cần có được khung pháp lý và môi trường thể chế thuận lợi cho Blockchain phát triển. Trước tiên, cần xác định đây là mục tiêu dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc trong dài hạn của Nhà nước. Hành lang pháp lý quy định về tự động hoá, số hóa các quy trình thủ tục liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp theo là, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cả hoạt động, quy trình cũng như tài chính (chính sách cắt giảm thuế, hỗ trợ vốn vay)… đối với một nhóm các doanh nghiệp tiên phong, từ đó tạo thành một môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp khác cũng như các chủ thể khác của nền kinh tế tận dụng đà tăng tốc phát triển. 

Thứ hai, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cần tiên phong trong ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ bao gồm cả công nghệ Blockchain để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, cung ứng dịch vụ công, đi đầu trong xây dựng môi trường sinh thái Blockchain. Sau khi đã tạo ra được môi trường của một “hệ sinh thái Blockchain”, thì việc kết nối các bên hữu quan, cũng như phát triển thành một hệ sinh thái hoàn thiện sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn. 

Thứ ba, cần duy trì cơ chế trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng cung ứng dịch vụ công nghệ cả ở trong nước và quốc tế để phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai hệ thống. Đồng thời, cần nâng cao năng lực sử dụng hệ thống bằng các hoạt động truyền thông, phổ biến, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước về việc ứng dụng công nghệ Blockchain.

Ngoài ra, các diễn giả tại Hội thảo còn trao đổi về các vấn đề:

- Đánh giá thực trạng, các tồn tại hạn chế và tiềm năng phát triển của kinh tế nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế 4.0 và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.

- Các vấn đề về đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học – công nghệ, công nghệ mới và chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp.

- Các vấn đề về kinh tế tuần hoàn trong kinh tế nông nghiệp.

- Đánh giá các chính sách hiện hành về kinh tế nông nghiệp; cung cấp các luận cứ khoa học giúp hoàn thiện chính sách về kinh tế nông nghiệp.

- Đưa ra các giải pháp hướng tới mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

- Các vấn đề kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý thảo luận, đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học giúp đánh giá thực trạng, các tồn tại hạn chế và tiềm năng phát triển của kinh tế nông nghiệp Việt Nam, từ đó cung cấp các luận cứ khoa học nhằm hoàn thiện chính sách về kinh tế nông nghiệp cũng như đưa ra các giải pháp hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code AIVOQO
Content