Theo Công văn số 306/QĐ-ĐHQGHN ngày 11 tháng 02 năm 2022, ĐHQGHN ban hành Chiến lược Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021 - 2030 như sau:
I. QUAN ĐIỂM
- Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) là nền tảng, động lực cho sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
- Hoạt động KH,CN&ĐMST phải phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cần kết hợp nội lực và ngoại lực để nâng cao vị thế của ĐHQGHN; thể hiện trách nhiệm quốc gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Hoạt động KH,CN&ĐMST: Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ phải hoà vào dòng chảy của văn minh nhân loại, gắn liền với tạo dựng môi trường văn hoá mang tính đổi mới sáng tạo; tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; xây dựng hệ sinh thái đồng bộ từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đến thương mại hoá; lấy kết quả đóng góp cho sự phát triển của đất nước và sự phát triển KH,CN&ĐMST của thế giới làm thước đo.
II. MỤC TIÊU
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, hoạt động KH,CN&ĐMST của ĐHQGHN đóng vai trò nòng cột, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Phát triển tiềm lực KH,CN&ĐMST của ĐHQGHN theo định hướng đổi mới sáng tạo gắn kết với nhu cầu thị trường, theo đó, đến năm 2030 phát triển 50 hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với hạt nhân là các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm - trung tâm nghiên cứu trọng điểm, doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Đến năm 2030, tạo ra 05 sản phẩm công nghệ cao hoặc sản phẩm quốc gia ứng dụng trong thực tiễn, chuyển giao và thương mại hoá.
- Gia tăng kết quả KH,CN&ĐMST: (i) Số lượng và chất lượng công bố quốc tế: Trung bình số bài báo ISI/Scopus trên tổng số cán bộ khoa học/năm đạt tỷ lệ 1,5 vào năm 2025 và tỷ lệ 1,8 vào năm 2030. Trong đó, số lượng các công bố có chất lượng thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố quốc tế đạt 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030; (ii) Số đơn đăng ký giải pháp hữu ích, sáng chế 2 được chấp nhận hợp lệ/năm đạt 100 công bố vào năm 2025 và 150 công bố vào năm 2030.
- Tăng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, chuyển giao và thương mại hoá sản phẩm KH,CN&ĐMST: đạt 15% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030/tổng nguồn thu KH,CN&ĐMST.
- Đến năm 2030, ĐHQGHN có mô hình tổ chức hoạt động KH,CN&ĐMST hoàn chỉnh gắn với tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố Hà Nội và quốc gia.
III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
3.1. Phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Phát triển công viên KH,CN&ĐMST trên cơ sở liên kết các phòng thí nghiệm liên ngành, liên lĩnh vực phối hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao Hoà Lạc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quy mô Thành phố Hà Nội và khu vực.
- Tổ chức hình thành doanh nghiệp spin-off và doanh nghiệp khởi nghiệp để hỗ trợ phát triển sản phẩm ứng dụng và thương mại hoá.
- Phát triển trung tâm cơ sở dữ liệu số phục vụ nghiên cứu, đào tạo, quản lý tài sản trí tuệ và thương mại hoá sản phẩm KH,CN&ĐMST.
3.2. Tổ chức các nhiệm vụ/chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ/chương trình KH,CN&ĐMST trọng điểm cấp quốc gia.
- Chủ động xây dựng mới các chương trình nghiên cứu KH,CN&ĐMST cấp Bộ và cấp quốc gia.
- Xây dựng và triển khai chương trình/nhiệm vụ KH,CN&ĐMST hợp tác với địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
3.3. Phát triển dịch vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Phát triển nguồn thu từ dịch vụ (tư vấn, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định,…) trên nền tảng của hệ thống các phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm đạt chuẩn quốc gia và quốc tế: Vilas, Vimcerts, GMP,…
- Tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ đăng ký và chuyển giao tài sản trí tuệ.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên gia đạt các chứng chỉ theo chuẩn trong nước và quốc tế gắn với chuyển giao, thương mại hoá các sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN).
3.4. Chuyển đổi số trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Chuyển đổi mô hình quản lý trên nền tảng công nghệ số.
- Phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tích hợp phục vụ cho tổ chức hoạt động KH,CN&ĐMST.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động nghiên cứu tích hợp giữa lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với lĩnh vực công nghệ số.
- Phát triển không gian số kết nối và thương mại hoá sản phẩm KH,CN&ĐMST.
3.5. Đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Đổi mới cơ chế và mô hình hoạt động KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
- Đổi mới phương thức hợp tác về KH,CN&ĐMST giữa ĐHQGHN với doanh nghiệp và địa phương theo hình thức công - tư.
- Đổi mới phương thức thu hút nhà khoa học, chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các hoạt động KH,CN&ĐMST tại ĐHQGHN.
IV. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
4.1. Giải pháp chính sách
- Cho phép nhà khoa học được làm việc 01 tháng/năm tại doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST nhưng vẫn tính là giờ làm việc tại ĐHQGHN theo quy định.
- Khuyến khích nhà khoa học/đơn vị thu hút các nguồn đầu tư thực hiện nhiệm vụ KH,CN&ĐMST cấp ĐHQGHN.
- Cho phép nhà khoa học/đơn vị phối hợp với doanh nghiệp và nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp KH,CN&ĐMST dạng spin-off theo mô hình thí điểm.
- Ưu tiên nghiên cứu sinh có công bố tối thiểu 02 bài báo quốc tế đúng hướng nghiên cứu của luận án và là tác giả chính đăng trên tạp chí ISI/SCOPUS sẽ được miễn phản biện kín và đặc cách tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ trước hội đồng.
- Ưu tiên nhóm nghiên cứu mạnh và phòng thí nghiệm trọng điểm có những sản phẩm vượt trội được thực hiện chương trình KH,CN&ĐMST các cấp.
- Hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các nhóm nghiên cứu thực hiện đấu thầu thành công các nhiệm KH,CN&ĐMST trong nước và quốc tế có quy mô từ 5 tỷ đồng trở lên.
- Thúc đẩy chính sách chuyển đổi giữa giờ nghiên cứu khoa học và giờ giảng dạy.
4.2. Giải pháp nhân lực
- Gia tăng số lượng các nhóm nghiên cứu mạnh.
- Phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành để giải quyết các bài toán lớn và liên lĩnh vực.
- Phát triển các tổ chức tư vấn chính sách để tham gia thực hiện tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý KH,CN&ĐMST
4.3. Giải pháp hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Tăng cường năng lực/tiềm lực của các tổ chức KH,CN&ĐMST mang tính liên ngành, liên lĩnh vực tại Hoà Lạc.
- Đầu tư phát triển hệ thống phòng thí nghiệm mới gắn với đổi mới sáng tạo, sản xuất thử nghiệm và thương mại hoá sản phẩm.
- Phát triển môi trường ươm tạo doanh nghiệp spin-off và doanh nghiệp khởi nghiệp.
4.4. Giải pháp tài chính
- Xây dựng các nhiệm vụ và chương trình KH,CN&ĐMST thu hút đầu tư từ ngân sách, doanh nghiệp cũng như các tổ chức quốc tế.
- Tập trung phát triển các nguồn kinh phí theo phương thức xã hội hoá.
- Tập trung thu hút nguồn lực tài chính cho Quỹ phát triển KH&CN.
- Tăng cường nguồn thu từ hoạt động dịch vụ KH,CN&ĐMST.
- Tăng cường thực hiện hoạt động khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
- Ưu tiên đầu tư kinh phí theo sản phẩm đầu ra.
- Hỗ trợ trực tiếp kinh phí đối với nhóm nghiên cứu và nhà khoa học có sản phẩm KH&CN hoàn chỉnh.
4.5. Giải pháp về hợp tác
- Tổ chức chương trình hợp tác KH,CN&ĐMST với các địa phương, doanh nghiệp có cam kết cùng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
- Tăng cường hợp tác và khai thác các nguồn lực quốc tế. - Thúc đẩy nhà khoa học, đơn vị tham gia các chương trình KH,CN&ĐMST quốc tế thể hiện vai trò, trách nhiệm của ĐHQGHN trong những vấn đề toàn cầu.
4.6. Giải pháp về truyền thông
- Triển khai đồng bộ các kênh và công cụ truyền thông nhằm truyền tải, quảng bá một cách hiệu quả cho hoạt động KH,CN&ĐMST của ĐHQGHN.
- Gắn truyền thông với việc thực hiện các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST.
- Thúc đẩy tổ chức các sự kiện KH,CN&ĐMST thể hiện ý tưởng mới, độc đáo của các nhà khoa học, đơn vị.
4.7. Giải pháp về chuyển đổi số
- Xây dựng bộ số liệu dùng chung trong quản lý và phục vụ nghiên cứu KH,CN&ĐMST và đào tạo.
- Phát triển nền tảng và sử dụng dịch vụ công nghệ điện toán đám mây để tổ chức quản lý hoạt động KH,CN&ĐMST theo cá thể hoá người dùng.
- Minh bạch hoá dữ liệu KH,CN&ĐMST để vinh danh và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị và nhà khoa học
- Quốc tế hoá hoạt động KH,CN&ĐMST tại ĐHQGHN thông qua việc thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối, chia sẻ tài nguyên số với các đối tác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
5.1. Ban Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng ĐHQGHN và các Ban chức năng có liên quan:
- Tổ chức triển khai Chiến lược; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và định kỳ hằng năm báo cáo Giám đốc ĐHQGHN; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược trong toàn ĐHQGHN.
- Tổ chức triển khai Chiến lược; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và định kỳ hằng năm báo cáo Giám đốc ĐHQGHN; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược trong toàn ĐHQGHN.
- Tổ chức thực hiện các chương trình/nhiệm vụ KH,CN&ĐMST cấp ĐHQGHN, cấp Nhà nước.
- Xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST 5 năm, hằng năm phù hợp với Chiến lược.
- Đề xuất cơ cấu phân bổ ngân sách đạt chỉ tiêu của Chiến lược.
5.2. Ban Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng ĐHQGHN và các Ban chức năng có liên quan cân đối ngân sách hằng năm cho hoạt động KH,CN&ĐMST.
5.3. Các đơn vị thành viên và trực thuộc có trách nhiệm:
- Cụ thể hoá định hướng nhiệm vụ phát triển KH,CN&ĐMST của Chiến lược vào kế hoạch hằng năm, chiến lược phát triển của đơn vị.
- Xây dựng, đặt hàng nhiệm vụ KH,CN&ĐMST của Chiến lược và chỉ đạo thực hiện kế hoạch ứng dụng KH,CN&ĐMST ở đơn vị.
5.4. Các cá nhân và tổ chức khác theo chức năng, quyền và nghĩa vụ của mình chủ động, tích cực tham gia thực hiện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược.
>> Xem chi tiết Công văn tại đây
>> Xem chi tiết Quyết định tại đây